Nhờ sự đồng thuận của người dân, huyện Nghĩa Hưng thuận lợi trong giải phóng mặt bằng,
thi công dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư xã Nghĩa Sơn.
Nhiều vướng mắc, khó khăn
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Nghĩa Hưng thực hiện GPMB 6 dự án trọng điểm nên khối lượng GPMB lớn nhất tỉnh. Đến nay, huyện đã hoàn thành GPMB 4 dự án; còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong GPMB nhóm 3 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại khu vực Cồn Xanh và dự án tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn hai). Đồng chí Sái Hồng Thanh, Bí thư Huyện uỷ Nghĩa Hưng lý giải về những khó khăn trong công tác GPMB trên địa bàn: “Đối với nhóm dự án của Tập đoàn Xuân Thiện, hiện tại toàn bộ diện tích khu vực Cồn Xanh đã hết hạn hợp đồng thuê đất nhưng các hộ dân vẫn không di dời tài sản, vật nuôi tại đây dù việc tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tại dự án đường trục phát triển, do hướng tuyến đường mở rộng (giai đoạn 2) có sự thay đổi, từ phương án tuyến ban đầu đi ngoài đê Ninh Cơ chuyển sang đi trong đê, qua khu dân cư dẫn tới khó khăn khi giải thích cho nhân dân hiểu và phải làm quy trình các bước GPMB từ đầu. Một số công trình nhân dân mới xây dựng kiên cố trước khi thay đổi phương án quy hoạch, rất khó khăn cho công tác GPMB. Việc xác định giá đất chậm ảnh hưởng tới tiến độ lập phương án và thời gian để vận động nhân dân đồng thuận bị rút ngắn nên hiệu quả chưa cao. Các khu tái định cư tập trung chưa xây dựng xong hạ tầng. Nhiều hộ đã được vận động làm đơn đề nghị thu hồi đất nhận tiền bồi thường hạ tầng và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trước; việc nhận đất tái định cư các hộ sẽ thực hiện sau khi có đất tái định cư (dự kiến các khu tái định cư sẽ có đất tái định cư trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 12-2023). Mặc dù huyện đã tích cực vận động, tuyên truyền; áp dụng chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng suất tái định cư cho các hộ thuộc diện tự lo chỗ ở (gần 74 triệu đồng/hộ) nhưng các hộ còn đang do dự, một số hộ vẫn có ý kiến đề nghị được giao đất tái định cư “.
Thành phố Nam Định hiện đang thực hiện GPMB 17 dự án; trong đó có 10 dự án triển khai mới giai đoạn 2020-2025 có tổng diện tích đất thu hồi là 1.118,7ha với 2.861 hộ gia đình, cơ quan tổ chức bị ảnh hưởng; 7 dự án tồn tại từ các năm trước. Công tác GPMB các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, đến nay còn 2 dự án trọng điểm gồm cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi và tuyến đường trục phía nam thành phố đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B đang bị chậm so tiến độ GPMB thành phố đăng ký với tỉnh. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy Nam Định nhận diện các vướng mắc lớn trong công tác GPMB của thành phố gồm: “Việc bố trí tái định cư do các hộ còn kiến nghị về hỗ trợ giá trị chênh lệch suất tái định cư tối thiểu; kiến nghị về đơn giá bồi thường, hỗ trợ thấp, giao đất tái định cư chưa cao, diện tích được bồi thường và đề xuất thu hồi hết diện tích đất ở nhỏ lẻ còn lại. Tại dự án xây dựng cầu qua sông Đào có 7 hộ gia đình, cá nhân thuộc diện giao đất trái thẩm quyền của HTX rau cá Tiền Phong năm 1991. Dù thành phố căn cứ nguồn gốc sử dụng đất, các tài liệu liên quan để lập, phê duyệt phương án GPMB theo đúng quy định hiện hành và đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân nhưng các hộ này không đồng ý và kiến nghị được bồi thường mức 100% đối với toàn bộ diện tích đất bị thu hồi”.
