Ninh Thuận là tỉnh ven biển duyên hải cực Nam Trung bộ, ở ngã ba đường ra Bắc vào Nam và lên Tây Nguyên; đây là vị trí thuận lợi cho việc truyền bá giao lưu tư tưởng, văn hóa từ nhiều nơi đến. Vì vậy, Ninh Thuận là nơi sớm tiếp thu tư tưởng yêu nước tiến bộ, sớm hình thành các tổ chức cách mạng. Trước năm 1930, tại Ninh Thuận, phong trào yêu nước diễn ra mạnh mẽ; năm 1928, 1929 những tổ chức cách mạng là các Chi bộ Đảng Tân Việt được thành lập tại nhiều nơi trong tỉnh.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 4/1930, các Chi bộ Tân Việt ở Ninh Thuận thực hiện chủ trương chuyển đảng, hình thành những Chi bộ Đảng Cộng sản. Từ đây, phong trào cách mạng tại Ninh Thuận do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo theo đường lối chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Từ năm 1930-1935, cùng với công tác phát triển Đảng, các Chi bộ Đảng đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng phù hợp với thực tiễn và bước đầu giành được thắng lợi. Tiêu biểu là lãnh đạo cuộc đấu tranh nhân ngày Quốc tế lao động 01/5/1930 và ngày nhân dân thế giới chống chiến tranh đế quốc 01/8/1930 tại Đề pô xe lửa Tháp Chàm, Bảo An, Phú Thọ, Cà Ná... Mặc dù phong trào cách mạng có lúc bị địch khủng bố dữ dội, có cơ sở Đảng bị phá vỡ, nhưng những thắng lợi bước đầu của cuộc đấu tranh do Đảng lãnh đạo đã thôi thúc lòng yêu nước, tạo được niềm tin trong quần chúng Nhân dân với Đảng.
Từ năm 1936, phong trào cách mạng trong tỉnh từng bước được phục hồi và mở rộng. Nhiều đồng chí đảng viên lãnh đạo ở Xứ ủy và các tỉnh bạn đã đến Ninh Thuận nhen nhóm gây dựng lại lực lượng cách mạng như đồng chí Trương Hoàn, Trần Xuân Miên, Trần Hữu Dực, Lê Tự Nhiên, cùng nhiều lớp đảng viên trong tỉnh như Trần Thi, Nguyễn Hữu Hương, Trần Hiếm, Trần Ca ... và nhiều quần chúng nòng cốt đã tham gia củng cố các tổ chức cơ sở Đảng. Cùng với đó, công tác tuyên truyền rộng rãi đường lối, chủ trương của Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế đến quần chúng nhân dân được các đảng viên, quần chúng cốt cán tích cực tham gia.
Tháng 6/1945, Tỉnh ủy lâm thời Ninh Thuận được thành lập, gồm 3 đồng chí Lê Tự Nhiên, Lê Hàn và Trần Thi, đồng chí Lê Tự Nhiên làm Bí thư.
Ngày 21/8/1945, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng và Việt minh tỉnh, Nhân dân Ninh Thuận đứng lên khởi nghĩa giành thắng lợi, chính quyền cách mạng về tay Nhân dân. Ninh Thuận là một trong 3 tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất ở miền Nam (sau Quảng Nam và Khánh Hòa).
Giai đoạn 1945-1954, cùng các địa phương trong cả nước, Đảng bộ Ninh Thuận lãnh đạo Nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc kháng chiến của Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận diễn ra trong điều kiện gian khổ, khó khăn; trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, Đảng bộ tỉnh đã nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối, tư tưởng kháng chiến của Đảng vào thực tiễn đấu tranh ở Ninh Thuận; Đảng bộ đã phát huy truyền thống yêu nước, khối đại đoàn kết của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong cuộc chiến không cân sức với kẻ thù lớn mạnh. Những thắng lợi của quân dân Ninh Thuận đã cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc chiến ấy, có rất nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng kiên trung đã không quản gian lao, kiên trung bám trụ địa bàn, anh dũng hy sinh vì quê hương Ninh Thuận.
Từ sau tháng 7/1954, cùng với miền Nam, Đảng bộ Ninh Thuận tiếp tục lãnh đạo Nhân dân đứng lên kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ đấu tranh chính trị đòi Mỹ-Diệm thi hành hiệp định GiơNevơ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất đất nước; lần lượt làm phá sản chiến lược “Chiến tranh một phía”, đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Sát vai cùng Nhân dân miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân dân Ninh Thuận phối hợp cùng quân chủ lực miền Nam tổ chức tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương. Ngày 16/4/1975 tỉnh Ninh Thuận được giải phòng, kết thúc quá trình đấu tranh cách mạng giành độc lập tự do của Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 28/9/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ đơn vị hành chính cấp khu, hợp nhất một số tỉnh. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận hợp nhất với tỉnh Bình Tuy và Bình Thuận thành tỉnh Thuận Hải, tháng 2/1976, tỉnh Thuận Hải chính thức đi vào hoạt động. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tiếp nối truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận đoàn kết, vững vàng, vượt qua khó khăn, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến tới ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại kỳ họp thứ 10 ngày 26/12/1991, Quốc hội khoá VIII đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh phân định lại địa giới một số tỉnh, chia tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh là Ninh Thuận và Bình Thuận. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/4/1992. Sau khi tỉnh Ninh Thuận được tái lập, phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực tự cường, Đảng bộ lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện công cuộc đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ một địa phương có xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, đời sống Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn khó khăn; bên cạnh tinh thần tự lực, tự cường, Đảng bộ tỉnh luôn tranh thủ sự quan tâm của Trung ương, sự giúp đỡ, hợp tác của các tỉnh, thành phố trong quá trình xây dựng và phát triển; nhờ đó, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh từng bước được nhận diện và khai thác có hiệu quả, Ninh Thuận trở thành một tỉnh có kinh tế phát triển khá, xã hội ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện.
Trải qua hơn 90 năm xây dựng và phát triển, qua 14 kỳ Đại hội, Đảng bộ Ninh Thuận không ngừng trưởng thành và phát triển; lãnh đạo Nhân dân đấu tranh cách mạng vì độc lập, tự do và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương; từng bước đưa tỉnh nhà rút ngắn khoảng cách đối với các tỉnh trong khu vực và cả nước; xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh.