Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa xuân tại xã Giao Thịnh (Giao Thủy). |
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 70.256ha, giảm 138ha so với vụ xuân 2023, trong đó có 99% diện tích là các giống xuân muộn. Hiện nay, lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên tháng 3, thời tiết trời âm u, ít nắng; đầu tháng nhiệt độ thấp và bị ảnh hưởng bởi không khí lạnh, có ngày xuống dưới 10 độ C, giữa và cuối tháng trời ít nắng, nhiệt độ trung bình 20 độ C đã làm chậm quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Dự kiến lúa trỗ tập trung từ ngày 10 đến 17-5, muộn hơn vụ xuân 2023 khoảng 5 ngày. Thời tiết cũng thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại, đặc biệt sâu cuốn lá nhỏ. Cụ thể, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đã nở rộ với mật độ rất cao, lứa kéo dài, phổ biến 100-300 con/m2, nơi cao 500-700 con/m2, cục bộ có nơi trên 1.000 con/m2 cao gấp 5-7 lần các năm trước, quy mô phân bố và mức gây hại rất nặng trên tất cả diện tích lúa xuân. Rầy lứa 2 có mật độ cao gấp 2-3 lần cùng lứa năm trước, mật độ phổ biến 500-1.000 con/m2, nơi cao 2.000-4.000 con/m2, cục bộ từ 5.000 đến 1 vạn con/m2. Diện tích cần trừ rầy là 34.513ha. Bệnh khô vằn đã xuất hiện trên các trà lúa, tỷ lệ bệnh phổ biến 3-5%, nơi cao 10-20%, cục bộ trên 30%. Toàn tỉnh cần phun trừ bệnh khô vằn cho 45.583ha, phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông cho 6.200ha.
|
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa xuân tại xã Xuân Hòa (Xuân Trường). |
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có Công văn số 415/UBND-VP3 ngày 26-4-2024 chỉ đạo tập trung phòng, chống sinh vật gây hại, bảo vệ an toàn sản xuất lúa vụ xuân 2024. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện số 1384/CĐ-SNN ngày 24-4-2024 về việc tập trung chỉ đạo phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, rầy, bệnh khô vằn và đạo ôn cổ bông bảo vệ sản xuất lúa xuân; tổ chức tuyên truyền lưu động khắp các huyện, thành phố liên tục từ ngày 28-4 đến ngày 2-5 để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương phun trừ sâu bệnh gây hại để bảo vệ lúa... Các huyện, thành phố đã chỉ đạo và tích cực đôn đốc nông dân triển khai đợt phun trừ sâu bệnh từ ngày 30-4 đến 5-5. Đến hết ngày 1-5-2024, toàn tỉnh đã trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 được 29.987ha kết hợp trừ rầy cho 21.025ha, đạt 53,2% diện tích cần trừ; phun trừ bệnh khô vằn được 34.963ha.
|
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa xuân tại xã Hải Hưng (Hải Hậu). |
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng đã đi kiểm tra thực địa công tác phòng trừ sâu bệnh trên lúa tại các xã: Xuân Hòa (Xuân Trường), Giao Thịnh (Giao Thủy) và Hải Hưng (Hải Hậu). Sau khi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu: Các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tranh thủ thời tiết để phun trừ đồng loạt sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 tập trung từ nay đến ngày 5-5 cho toàn bộ diện tích lúa xuân kết hợp phun thuốc trừ rầy, bệnh khô vằn, đạo ôn cổ bông. Sau phun thuốc 5 ngày, tổ chức kiểm tra mật độ sâu cuốn lá nhỏ, nếu số sâu còn sống sót trên 50 con/m2 thì phải phun trừ lại lần 2. Yêu cầu các địa phương phối hợp với các Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn đảm bảo đủ nước cho lúa trỗ bông, phơi màu thuận lợi. Tăng cường kiểm tra thị trường cung ứng vật tư nông nghiệp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là những trường hợp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả hoặc bán kèm nhiều loại thuốc không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành, ngăn chặn tình trạng lợi dụng tăng giá hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng. Quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là các mô hình sản xuất lúa “cánh đồng lớn” liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất vụ mùa 2024./.
Theo BaoNamDinh.VN