Giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh các trường THCS.
Thực tế trên địa bàn tỉnh ta cũng đã xuất hiện tình trạng trẻ em bị lợi dụng thông tin cá nhân, xúc phạm danh dự, xâm hại thân thể và tiền bạc cũng như bị xúi giục vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó còn rất nhiều ảnh hưởng khi sử dụng nhiều mạng xã hội đến trẻ em đã được các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý và cảnh báo như: mắc bệnh về mắt, thần kinh và cột sống do ngồi sai tư thế và ánh sáng xanh từ các thiết bị. Ngoài ra, có nhiều trường hợp trẻ em học theo những hướng dẫn nguy hiểm của mạng xã hội gây ra nhiều hậu quả khôn lường.
Nhận thức rõ những nguy cơ khi trẻ em sử dụng mạng xã hội, thời gian qua, công tác bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng được các ngành, các địa phương trong tỉnh tổ chức thực hiện tốt theo Kế hoạch 68/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động nghiên cứu, xây dựng, xuất bản các chương trình, sản phẩm, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng và giáo dục về quyền, bổn phận của trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các chiến dịch truyền thông hướng đến các đối tượng là trẻ em và người chăm sóc trẻ em. Đồng thời triển khai hiệu quả các chương trình tư vấn, giáo dục cho cha mẹ các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục, cải thiện giao tiếp giữa cha mẹ, người chăm sóc trẻ em giúp trẻ em phát triển các hành vi xã hội, cảm xúc lành mạnh.
Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động về báo chí, xuất bản, kiểm duyệt thông tin trên internet và các điểm kinh doanh dịch vụ mạng xã hội, internet xung quanh trường học, để chủ động tuyên truyền, ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi sử dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em. Thiết lập và thông tin, tuyên truyền về các kênh thông tin tiếp nhận phản ánh các hình ảnh, video, nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Nghiên cứu, đưa các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, các kho học liệu, xuất bản phẩm điện tử vào sử dụng trong ngành Giáo dục và Đào tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trên môi trường mạng. Chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển các ứng dụng, nội dung giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em và tham gia tích cực vào việc phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn, truyền thông nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội lành mạnh, an toàn cho học sinh; tích hợp nội dung giáo dục bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, học sinh tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng trong dạy học nội khóa và các hoạt động ngoài giờ chính khóa theo quy định. Đồng thời triển khai các giải pháp kỹ thuật tại trường học nhằm giám sát, chặn lọc truy cập các nội dung vi phạm pháp luật, các nội dung không phù hợp với trẻ mầm non, học sinh. Ban Chỉ đạo 138 của tỉnh đã chủ trì ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị Công an tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện Kế hoạch liên tịch số 01/KHLT-CA-ĐTN-TTTT-GDĐT về “Phối hợp phát động đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng”.
Đến nay, các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh đang duy trì hàng trăm tài khoản facebook, fanpage làm công cụ tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Nhóm các đơn vị như Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh và các trường học trên địa bàn thực hiện số hóa sách báo, tư liệu quý để đáp ứng nhu cầu tra cứu, đọc, xem của độc giả và xây dựng mô hình thư viện thông minh, tạo sức hấp dẫn và thuận lợi cho giáo viên, học sinh tiếp cận gần hơn với sách, báo, tư liệu học tập. 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. Đặc biệt tại hầu hết các trường học đã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn. Đồng thời xây dựng nhiều mô hình thư viện điện tử; kho học liệu thông minh để dẫn dắt học sinh tránh xa những trang mạng có nguy cơ gây hại tâm lý, sức khỏe và tư duy, hành động của trẻ. Các doanh nghiệp viễn thông đã đưa ra các giải pháp công nghệ hỗ trợ người đọc khám phá kho tàng sách khổng lồ với hàng nghìn tư liệu; thiết bị đọc sách thông minh như: Kho học liệu số 3D được tích hợp sẵn trên phần mềm Mozabook - vnEdu Content Book.
Intenet là mạng mở toàn cầu, do vậy việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là việc làm khó, cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong đó chú trọng đến 3 giải pháp căn cơ đó là tăng cường hỗ trợ kỹ năng bảo vệ trẻ cho các bậc cha mẹ và thầy cô giáo; triển khai hiệu quả các hoạt động nâng cao năng lực số cho trẻ em, giúp các em nhận biết và sử dụng mạng an toàn trên internet; cách xử lý tình huống khi các em gặp phải vấn đề trên không gian mạng và gia tăng các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, phát hiện sớm những trang web có nội dung xấu ảnh hưởng đến trẻ em. Đặc biệt là cần trang bị các kiến thức cần thiết về internet cho trẻ em trước khi cho tiếp xúc với mạng này và luôn đồng hành để định hướng, ngăn chặn trẻ em sa bẫy nguy hiểm trên mạng.
Theo: Baonamdinh.vn