Sign In

Chuyển biến trong phát triển kinh tế biển ở Hải Hậu

15:21 25/09/2023
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 18-6-2021 về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, huyện Hải Hậu tập trung phát triển kinh tế biển (KTB) với mục tiêu: Khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế để xây dựng, phát triển hiệu quả, bền vững các ngành, lĩnh vực, đưa KTB trở thành ngành kinh tế động lực của huyện. Trong thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, người dân tham gia sản xuất, kinh doanh thuộc 3 lĩnh vực mũi nhọn, chủ đạo gồm: Du lịch - dịch vụ; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; nuôi trồng - khai thác - chế biến thủy sản. Sau hơn 2 năm thực hiện, huyện Hải Hậu đã tạo được nhiều chuyển biến trong phát triển KTB.

Lượt xem: 38

Một góc nông thôn mới xã Hải Quang.

 

Huyện ưu tiên thực hiện công tác quy hoạch để tạo công cụ quản lý, động lực mới cho phát triển KTB. Đáng kể, đã thực hiện lập điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện lập quy hoạch chung xây dựng 29/29 xã của huyện. Đã lập, điều chỉnh và định hướng quy hoạch chung xây dựng các đô thị. Trong đó định hướng đến năm 2025, nâng cấp, mở rộng thị trấn Yên Định lên đô thị loại IV. Định hướng đến năm 2030 nâng cấp thị trấn Thịnh Long kết hợp với thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) phát triển thành đô thị loại III trực thuộc tỉnh; mở rộng, sáp nhập xã Hải Lý vào thị trấn Cồn, hình thành đô thị Cồn - Văn Lý; thành lập thêm 2 thị trấn, đô thị loại V là thị trấn Hải Đông, thị trấn Hải Phú. Huyện còn đề xuất tích hợp vào Quy hoạch tỉnh các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu thu hút các nhà đầu tư tiềm năng như KCN Nam Hải Hậu 1 quy mô 200ha tại các xã Hải Đông, Hải Lý; KCN Nam Hải Hậu II quy mô 100ha tại xã Hải Đông; các CCN Hải Đông, làng nghề Hải Minh, Hưng Thanh, mở rộng CCN Hải Phương.

Trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng chiến lược phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trên địa bàn huyện đã và đang được tỉnh ưu tiên bố trí vốn đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm, mang tính liên thông nội tỉnh và kết nối đến các vùng kinh tế của quốc gia như là tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển. Ngoài ra, huyện cũng chủ động dành ngân sách địa phương đầu tư cải tạo, nâng cấp các trục giao thông chính của địa phương gồm đường Trung Hòa giai đoạn III, đường Tây Sông Múc, đường Nam Trung. Về hạ tầng công nghiệp, trên địa bàn huyện có 3 CCN đã được đầu tư xây dựng hạ tầng là CCN Hải Phương, CCN làng nghề Hải Minh, CCN thị trấn Thịnh Long; CCN Hải Vân quy mô 10ha đã được bàn giao đất để xây dựng hạ tầng; huyện đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục phát triển KCN giai đoạn 2021-2030, theo đó sẽ đầu tư xây dựng KCN Nam Hải Hậu. Huyện còn chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống đê kè phòng chống thiên tai kết hợp phát triển du lịch - dịch vụ do vùng ven biển của huyện thường xuyên phải chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan đe doạ các công trình kết cấu hạ tầng ven biển, gia tăng xâm nhập mặn, mất đất do biển xâm thực.