Không riêng gì các huyện, thành phố kể trên, các địa phương khác trong tỉnh cũng gặp các khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ GPMB như: Khó bố trí khu tái định cư có điều kiện tương đồng vị trí người dân đang sinh sống; thời gian làm thủ tục xây dựng hạ tầng khu tái định cư tập trung kéo dài. Một số địa phương chưa quản lý chặt chẽ việc cho thuê đất công ích dẫn đến khó thanh lý khi hết hạn hợp đồng. Một số địa phương còn lúng túng trong thực hiện trình tự thủ tục và xử lý các tình huống trong công tác GPMB. Tình trạng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác GPMB ở một số địa phương còn diễn biến phức tạp. Những khó khăn này khiến tiến độ GPMB nhiều dự án đến thời điểm này còn rất chậm, nhất là dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2); tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển.
Cần các giải pháp quyết liệt
Từ thực trạng này, Ban Chỉ đạo GPMB phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2022-2025 (Ban Chỉ đạo GPMB tỉnh) tiếp tục chỉ đạo gia tăng các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB, nhất là các dự án trọng điểm. Đầu tháng 8-2023, Ban Chỉ đạo GPMB tỉnh đã tổ chức họp kiểm điểm, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố. Trong tháng 8, tỉnh đã thành lập Đoàn công tác do các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ làm trưởng đoàn đi kiểm tra trực tiếp với các huyện, thành phố Nam Định, Nghĩa Hưng, Xuân Trường để nắm bắt tình hình, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB.
Theo đó để quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong GPMB, nhất là tại các dự án trọng điểm của tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích về vai trò, ý nghĩa quan trọng, cấp thiết của công tác GPMB đối với công tác thu hút đầu tư; lợi ích, hiệu quả của các dự án đầu tư trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Từ đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí để toàn dân tích cực hưởng ứng, tham gia, đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB. Các sở, ngành quan tâm theo sát và tích cực hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương thực hiện các thủ tục đền bù, lập thủ tục, hồ sơ thực hiện phương án tái định cư cho các hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất; khuyến khích các địa phương ưu tiên áp dụng phương án tái định cư phân tán tại chỗ cho các hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất. Trong thực hiện công tác GPMB, nhất là tại các dự án còn vướng mắc, các sở, ban, ngành, các địa phương đều tập trung thảo luận, bàn bạc để có thể thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn công tác GPMB theo tinh thần quyết liệt thực hiện mọi phần việc trên nguyên tắc đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và tối đa lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo đúng quy định của pháp luật.
Chẳng hạn tại thành phố Nam Định, theo đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Ngoài các biện pháp chung, thành phố tập trung vào các nhóm công việc gồm xác định nguồn gốc đất, đánh giá bồi thường, tái định cư; quan tâm giải quyết đơn thư khiếu nại; đối thoại với người dân. Để gỡ khó trong bố trí tái định cư đối với các hộ chưa đồng thuận, thành phố đã giao các phường áp dụng phương án hỗ trợ người dân tối đa trong hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan và tìm kiếm, tiếp cận, kết nối giúp các hộ dân nằm trong diện tái định cư thuận tiện trong mua đất của các hộ có nhu cầu bán đất xung quanh khu vực đất GPMB nên đã góp phần đẩy nhanh tiến độ bố trí tái định cư. Thành phố đã siết chặt quản lý, nâng cao trách nhiệm của các cán bộ, công chức liên quan, điều chuyển cán bộ địa chính, thậm chí cả đồng chí Chủ tịch UBND phường sang công tác ở vị trí khác do không hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức trách được giao. Riêng nhóm 7 hộ gia đình, cá nhân thuộc diện giao đất trái thẩm quyền của HTX rau cá Tiền Phong những năm 90 của thế kỷ trước, thành phố vừa tổ chức đối thoại với người dân, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động vừa hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan để chủ động tổ chức cưỡng chế khi cần thiết theo đúng quy định pháp luật để đảm bảo tiến độ chung của dự án”.
Tại các huyện, trong quá trình triển khai công tác GPMB, chú trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; xử lý các tình huống ngay từ cơ sở, không để người dân khiếu kiện kéo dài, tập trung đông người lên tỉnh và Trung ương, không để hình thành điểm “nóng” về an ninh trật tự. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác GPMB thực hiện các dự án đầu tư; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Thường xuyên báo cáo với đồng chí Ủy viên Ban TVTU, thành viên Ban Chỉ đạo GPMB tỉnh được phân công phụ trách địa bàn và các cấp, các ngành có liên quan, nhất là những vấn đề khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, giải quyết.
GPMB giúp các dự án được thi công và hoàn thành đưa vào khai thác đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra./.
Theo baonamdinh.vn