Sign In

Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6): Nhiều biện pháp thiết thực phục hồi chất lượng đất, chống hạn hán

19:04 04/06/2024
Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá”. Đây là chủ đề cần quyết liệt triển khai hiệu quả bởi đã có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.

 

Huyện Nghĩa Hưng huy động các lực lượng cán bộ, chiến sĩ và người dân phối hợp ra quân thu dọn rác thải ven biển.

 

Tại Nam Định, diện tích đất nông nghiệp dùng cho trồng trọt có xu thế mất cân đối về dinh dưỡng do biến đổi khí hậu (BĐKH), tình trạng canh tác độc canh, thâm canh đã sử dụng nhiều phân bón vô cơ và hoá chất bảo vệ thực vật. Tình trạng đất bị khô hạn và chua hóa đang ở mức độ nhẹ, diện tích bị khô hạn nhẹ và chua hóa do tác động của BĐKH là 59.280ha, trong đó có 55.633ha đất nông nghiệp và 3.633ha đất chưa sử dụng. Nếu quá trình này diễn ra trong thời gian dài, kết hợp với nắng nóng thường xuyên, lượng mưa càng lớn thì đất bị chua hoá càng mạnh. Các trận bão, lũ lụt xảy ra những năm qua đã dẫn đến các hiện tượng sạt lở, xói mòn, rửa trôi trên 1 triệu m3 đất, đá trên địa bàn tỉnh, làm mất dần độ phì nhiêu, tăng nhiều độc tố gây suy thoái đất đai, nếu không có biện pháp khắc phục phù hợp sẽ trở thành khu vực không thể canh tác. Toàn tỉnh hiện có 8.765ha đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, trong đó có 950ha đất trồng màu, 3.000ha đầm nuôi tôm ven biển, nếu không có biện pháp phù hợp sẽ trở thành khu vực không thể canh tác. Hiện tượng hạn hán những năm gần đây có dấu hiệu gia tăng bởi tình trạng xâm nhập mặn, cùng với mực nước sông xuống thấp dẫn đến khó khăn cho công tác tưới tiêu phục vụ canh tác tại các huyện ven biển như Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy.

Những năm qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã rất nỗ lực triển khai thực hiện nhiều biện pháp thiết thực hướng đến bảo vệ môi trường (BVMT), phục hồi chất lượng đất và chống hạn hán. Để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn do nước biển dâng và điều tiết nước chống hạn, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch và triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đê biển, đê sông xung yếu, xây dựng cống ngăn mặn, giữ nước ngọt; nạo vét hệ thống sông, kênh mương; củng cố nâng cấp hệ thống trạm bơm đảm bảo tưới tiêu kịp thời. Hàng năm, các ngành, các địa phương còn tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây phân tán, gia tăng năng lực điều hòa nguồn nước, giảm lũ, tăng lưu lượng mùa kiệt nước, góp phần hạn chế tác động của BĐKH toàn cầu, nước biển dâng; chắn sóng, gây bồi lấn biển, bảo vệ bờ biển, đê biển, phòng chống thiên tai, tăng cường bảo vệ sản xuất và đảm bảo an toàn đời sống cho cộng đồng dân cư ven biển.

Các ngành chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của tài nguyên đất, tài nguyên nước, các nguy cơ tác động gây suy thoái, ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, từ đó nâng cao ý thức của nhân dân trong việc tham gia thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước, cải tạo chất lượng đất, sử dụng hợp lý trữ lượng nước. Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, hướng dẫn các ngành, các địa phương: Quy hoạch, bố trí đất phát triển công nghiệp phù hợp với môi trường xung quanh theo hướng hạn chế thấp nhất khả năng phát tán rộng, tác động xấu của chất thải trên cơ sở xác định rõ các loại hình công nghiệp, lượng phát thải và tính độc hại của các chất thải; giải pháp khống chế, xử lý chất thải trong quá trình hoạt động. Xây dựng quy hoạch, tổ chức sản xuất nông nghiệp xét theo các vùng, có đảm bảo tính phù hợp về điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác, nguồn nước cấp, mức tăng trưởng dân số. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường phối hợp với các địa phương quản lý, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các kỹ thuật canh tác theo hướng tránh gây ô nhiễm môi trường đất, làm suy thoái đất, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nước. Trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, tích cực hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng công nghệ cao, sử dụng chế phẩm sinh học, bảo đảm việc phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân đủ liều lượng, hạn chế phát tán lượng dôi dư ra môi trường, gây hại ra nguồn nước mặt và ảnh hướng đến chất lượng đất. Tại các huyện đã đẩy mạnh hướng dẫn, giám sát bà con nông dân thực hiện việc thu gom các vỏ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng vào các bể chứa xây tại ruộng, hợp đồng với đơn vị chức năng đến vận chuyển xử lý đúng quy định, góp phần hạn chế dư lượng hóa chất độc hại phát tán ra môi trường đất, nước. Các địa phương cũng tích cực vận động bà con nông dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học ngay tại đồng ruộng, nhờ đó diện tích đất nông nghiệp cũng được tăng cường lượng chất hữu cơ.

Tỉnh cũng xây dựng mạng lưới quan trắc hiện trạng môi trường, trong đó duy trì hệ thống quan trắc kiểm soát các nguồn tài nguyên nước gồm 26 giếng quan trắc nước ngầm, 4 mốc quan trắc nước mặt, 10 giếng quan trắc nước ngầm thuộc mạng lưới quan trắc quốc gia. Triển khai các đề án điều tra, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh; điều tra khoanh định khu vực hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Bên cạnh đó, hàng năm ngành chức năng và các địa phương cũng tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng nước trên địa bàn.

Đồng chí Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đỗ Quang Trung cho biết, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phát động “Tháng hành động vì môi trường”, huy động sức mạnh của tập thể, các tổ chức, đoàn thể trong việc tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị. Từ đó, các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động phù hợp hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường; trong đó chú trọng tuyên truyền các biện pháp BVMT đất, chống suy thoái, sa mạc hóa đất, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên rừng hiệu quả... Đặc biệt, các ngành, các địa phương đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động BVMT như: Rà soát, kiểm soát các nguồn chất thải; trong đó chú trọng biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải có nguy cơ tác động xấu tới môi trường nước, môi trường đất. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên rừng, an toàn trong sản xuất nông nghiệp (sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng, thuốc kích thích, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xử lý rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, xử lý chất thải trong hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản). Mít tinh, ra quân tổng vệ sinh môi trường; vớt và xử lý rác thải tại các kênh, mương, ao, hồ, những tụ điểm ô nhiễm; ra quân vệ sinh bãi biển, vớt rác thải biển; phân loại, thu gom xử lý rác, rác thải nhựa đúng quy định; trồng và chăm sóc cây xanh, tuyến đường hoa, cây cảnh; trồng bổ sung rừng ngập mặn, chắn sóng, chắn cát. Phát động các phong trào, chiến dịch hoặc xây dựng mô hình chung tay chống ô nhiễm môi trường đất.

Thông qua các hoạt động thiết thực này, các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể của tỉnh kêu gọi cộng đồng thiết thực hành động thực hiện chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024 là phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho người trên toàn thế giới.

Theo: Baonamdinh.vn

 

Tag:

File đính kèm