Sign In

Nghệ An: Kết quả 05 năm thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị

15:56 30/05/2024
Ngày 18/02/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 11-QĐi/TW, về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân (viết tắt là Quy định số 11-QĐi/TW).

Trong Quy định đã nêu rõ “(1) Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. (2) Việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Để thực hiện có hiệu quả Quy định số 11-QĐi/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc dưới nhiều hình thức, như: Tổ chức hội nghị quán triệt, qua báo cáo viên, trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin nội bộ, qua tiếp xúc, đối thoại với người dân; sao gửi tài liệu đến các cơ quan, tổ chức... Trong 05 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 751 lớp tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo với 90.230 lượt người tham gia, phát hành 51.042 ấn phẩm, tài liệu; ban hành và lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền ban hành 1002 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

1. Thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân

Thực hiện vai trò là người đứng đầu cấp ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, xử lý những kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của dân; duy trì chế độ họp giao ban khối nội chính hằng tháng để nghe các cơ quan, đơn vị báo cáo những vụ việc phức tạp, kéo dài, những vụ việc có nhiều vướng mắc để kịp thời chỉ đạo giải quyết. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy nghiêm túc thực hiện việc tiếp công dân định kỳ 01 lần/tháng; Bí thư Đảng ủy cấp xã tiếp công dân định kỳ 02 lần/tháng; tiếp đột xuất khi cần thiết để kịp thời chỉ đạo giải quyết những kiến nghị phản ánh của công dân, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh, vượt cấp.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền chấp hành quy định về công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Trong 05 năm qua, toàn tỉnh có 276 cuộc kiểm tra, giám sát, đối với 239 cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành 04 cuộc kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy định 11-QĐi/TW tại các huyện: Anh Sơn, Nam Đàn, Diễn Châu, Nghi Lộc; Ban Nội chính Tỉnh ủy kiểm tra 02 cuộc tại huyện: Quỳnh Lưu, Yên Thành. Qua công tác kiểm tra đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp có biện pháp khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện.

Việc ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân; phân công trách nhiệm cho các cơ quan liên quan trong công tác tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy thực hiện tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; bố trí địa điểm, điều kiện vật chất, kỹ thuật cho người dân đến phản ánh, kiến nghị được thực hiện bảo đảm Quy định 11-QĐi/TW và Luật Tiếp công dân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế số 09-QC/TU về tiếp dân của Bí thư Tỉnh ủy và xử lý đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân gửi đến Tỉnh ủy. Phân công Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan thực hiện nhiệm vụ tiếp dân thường xuyên của Tỉnh ủy, tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo và theo dõi, tổng hợp, chủ trì tham mưu cho Bí thư Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý đơn, thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của dân gửi đến Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy. Văn phòng cấp ủy cấp huyện chịu trách nhiệm tiếp công dân thường xuyên; chủ trì, phối hợp với các phòng, ban chức năng tham mưu người đứng đầu cấp ủy tiếp dân định kỳ, đột xuất, xử lý đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của dân gửi đến cấp ủy cấp huyện. Cấp xã, phân công cán bộ phụ trách tư pháp, hộ tịch, địa chính, văn phòng đảng ủy, ủy ban nhân dân làm nhiệm vụ tiếp công dân, tiếp nhận, tham mưu xử lý đơn, thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân. Ban tiếp công dân tỉnh và cấp huyện có trụ sở riêng, các trang thiết bị cần thiết, bảo đảm phục vụ công tác tiếp công dân bố trí địa điểm tiếp công dân thuận lợi, phân công cán bộ có năng lực, kinh nghiệm phụ trách tiếp công dân, tham mưu xử lý, giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của dân. Nhìn chung, các địa điểm tiếp công dân trên địa bàn tỉnh đều bảo đảm các điều kiện cơ bản phục vụ công tác tiếp công dân.

Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện tốt công tác phối hợp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn cho việc tiếp dân; bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; có biện pháp xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy tiếp công dân, gây rối trật tự tại nơi tiếp công dân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm sức khỏe, tính mạng của cán bộ, đảng viên, và tài sản của nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện nghiêm túc, chất lượng việc báo cáo về tình hình, kết quả tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo Quy định số 11-QĐi/TW. Định kỳ tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, năm, Ban Thường vụ cấp ủy huyện kịp thời báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo đúng quy định.

