Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu điển hình tiêu biểu toàn quốc (ngày 2/11/2023).Ảnh: tapchicongsan.org.vn
Mới đây, ngày 26/3, Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an Quý I/2024. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an, đã thông tin về vụ án Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu “pháo”) và đồng phạm thực hiện xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn. “Đây là vụ án lớn, là tội phạm mới”. Thông qua điều tra, lời khai của một số bị can, cơ quan điều tra xác định Nguyễn Văn Hậu có hành vi chi phối, lũng đoạn để gây sức ép với một số bị can là lãnh đạo của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Để làm việc này, Hậu đã dựa vào mối quan hệ thân quen của người có chức vụ, quyền hạn. Bộ Công an coi hành vi này rất nguy hiểm, đây là tội phạm mới, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, nhân dân.
Theo sự phát triển của đời sống xã hội, thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt là lẽ đương nhiên. Việc này đòi hỏi cán bộ, đảng viên và mọi người dân cần đề cao cảnh giác, tỉnh táo, sáng suốt trong việc thực thi nhiệm vụ chứ hoàn toàn không thể lấy đây là lý do để ngụy biện cho các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật. Cổ nhân đã dạy: “Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”; “Cây ngay không sợ chết đứng”..., người đàng hoàng, làm việc chính đáng thì không bao giờ có chuyện bị lung lạc, sa ngã, nhúng chàm, thân bại danh liệt. Thêm một lần nữa, câu chuyện “đức” và “tài” trong công tác cán bộ đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của cả hệ thống chính trị đang bước vào giai đoạn quyết liệt.
Ngày 13/3, chủ trì phiên họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban, yêu cầu các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải có bản lĩnh chính trị thực sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, có uy tín cao. Nói một cách khái quát, các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc.
Không phải ngẫu nhiên trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nội dung tư tưởng đạo đức cách mạng tập trung, nổi bật ở luận điểm: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn quan tâm chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; luôn coi đạo đức là “cái gốc” của người cách mạng, Người ví đạo đức cách mạng như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, của suối. Theo Người, điều kiện tiên quyết để người cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ là phải có đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người khẳng định: “Người cách mạng, phải có đạo đức cách mạng”. Đây không chỉ là yêu cầu về phẩm chất, năng lực mà còn là vấn đề có tính nguyên tắc trong chỉ đạo nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Hồ Chủ tịch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt chú trọng đến đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, rất nhiều lần đồng chí Tổng Bí thư nhắc đến vai trò đặc biệt quan trọng của đạo đức, uy tín đảng viên. Tổng Bí thư khẳng định rõ: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”; “Cuối cùng, xét đến ngọn ngành mọi sự trên đời này cũng đều là vấn đề con người, do con người, vì con người mà ra. Bởi vậy để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, thì trước tiên mỗi cán bộ chúng ta hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân; gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và chấp hành thật tốt các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực’’;“ Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực. Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”; “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đảng phải luôn luôn dựa vào dân, lắng nghe dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm” và làm cho bằng được; ngược lại, “việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo, phải gương mẫu chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Cha ông ta đã dạy: “Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; “Có tài mà cậy chi tài/Chữ tài liền với chữ tai một vần!”. Tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính, hạ tắc loạn!”; “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”...
Thực tế đã chứng minh bài học “gốc rễ đạo đức” mà Bác Hồ đã dạy năm xưa vẫn vẹn nguyên giá trị trong thời điểm hiện nay. Chúng ta đã và đang đau xót chứng kiến một số cán bộ cấp cao từng có nhiều đóng góp cho đất nước, có tài năng, nhưng do thiếu sự vun xới “gốc rễ đạo đức” hằng ngày mà đã gây hại lớn cho Đảng, cho nhân dân. Thẳng thắn đối diện với thực tế là gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí chịu trách nhiệm hình sự trong hơn ba năm qua, đồng chí Tổng Bí thư chỉ ra tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội... chưa được ngăn chặn triệt để. Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ có mối quan hệ qua lại với nhau. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra đây là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Buồn, đau xót trước con số không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao, thậm chí là lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước bị xử lý kỷ luật! Nhưng trên giác độ tích cực, điều này cũng minh chứng rõ ràng rằng Đảng, Nhà nước ta kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không ai, dù giữ chức vụ cao đến đâu, có được kim bài miễn trừ. Cùng với đó, đây cũng là bài học kinh nghiệm quý giá cho công tác nhân sự Đảng để thực sự lựa chọn được những người trọn đức, vẹn tài đứng ra gánh vác trọng trách trên quan điểm nhất quán vững gốc đạo đức để bền cành sự nghiệp cách mạng, đổi mới, phát triển đất nước.
Vũ Thanh