Công nghiệp Đất Tổ - hành trình làm theo lời Bác
Những chủ trương và quyết sách đúng hướng, đúng thời điểm đã đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước, là ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, là động lực để công nghiệp Đất Tổ phát triển bền vững.
Sản xuất kính quang học cho điện thoại di động tại Công ty TNHH JNTC Vina, KCN Thụy Vân, thành phố Việt Trì.
Động lực dẫn dắt tăng trưởng
Qua các thời kỳ, việc kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho đến chú trọng công tác quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm công nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh làm cơ sở cho việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án vào khu, cụm công nghiệp, vào các lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên thu hút. Các loại hình doanh nghiệp công nghiệp phát triển về cả quy mô, số lượng, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động có hiệu quả hơn. Kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển giải quyết việc làm cho nhiều lao dộng trên địa bàn.
Khai thác tiềm năng lợi thế của vùng Đất Tổ, cội nguồn dân tộc Việt Nam, công nghiệp của tỉnh đang phát triển kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm công nghiệp. Cơ cấu nội ngành công nghiệp đã chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ lệ công nghiệp chế biến chế tạo. Sản xuất công nghiệp khẳng định vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt trên 11%; quy mô ngành công nghiệp đạt gần 30.000 tỷ đồng (tăng 1,5 lần so năm 2020). Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch rõ nét, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 93% giá trị sản xuất, trong đó linh kiện điện tử chiếm trên 42%. Cơ cấu các ngành công nghiệp đã được sắp xếp lại hợp lý hơn theo quy hoạch, với định hướng thu hút những ngành phù hợp. Hội nhập kinh tế quốc tế giúp tỉnh thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài, tiếp nhận công nghệ mới chuyển giao từ các nước phát triển. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống như: Giấy, bia, hóa chất, phân bón, gạch... công nghiệp Phú Thọ đã có thêm nhiều sản phẩm mới, đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp như điện tử; năng lượng tái tạo...
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ngày càng sâu rộng, tác động nhiều mặt đến các nền kinh tế trong khu vực. Không nằm ngoài tầm ảnh hưởng đó, cả nước nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng sẽ đón nhận nhiều cơ hội vàng để phát triển, song cũng phải đối mặt với những thách thức mới.
Theo ông Nguyễn Anh Sơn- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thì Phú Thọ là tỉnh có vị trí địa kinh tế quan trọng của miền Bắc, Vùng trung du miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Với tiềm năng, lợi thế về vị trí địa kinh tế và nguồn nhân lực phong phú được đào tạo cơ bản, Phú Thọ hội tụ nhiều điều kiện riêng có để phát triển trở thành một cực tăng trưởng của Vùng động lực tiềm năng Bắc Giang- Thái Nguyên- Phú Thọ, trung tâm kết nối giao thương kinh tế- thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN. Khai thác tiềm năng lợi thế đó những năm gần đây tỉnh đã tích cực thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thu hút được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh phát triển lĩnh vực công nghiệp. Với khát vọng vươn xa, bằng nội lực và nền tảng vững chắc, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Gia công cơ khí chính xác tại Công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1, KCN Thụy Vân, thành phố Việt Trì.
Phát triển bền vững, thân thiện với môi trường
Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định tại Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Phú Thọ phải giữ vững vai trò là trung tâm công nghiệp của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Trong thời gian tới, Phú Thọ cần phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường; phát triển các sản phẩm gia tăng cao và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ. Ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao (chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí lắp ráp hiện đại, máy nông nghiệp, thiết bị, dụng cụ y tế,...); phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; cơ cấu lại và nâng cao giá trị các sản phẩm công nghiệp truyền thống (hóa chất, giấy, phân bón, vật liệu xây dựng) theo hướng có chọn lọc để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngành Công nghiệp tỉnh Phú Thọ có truyền thống lâu đời từ những năm 60 của thế kỷ trước, hình thành nên những ngành nghề truyền thống, thế hệ công nhân có trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp cũng như ý thức phát triển cao. Do đó, định hướng phát triển công nghiệp thời gian tới theo Quy hoạch tỉnh sẽ phát huy được những giá trị cốt lõi, tận dụng những ưu thế của quá trình đổi mới của đất nước và cuộc cách mạng khoa học công nghệ.
Đồng chí Nguyễn Việt Dũng- Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Trong bối cảnh mới, công nghiệp cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng gắn với tăng trưởng xanh; lấy kinh tế số, kinh tế tuần hoàn làm yếu tố then chốt để đảm bảo phát triển bền vững. Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 lĩnh vực Công Thương. Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung đẩy mạnh khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn, có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất”.
65 năm qua, công nghiệp Đất Tổ có những bước phát triển mới, thích ứng với từng thời kỳ. Công nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự phát triển khá vững chắc, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của cả nước và yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Trên cơ sở huy động có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế, cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã phát triển những ngành có tiềm năng, thế mạnh, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Tin tưởng rằng thời gian tới với các giải pháp đồng bộ, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục viết nên những trang sử mới, công nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với sự tin tưởng của Bác Hồ kính yêu. Đó cũng là cội nguồn sức mạnh, động lực mới để phấn đấu đến năm 2050, Phú Thọ sẽ là tỉnh phát triển ở khu vực phía Bắc, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước; một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.
Nhóm Phóng viên Kinh tế