* Kết quả trực tiếp tiếp dân, đối thoại với dân (định kỳ và đột xuất)

Số cuộc tiếp dân định kỳ: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp 32 cuộc/168 lượt công dân/158 vụ việc, trong đó, có 09 đoàn đông người, 03 vụ việc phức tạp, kéo dài. Sau các phiên tiếp công dân định kỳ, Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành thông báo kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy gửi các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết vụ việc và trả lời công dân. Các cơ quan chức năng tập trung thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, kịp thời xử lý, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, phản ánh của công dân. Kết quả, đến nay có 157/158 vụ việc đã giải quyết xong, 01 vụ việc đang được chỉ đạo giải quyết. Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp, hướng dẫn, giải thích cho 1.341 lượt công dân đến đăng ký tiếp dân của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và nộp đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Định kỳ hằng tháng tổng hợp, báo cáo các trường hợp đăng ký đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân; tham mưu các trường hợp đủ điều kiện, phù hợp thẩm quyền cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân. Bí thư cấp ủy cấp huyện tiếp 992 cuộc/1.357 lượt công dân, trong đó có 21 đoàn đông người, 29 vụ việc phức tạp, kéo dài. Bí thư cấp ủy cấp xã tiếp 31.191 cuộc/13.152 lượt công dân, trong đó có 51 đoàn đông người, 30 vụ việc phức tạp, kéo dài.

Số cuộc tiếp dân đột xuất: Cấp huyện 203 cuộc/258 lượt công dân; Cấp xã 1.724 cuộc/1.989 lượt công dân.

Hầu hết các vụ việc kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo kéo dài của người dân đều xuất phát từ việc công dân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình chưa bảo đảm, chưa đồng ý với kết quả giải quyết của cấp có thẩm quyền, công dân tiếp tục gửi đơn lên cấp trên; nội dung chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách của người dân…

2. Kết quả tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu cấp ủy

Cấp tỉnh: Tổng số phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo gửi đến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp nhận, xử lý: 4.085 đơn. Trong đó: 734 đơn khiếu nại, 932 đơn tố cáo, 2.419 đơn kiến nghị, phản ánh. Kết quả xử lý: Chuyển 524 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền để chỉ đạo, giải quyết và trả lời công dân (522/524 đơn đã có kết quả giải quyết, còn 02 đơn/02 vụ việc đang giải quyết); có văn bản trả lời và hướng dẫn công dân 585 đơn; lưu đơn đối với 2.976 trường hợp không đủ điều kiện xử lý.

Cấp huyện: Tổng số phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo gửi đến đồng chí Bí thư cấp huyện tiếp nhận, xử lý 5.502 đơn. Số phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền 5.108 đơn. Trong đó, đã chỉ đạo xử lý, giải quyết xong 5.065 đơn; đang giải quyết 43 đơn; không thuộc thẩm quyền giải quyết 394 đơn (hướng dẫn công dân hoặc chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết).

Việc xử lý, giải quyết, trả lời, hướng dẫn đơn, thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân cơ bản bảo đảm đúng thời hạn, đúng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

3. Kết quả xử lý trách nhiệm trong công tác tiếp dân

Qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy cấp trên đã chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của dân đối với cấp ủy, chính quyền cấp dưới; kịp thời chỉ đạo phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm và yêu cầu người đứng đầu cấp ủy thực hiện các biện pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Không có trường hợp nào vi phạm quy định về tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân bị xử lý trách nhiệm.

Trong quá trình thực hiện quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, vẫn còn tình trạng công dân có hành vi vi phạm nội quy, quy định của pháp luật về tiếp công dân; các vi phạm đó đều xuất phát từ nhận thức pháp luật trên các lĩnh vực còn hạn chế, do đó quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh các cơ quan chức năng đã giải thích, hướng dẫn, nhắc nhở để người dân hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật, không có trường hợp nào bị xử lý vi phạm.

Có thể thấy rằng, sau 05 năm thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, xử lý tốt đơn, thư ngay từ cơ sở, nên số lượng công dân đăng ký người đứng đầu cấp ủy tiếp giảm qua các năm, từ đó góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Cao Nguyên Hùng, Phó Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng Tỉnh ủy 

Tag:

File đính kèm