Tuyển dụng cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị là hoạt động thường xuyên, nhằm bảo đảm sự kế tiếp, cơ cấu lại đội ngũ và trẻ hóa cán bộ. Thực hiện Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21-2-2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, bắt đầu từ năm 2024, việc tuyển dụng công chức theo hình thức thi tuyển sẽ được siết chặt thêm một bước nữa. Đây là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với các ứng viên trước khi tham gia tuyển dụng công chức vào làm việc trong hệ thống chính trị các cấp.
Thời gian qua, công tác tuyển dụng công chức vào làm việc trong hệ thống chính trị các cấp đã có nhiều đổi mới so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, giữa các bộ, ngành, địa phương còn có sự chênh lệch, chưa thống nhất về chất lượng đề thi và chưa phản ánh đúng mặt bằng chung về chất lượng nguồn tuyển dụng. Thực trạng này dẫn đến chất lượng công chức được tuyển dụng chưa đồng đều, nhưng vẫn để lãng phí một bộ phận thí sinh có năng lực do chỉ tiêu tuyển dụng mỗi nơi một khác nhau.
Yêu cầu về kiểm định chất lượng đầu vào công chức đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp đó, Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đã đề ra nhiệm vụ xây dựng, ban hành các quy định thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; tăng cường phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực.
|
Công chức phường Kim Giang (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: LÊ HIẾU |
Kiểm định chất lượng đầu vào công chức nhằm mục đích đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức vào làm việc tại các cơ quan trong hệ thống chính trị. Theo Nghị định số 06/2023/NĐ-CP, Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Việc tổ chức kiểm định đầu vào công chức sẽ được tiến hành tập trung vào tháng 7 và tháng 11 hằng năm, nhằm rút kinh nghiệm trước cho 2 kỳ kiểm định chính thức trong năm 2024, dự kiến Bộ Nội vụ sẽ tổ chức kỳ thi thử kiểm định vào tháng 4-2024.
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, các cơ quan chức năng của Bộ đã tích cực làm tốt công tác chuẩn bị cả về hạ tầng kỹ thuật và hệ thống ngân hàng câu hỏi. Trong đó, hệ thống ngân hàng câu hỏi phục vụ cho kiểm định đầu vào công chức sẽ được đổi mới về nội dung và nâng cao chất lượng theo hướng tập trung đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn của các thí sinh. Ngoài ra, các câu hỏi sẽ được bổ sung kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử; các hiểu biết chung... phù hợp với thực tiễn.
Ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức-Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết: Việc thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ bảo đảm sự thống nhất về mặt bằng chất lượng chung, tạo ra nguồn ứng viên thực sự có chất lượng để các cơ quan, đơn vị thực hiện những bước tiếp theo trong quy trình tuyển dụng. Bên cạnh đó sẽ khắc phục sự phân tán trong tuyển dụng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức; góp phần minh bạch hóa quy trình tuyển dụng công chức, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách công chức, công vụ hiện nay.
Một ưu điểm khác từ việc tổ chức kiểm định tập trung (2 lần/năm) là sẽ góp phần rút ngắn thời gian tuyển dụng công chức; rút ngắn trình tự, thủ tục cho các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng và tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ. Trong thời hạn kết quả kiểm định còn giá trị, người đạt kết quả kiểm định được đăng ký thi tuyển công chức ở tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị (có nhu cầu tuyển dụng công chức) trên phạm vi toàn quốc.
Từ nguồn ứng viên đã đạt kết quả kiểm định, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước sẽ có nguồn tuyển dụng rộng rãi và linh hoạt, thay vì giới hạn bó hẹp trong một kỳ tuyển dụng ở từng nơi như trước đây. Trên cơ sở đó, cơ quan tuyển dụng công chức có thể lựa chọn những ứng viên phù hợp tham gia kỳ thi tuyển chuyên môn để trở thành công chức, phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng. Bên cạnh đó, các ứng viên đạt kết quả kiểm định đầu vào cũng sẽ được lựa chọn, đăng ký tham gia dự thi tuyển công chức ở bất cứ bộ, ngành, địa phương nào phù hợp với năng lực, chuyên môn; qua đó mở rộng cơ hội cho những ứng viên có năng lực tốt tham gia vào hệ thống chính trị các cấp.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm định sẽ bảo đảm công khai, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí. Từ việc bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng sẽ góp phần thu hút được những người có tài năng vào hệ thống chính trị, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Mặt khác, để bảo đảm tính minh bạch, khách quan, Nghị định số 06/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ: Không bố trí những người có quan hệ là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người đăng ký kiểm định hoặc của bên vợ (chồng) của người đăng ký kiểm định; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người đăng ký kiểm định... làm thành viên hội đồng kiểm định, thành viên các bộ phận giúp việc của hội đồng kiểm định.
nguồn: ANH TUẤN/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/nghi-quyet-va-cuoc-song/nang-cao-chat-luong-dau-vao-cong-chuc-771306