Tính đến nay, toàn tỉnh có 3.720 cơ sở đã được cấp giấy phép hoạt động, bao gồm 715 cơ sở hành nghề y và 3.005 cơ sở hành nghề dược. Nhiều cơ sở đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực theo hướng đồng bộ, hiện đại và triển khai được nhiều kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật chuyên sâu góp phần tích cực vào công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Ngày 29/01/2018, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sau khi Chỉ thị được ban hành, qua 05 năm tổ chức triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đã phối hợp tích cực, thường xuyên hơn. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hành nghề y, dược ngoài công lập được quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động hành nghề y, dược đã được tăng cường, việc xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm và khá kịp thời. Số cơ sở hành nghề y, dược không có giấy phép hoạt động được phát hiện từ 685 cơ sở (tại thời điểm thống kê báo cáo của các huyện năm 2018), qua kiểm tra, xử lý vi phạm đã giảm đáng kể xuống chỉ còn 27 cơ sở (trong đó thành phố Vinh 26 cơ sở, huyện Tân Kỳ 01 cơ sở, theo báo cáo năm 2023), đã giảm 658 cơ sở.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác hành nghề y, dược ngoài công lập cũng đang còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, chấn chỉnh. Nhiều quy định của pháp luật về hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập chưa được thực hiện nghiêm túc. Tình trạng hành nghề không có giấy phép; hành nghề khi không đủ điều kiện; hành nghề không đúng với khả năng chuyên môn, vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép; quảng cáo sai thực tế, sử dụng và quản lý thuốc sai quy định; hành nghề trong khu vực dân cư không đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường... vẫn còn diễn ra, ngày càng có biểu hiện tinh vi và có xu hướng tăng, nhất là lĩnh vực răng hàm mặt, thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng... Những tồn tại này đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế, gây dư luận không tốt trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho sức khỏe nhân dân.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý nhà nước về hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn, thời gian tới, tỉnh Nghệ An cần quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, sâu rộng, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập. Trọng tâm là Chỉ thị số 31-CT/TU, ngày 19/9/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An và kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập ở các cấp, các ngành, địa phương.
Thứ hai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập; người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm thuộc phạm vi quản lý của mình.
Thứ ba, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Khuyến khích, khen thưởng kịp thời cho người hành nghề y, dược ngoài công lập có thành tích, cống hiến trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; đồng thời phê phán các hành vi vi phạm để tuyên truyền, giáo dục và phòng ngừa.
Thứ tư, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện; củng cố, kiện toàn, quan tâm bố trí, sắp xếp nhân lực đảm bảo cho công tác quản lý Nhà nước về y tế nói chung, hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập nói riêng. Chỉ đạo rà soát, sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tập trung cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập. Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và tạo môi trường thuận lợi để phát huy sức mạnh xã hội hóa thu hút đầu tư trong lĩnh vực hành nghề y, dược ngoài công lập tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả công tác hành nghề y, dược ngoài công lập sẽ phát huy những ưu điểm đã đạt được, khắc phục các hạn chế, góp phần chia sẻ gánh nặng cho các cơ sở y tế công lập, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong công tác chăm sóc sức khỏe, vì môi trường y tế cơ sở lành mạnh, an toàn, chất lượng, vì nhân dân phục vụ.
Quang Minh