Biểu diễn trong Lễ hội Phủ Dầy năm 2023.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 04 vào cuộc sống, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND chỉ đạo các cơ quan, ngành, UBND các xã, thị trấn trong toàn huyện thực hiện. 100% xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04 cả nhiệm kỳ và hàng năm. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phạm Quốc Hưng, Nghị quyết 04 đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp căn cơ mang tính đột phá về xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đất Thiên Bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội; góp phần xây dựng hệ thống chính quyền thực sự “là đạo đức, là văn minh”; xây dựng con người Vụ Bản thân thiện, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: “Nghĩa tình - Văn minh - Năng động - Sáng tạo”, là nguồn lực quan trọng xây dựng xã, huyện đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu. Phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc… thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Với quyết tâm chính trị cao, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Xây dựng NTM, đô thị văn minh” được các cấp, các ngành, các địa phương trong huyện triển khai rộng khắp, gắn kết với nhiều cuộc vận động, phong trào và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. 100% hương ước, quy ước của thôn, xóm, tổ dân phố (TDP) đã được rà soát thường xuyên, bổ sung kịp thời và được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận để thực hiện; trong hương ước đã chú trọng vận động việc thực hiện nội dung xây dựng đời sống mới văn minh như ở các xã: Tân Khánh, Minh Tân, Đại Thắng, Vĩnh Hào. Nhiều địa phương đã phát động nhân dân, các ngành, đoàn thể hưởng ứng thực hiện mô hình “ăn cỗ giỗ không phong bì”. Việc cưới, việc tang, giỗ chạp không tổ chức ăn uống linh đình, thực hiện nghi thức trang nghiêm phù hợp tập quán địa phương. Trong sinh hoạt và sản xuất không được để chất thải, khí thải gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của những người xung quanh; thực hiện phân loại rác và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn, yêu cầu tỷ lệ 100% các hộ gia đình trong thôn, xóm, TDP ký cam kết thực hiện.
Huyện đã thực hiện tốt việc huy động, sử dụng công khai, minh bạch, hiệu quả các nguồn vốn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa. Chú trọng phát huy các nguồn đóng góp của các tổ chức và nhân dân, xã hội hoá các hoạt động văn hoá, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hoá. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã xây mới 57 nhà văn hóa (NVH) thôn, 3 NVH xã; sửa chữa nâng cấp 5 NVH xã và 102 NVH thôn với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng. 100% khu dân cư có NVH hoặc khu sinh hoạt văn hóa, sân thể thao, với 120 sân bóng đá mi-ni, 41 sân bóng chuyền, bóng rổ, 170 sân cầu lông, 5 bể bơi phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và vui chơi giải trí của nhân dân. Đến tháng 10-2023, toàn huyện có 171/171 thôn, xóm, TDP đã có NVH theo tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Công tác quản lý văn hóa có sự chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, ngành, các xã, thị trấn trong triển khai các nhiệm vụ xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phát triển con người. Từ năm 2021 đến nay, huyện có thêm 1 di sản văn hoá phi vật thể được ghi danh công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia (Lễ hội “Thái Bình xướng ca” xã Thành Lợi) và 8 di tích được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hoá cấp tỉnh (Từ đường họ Đào, xã Minh Thuận; Đình Thông Khê, xã Cộng Hòa; Đình, Đền thôn Tiền, xã Tam Thanh; Đình Kĩa, xã Thành Lợi; Đình Tân Cốc, xã Tân Thành; Nhà thờ họ Vũ Đông, xã Thành Lợi; Từ đường Tiến sĩ Nguyễn Văn Tính, thôn Cựu Hào, xã Vĩnh Hào; Từ đường họ Đỗ, thôn Đình Hương, xã Đại Thắng). Việc quản lý tại 39 di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử (9 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh) và 176 di tích nằm trong danh mục bảo vệ, việc quản lý di tích và công tác trùng tu, tôn tạo được thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản.
Các cơ sở giáo dục, nhất là các trường THPT, đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các giá trị truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của quê hương và dân tộc, như: Truyền thống yêu nước, khoa bảng, cách mạng và văn hóa; mảnh đất địa linh nhân kiệt “Thiên Bản xưa - Vụ Bản nay”; giáo dục về các vùng văn hóa dân gian cổ truyền, các lễ hội làng, lễ hội dân gian truyền thống lâu đời của quê hương. Tiêu biểu như Trường THPT Nguyễn Bính đã triển khai nội dung giáo dục địa phương và tổ chức cho học sinh đi thăm các địa điểm: Nhà lưu niệm Nguyễn Bính, Đền thờ nữ tướng Mai Hồng, Đức Cường Bạo Đại Vương,… để giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào, sự tôn kính tiền nhân, ý thức giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa quê hương Vụ Bản; Trường THPT Lương Thế Vinh tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh đi thăm Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh. Các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tổ chức hội thi, giao lưu kể chuyện về những tấm gương học tập và làm theo lời Bác, học tập gương sáng tiền nhân; thành lập các câu lạc bộ văn, thơ, đội văn nghệ giáo viên, học sinh hát văn, đọc thơ Nguyễn Bính, hát nhạc Văn Cao… nhằm bảo tồn các nét đẹp văn hoá địa phương, qua đó tạo sức lan tỏa sâu rộng trong môi trường học đường của Vụ Bản.
Bên cạnh kết quả đạt được, nhiều chỉ tiêu Nghị quyết 04 chưa đạt kỳ vọng đề ra. Nhận thức, hành động của xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa, con người trong phát triển kinh tế - xã hội có lúc, có nơi của một bộ phận cán bộ, người dân chưa đầy đủ và sâu sắc, văn hóa chưa thật sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Công tác chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 04 ở một số địa phương chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, chưa coi bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong thời gian tới, Vụ Bản tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, giải pháp Nghị quyết 04 là: 100% các di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trị; trên 98% khu dân cư văn hoá trở lên, 98% gia đình văn hoá; 100% thôn, xóm, TDP có NVH và khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; trên 35% khu dân cư đạt NTM kiểu mẫu; thị trấn Gôi đạt chuẩn đô thị văn minh. 100% các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị duy trì và thực hiện tốt quy định cụ thể về văn hóa công sở, kỷ luật, kỷ cương công vụ. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý Nhà nước về văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, xây dựng con người thời kỳ đổi mới và hội nhập, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị thuần phong mỹ tục, giá trị văn hóa gia đình. Tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình, câu lạc bộ về văn hóa, thể thao cơ sở; duy trì, phát triển và đổi mới nội dung các liên hoan, hội diễn văn hóa, văn nghệ, dân vũ, phong trào thể dục, thể thao quần chúng, góp phần xây dựng cộng đồng nông thôn ổn định về chính trị, dân chủ, hòa thuận, nhân ái; xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn theo các tiêu chí về xây dựng NTM. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc tiêu biểu; khu dân cư văn hóa tiêu biểu; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” trong giai đoạn mới; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; lồng ghép thực hiện các cuộc vận động, phong trào hiện có gắn với thực hiện các nhiệm vụ, kinh tế - xã hội và chuyên môn nghiệp vụ… Có cơ chế tạo thuận lợi huy động các nguồn lực xã hội và phát huy vai trò chủ thể của người dân; khuyến khích các mô hình người dân tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các thiết chế văn hóa cơ sở./.
Theo baonamdinh.vn