Một tiết mục sân khấu hóa tác phẩm văn học của học sinh
tại chương trình Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Nam Định (21-4) năm 2023.
Phát triển văn hóa đọc
Tỉnh ta có mạng lưới thư viện khá phát triển bao gồm: Thư viện tỉnh, 10 thư viện huyện, thành phố, 4 thư viện xã, 3 thư viện tư nhân; hơn 1.400 phòng đọc, tủ sách cơ sở (226 tủ sách pháp luật; 198 điểm Bưu điện văn hóa xã phục vụ sách, báo; hơn 900 tủ sách làng, thôn, xóm, tổ dân phố) cùng hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách đồng bộ ở nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh có gần 240 nghìn bản sách; mỗi năm phục vụ trên 280 nghìn lượt bạn đọc tại chỗ và lưu động. Nhiều thư viện, tủ sách hoạt động tích cực, hiệu quả như: phòng đọc thiếu nhi ở huyện Hải Hậu của ông Đặng Văn Khảm; quán cà phê sách của cha con ông Nguyễn Đức Cương, Nguyễn Văn Nam ở xóm 7, xã Hải Anh (Hải Hậu); thư viện của gia đình bà Ngô Thị Khiếu, xã Giao Thịnh (Giao Thủy)…
Những năm qua, Sở VH, TT và DL đã chú trọng triển khai thực hiện các đề án: đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện; xây dựng xã hội học tập; phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh ký kết các chương trình tổ chức phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện văn hóa xã; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao trong trường học; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong thư viện công cộng và thư viện ngành Công an nhân dân… Hàng năm, Sở phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức chuỗi các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Nam Định (21-4), tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Phát huy vai trò của thư viện trung tâm, Thư viện tỉnh tích cực hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình xây dựng thư viện đạt chuẩn như: tư vấn về cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện chuyên dụng; chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động thư viện; tăng cường hoạt động kết nối, trao đổi, luân chuyển tài liệu sách, báo đến thư viện, phòng đọc, tủ sách cấp huyện, cấp xã.
Nhằm lan tỏa, khuyến khích hình thành thói quen đọc sách và tự học trong học sinh, Thư viện tỉnh phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh nhân Ngày hội đọc sách (21-4); bồi dưỡng kỹ năng đọc; trao tặng sách; đón đoàn học sinh tới tham quan, trải nghiệm tại Thư viện tỉnh; tuyên truyền, quảng bá về thư viện và nguồn nhân lực thư viện; triển khai nhiều mô hình, hoạt động mới phù hợp với công tác thư viện tại trường học... Thông qua các hoạt động, học sinh biết đến thư viện nhiều hơn, biết tận dụng các tiết đọc trên thư viện vào mục đích học tập, nghiên cứu, hỗ trợ việc học tập tại trường. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã quan tâm đầu tư, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thư viện trường học. Đến nay, 100% trường học các cấp trong tỉnh đều có thư viện, hơn 10 nghìn tủ sách lớp học. Bên cạnh các thư viện truyền thống với hàng nghìn đầu sách, nhiều trường đã đầu tư xây dựng các mô hình: “Thư viện thông minh”, “Thư viện thân thiện”, “Thư viện xanh”, “Thư viện điện tử”, “Góc đọc sách ngoài trời”… Mỗi năm, các trường học trong tỉnh đã quyên góp được số lượng lớn sách giáo khoa để tặng, cho mượn đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động đọc sách không chỉ được khuyến khích mà còn được đảm bảo thực hiện bằng những quy định cụ thể. Tiêu biểu như Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) yêu cầu học sinh tham gia đầy đủ các hoạt động tại thư viện nhà trường; quản lý, phát huy hiệu quả của việc đọc thông qua yêu cầu học sinh viết thu hoạch. Công tác thông tin, tuyên truyền được nhà trường đẩy mạnh với nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn: tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, giới thiệu, thuyết trình về sách; viết cảm nhận về sách; sân khấu hóa các tác phẩm văn học… Nhờ đó, phong trào đọc và làm theo sách của giáo viên và học sinh trong nhà trường có những chuyển biến tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa, được học sinh yêu thích, phụ huynh đồng tình, nhà trường ủng hộ.
Chuyển đổi số để tiếp cận bạn đọc
|
Thiếu nhi đọc sách tại Thư viện tỉnh trong dịp hè. |
Chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện là xu thế tất yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách trên mạng của độc giả. Việc chuyển đổi số còn giúp lưu giữ tài liệu cổ, giá trị và giúp nhiều người dễ dàng tiếp cận với kho sách của thư viện; đồng thời tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện. Kế hoạch số 29/KH-UBND, ngày 28-2-2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh đã xác định mục tiêu chung là ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện.
Phát huy vai trò của hệ thống thư viện trong thời đại 4.0, Thư viện tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức triển lãm, trưng bày sách, báo trên nền tảng công nghệ số; tập trung khai thác hiệu quả Trang thông tin điện tử thuviennamdinh.vn thông qua việc thường xuyên giới thiệu sách, báo, tạp chí; cập nhật các hoạt động của thư viện giúp người đọc nắm bắt kịp thời thông tin về nguồn tài liệu mới bổ sung; đồng thời tra cứu thông tin cơ sở dữ liệu của thư viện trên hệ thống máy tính nối mạng internet. Hàng năm, Thư viện tỉnh thường xuyên cử cán bộ xuống thư viện các huyện, thành phố, tủ sách cơ sở hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thư viện, hỗ trợ cài đặt phần mềm thư viện và xử lý vốn tài liệu, cách thức tổ chức kho sách phù hợp… góp phần làm phong phú nguồn tài nguyên thông tin, phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc của người dân.
Hệ thống thư viện công cộng trong tỉnh là những “mắt xích” quan trọng, đã có nhiều nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động và thực hiện “sứ mệnh” cung cấp thông tin, nâng cao tri thức cho người dân. Để ngày càng phát triển mạng lưới thư viện công cộng, thời gian tới, Sở VH, TT và DL tiếp tục tham mưu UBND tỉnh duy trì nguồn kinh phí bổ sung vốn tài liệu, tăng tần suất luân chuyển cho các thư viện cơ sở trên địa bàn. Đẩy mạnh tổ chức hoạt động giáo dục, học tập suốt đời tại các thư viện, huy động sự tham gia hiệu quả của các phương tiện thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp. Tăng cường phối hợp triển khai có hiệu quả việc xây dựng, duy trì thói quen đọc sách trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; khuyến khích phát huy vai trò của gia đình trong việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em, hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội học tập./.
Theo baonamdinh.vn