Những nỗ lực đồng bộ kể trên đã tích cực thúc đẩy phát triển KTB của huyện với những điểm nhấn đáng kể. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt 17.551 tỷ đồng, bằng 116,9% so với năm 2020. Tỷ trọng các ngành chuyển đổi tích cực: Công nghiệp - xây dựng cơ bản chiếm 55,19%; dịch vụ chiếm 23,71%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,09%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 542,3 tỷ đồng, bằng 203% dự toán tỉnh giao. Trong đó, kinh tế du lịch đã bước đầu khai thác được nhiều giá trị từ việc gắn xây dựng nông thôn mới, nhất là việc cải tạo, chỉnh trang diện mạo nông thôn, đô thị, bảo tồn, gìn giữ các giá trị bản sắc văn hoá địa phương. Huyện đã hình thành được một số sản phẩm du lịch đang ngày một gia tăng sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước như: Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển tại Khu du lịch biển Thịnh Long, khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu Nhà thờ đổ xã Hải Lý, bãi biển xã Hải Đông. Du lịch cộng đồng tham quan các mô hình nông thôn mới, bao gồm: Mô hình xóm văn hóa kiểu mẫu tiêu biểu tại các xã Hải Châu, Hải Quang, Hải An; mô hình tuyến đường kiểu mẫu tại các xã Hải Quang, Hải Đông, Hải Bắc, Hải Giang, Hải Châu, Hải Chính; mô hình vườn mẫu, vùng sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch tại các xã Hải Lộc, Hải Quang, Hải Tân, Hải Lý, Hải Xuân. Huyện cũng hình thành được các điểm du lịch gắn với văn hóa tâm linh tại các cơ sở đã được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh như: Cầu Ngói - Chùa Lương - Đền thờ Tứ Tổ, Chùa Phúc Hải, Đền Bảo Ninh, Đền An Trạch, các nhà xứ Quần Phương, Hưng Nghĩa, Xương Điền... Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân như ngành dịch vụ: Công nghệ thông tin, logistics, dịch vụ tài chính... Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt 6.612 tỷ 674 triệu đồng, tăng 27,9% so với năm 2020. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp - thuỷ sản năm 2022 đạt 3.700 tỷ đồng, tăng 213 tỷ đồng so với năm 2020; bình quân giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác nông nghiệp đạt 205 triệu đồng, tăng 25 triệu đồng so với năm 2020.

Không chỉ khai thác, phát huy tiền năng, nội lực, huyện Hải Hậu cũng tạo được bước chuyển biến trong công tác thu hút đầu tư. Thay vì chờ doanh nghiệp tìm đến, huyện đã chủ động tiếp cận, tiếp thị mời gọi các nhà đầu tư. Đồng thời, huyện gia tăng công tác hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuận lợi trong xúc tiến, tìm hiểu đầu tư cũng như hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Toàn huyện có 35 doanh nghiệp, trong đó có 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư tại 3 CCN với tổng số vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, thu hút trên 11 nghìn lao động. Ngoài ra còn có các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất ở ngoài CCN như: Công ty TNHH Viet Power đầu tư 500 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất giầy dép xuất khẩu tại xã Hải Tân, giải quyết việc làm cho trên 4.800 lao động; Công ty TNHH Smart Shirts Garments đầu tư 6,5 triệu USD xây dựng nhà máy may công nghiệp tại xã Hải Hà, giải quyết việc làm cho 1.500 lao động; Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử MSL đầu tư 8 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại xã Hải Thanh giải quyết việc làm cho 1.000 lao động... Hiện nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An đã được UBND tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát lập thủ tục đầu tư dự án xây dựng Tổng kho xăng dầu Trường An - Thịnh Long tại thị trấn Thịnh Long; đang tiếp tục đề xuất xây dựng cảng hàng lỏng tại khu vực cửa sông Ninh Cơ. Tập đoàn Xuân Thiện đang đề xuất xây dựng thành phố biển Thịnh Long.

Để đạt kết quả cao nhất trong phát triển KTB, thời gian tới huyện Hải Hậu sẽ bám sát định hướng phát triển KTB của tỉnh trong giai đoạn mới theo Quy hoạch tỉnh sắp được phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển 3 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn; chú trọng tăng nhanh chất lượng công tác thu hút đầu tư; ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch - dịch vụ; phát triển hậu cần nghề cá, cơ sở dịch vụ vận tải thuỷ, xây dựng hạ tầng các khu, CCN theo quy hoạch, đầu tư các nhà máy cung ứng nước sạch./.

  Theo baonamdinh.vn

Tag:

File đính kèm