Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ.
Từ năm 1986 đến nay, nông nghiệp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng trung bình với tốc độ 4,06%/ năm giai đoạn (1986 - 2016). Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, mặc dù kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn nhưng nông nghiệp, nông thôn vẫn là ngành giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, bảo đảm cân bằng cho nền kinh tế. Đến nay, nước ta đã có 10 mặt hàng nông nghiệp đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Năm 2023, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 3,83%, đánh dấu sự hồi phục và tăng trưởng cao; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 53,01 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD. Trong đó, có 6 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Việc phát triển, mở cửa thị trường gắn với sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị được chú trọng; chuyển đổi số, thương mại điện tử được quan tâm triển khai một cách mạnh mẽ.
Để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, nông nghiệp Việt Nam đang tích cực thực hiện số hóa dữ liệu ngành bằng cách đẩy mạnh phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, rừng, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường... Kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu quốc gia một cách thống nhất, đồng bộ, làm cơ sở cho việc phân tích, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác phục vụ chỉ đạo điều hành và phát triển kinh tế - xã hội...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thay mặt Chính phủ biểu dương những nỗ lực của ngành nông nghiệp, các bộ ngành, địa phương trong nỗ lực xây dựng xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số trong nông nghiệp, nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ đồng bộ với Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tích cực chuyển đổi nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ quản lý nông nghiệp, bà con nông dân về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số đối với các chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực theo các vùng, miền; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong quản lý để ứng dụng dễ dàng, hiệu quả công nghệ số. Khuyến khích người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến để thực hiện các thủ tục hành chính; xây dựng các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên triển khai trước đối với các loại dữ liệu: Các vùng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, đất đai, thổ nhưỡng, chỉ dẫn địa lý, thời tiết, các quy trình, công nghệ sản xuất. Tập trung xây dựng và triển khai các nền tảng chuyển đổi số nông nghiệp dùng chung...
Phát biểu kết luận tại điểm cầu Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Chuyển đổi số là nội dung hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy nông nghiệp Đất Tổ phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, ổn định. Do đó, ngành nông nghiệp phải có sự quan tâm, xuyên suốt trong thời gian tới. Sở NN&PTNT cần tập trung xây dựng một số mô hình thí điểm, từ đó rút kinh nghiệm để nhân rộng; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chuyển đổi số. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các sở: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ để xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đưa Phú Thọ là một trong những tỉnh có hệ thống cơ sở dữ liệu nông nghiệp hoàn chỉnh, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...
Phan Cường