Sign In

Ninh Bình xây dựng “Gia đình học tập” góp phần xây dựng xã hội học tập theo Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng

17:06 28/06/2023
Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng xã hội học tập là một yêu cầu, một xu thế tất yếu của các nước trên thế giới, trong đó có nước ta. Xã hội học tập (XHHT) là một xã hội trong đó mọi cá nhân phải học tập thường xuyên, liên tục, học suốt đời và biết tận dụng triệt để các cơ hội học tập do xã hội mang lại. Do đó, học tập phải trở thành nhu cầu tự thân, là trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, của các ban, ngành, đoàn thể và của toàn xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra quan điểm học tập suốt đời khi nhiều lần yêu cầu mọi người phải học để không bị lùi so với yêu cầu công việc, yêu cầu của xã hội. Người đã khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người chủ trương xây dựng một nền giáo dục cho mọi người, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp với nội dung phong phú, linh hoạt. Người đã nhấn mạnh: “Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. “Thế giới tiến bộ không ngừng, không học tức là lùi”. Quan điểm xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “học không bao giờ cùng”.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương xây dựng cả nước trở thành một XHHT. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ rõ: “chuyển mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở, mô hình XHHT với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học, xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người và những hình thức học tập, thực hành linh hoạt, đáp ứng nhu cầu xã hội học tập, tạo nhiều cơ hội khác nhau cho người học, đảm bảo công bằng trong giáo dục…”

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII tiếp tục khẳng định chủ trương xây dựng XHHT: “Đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Thúc đẩy xây dựng XHHT, học tập suốt đời”.

Ngày 13/4/2007, Bộ chính trị khóa X ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, chỉ thị xác định: “Xây dựng XHHT là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước ta”.

Ngày 10/5/2019, Ban Bí thư khóa XII ban hành Kết luận số 49-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ chính trị khóa X đã chỉ rõ: “Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, trước hết là người đứng đầu”. Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ đảng viên và gia đình cán bộ đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập.”

Để xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, bên cạnh những chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành thì gia đình và dòng họ có vai trò rất quan trọng.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới việc xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ ‘. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã chỉ rõ: “Nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương: “Thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”. Đặc biệt, Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với gia đình Việt Nam trong tình hình mới” tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của gia đình Việt Nam: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước..”


Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Quỹ hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý
do công ty Phú Mỹ Hưng tài trợ tổ chức trao tặng học bổng cho các em học sinh
vượt khó hiếu học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngày 09/12/2022

Với tinh thần đó, trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển  quê hương. Đến năm 2022, toàn tỉnh có 272.864 gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 91,86%. Đặc biệt gia đình có vai trò to lớn trong xây dựng XHHT. Nhiều gia đình còn rất khó khăn do nhiều nguyên nhân, nhưng bằng mọi cách vẫn tạo điều kiện cho con, cháu đi học để hoàn thành chương trình phổ cập và tiếp tục học lên.

Thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg, ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, phong trào học tập trong các gia đình được đẩy mạnh. Việc học tập không chỉ dành cho lứa tuổi học trò mà của tất cả các thành viên trong gia đình nhất là người lớn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương thức sản xuất, kinh doanh, kỹ năng sống… Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 281, toàn tỉnh Ninh Bình có 236.838 gia đình đạt danh hiệu Gia đình học tập.

Thực hiện Quyết định 387/QĐ-TTg, ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 – 2030”, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 205.926 gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập theo bộ tiêu chí mới, chiếm tỷ lệ 78%. Trong số đó có nhiều gia đình học tập tiêu biểu như gia đình ông Phạm Văn Ký – thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô; gia đình ông Tạ Hữu Thịnh – thôn Đông Hội, xã Ninh An, huyện Hoa Lư; gia đình ông Đoàn Minh Thanh – thôn Xuân Dương, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh; gia đình ông Vũ Văn Bảng – thôn Đoàn Thượng, xã Ninh Phúc, Thành phố Ninh Bình; gia đình ông Lê Tiến Dũng – thôn Rồng, xã Văn Phương, huyện Nho Quan; gia đình ông Phạm Văn Long – xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn; gia đình bà Đinh Thị Hiệp – xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn; gia đình ông Tống Duy Vọng – tổ dân phố 1, phường Tây Sơn, thành phố Tam Điệp… Đặc biệt, sự nỗ lực vươn lên trong học tập của 2.758 hộ gia đình tiêu biểu, trong đó có 213 hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đã tích cực học tập vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng được ghi nhận như gia đình ông Trần Văn Giang là hộ nghèo ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, sau khi được tham gia các lớp học nghề, tích cực áp dụng công nghệ cao vào chế tác đá mỹ nghệ nên từ năm 2018 đến nay, gia đình ông đã duy trì việc làm cho 8 đến 10 lao động, thu nhập bình quân đạt 800 triệu đồng/năm. Gia đình ông Trịnh Trọng Oánh – thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô là sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, có 4 người con đều được tạo điều kiện để đi học, đến nay cả 4 cháu đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định trong đó 1 cháu thành lập công ty riêng làm ăn hiệu quả…

Thực hiện chương trình xây dựng mô hình “Gia đình học tập” đã giúp cho các thành viên tích cực học tập, trẻ em hoàn thành chương trình phổ cập, chương trình phổ thông và tiếp tục học lên; người lớn được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được học nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhiều gia đình có mô hình sản xuất kinh doanh mới, có nhiều sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán ra thị trường. Việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình có nhiều chuyển biến, tiến bộ, việc thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình hướng đến kế thừa, phát huy những giá trị, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng các giá trị tiên tiến của gia đình được phát triển, từ đó nhiều giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, trao truyền,  đạo đức, lối sống tốt đẹp của gia đình được gìn giữ. Tính chủ động, sáng tạo và khả năng của mỗi người, mỗi gia đình được phát triển. Đó là những biểu hiện sinh động vai trò của gia đình trong xây dựng cả nước trở thành một XHHT.

     Nguyễn Mạnh Trường,
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh





Tag:

File đính kèm