Sign In

Khắc phục triệt để “bệnh” nói nhiều, làm ít

00:00 26/04/2024
Có thể tuy chưa được liệt vào hàng “tứ chứng nan y” nhưng nói nhiều, làm ít cũng là một “căn bệnh” nguy hiểm, dễ để lại những “biến chứng” khó lường. Người mắc “bệnh” này thường có các “biểu hiện lâm sàng” như giáo điều, chủ quan, duy ý chí, hô hào khẩu hiệu, lý thuyết suông, lời nói không đi đôi với việc làm, không có hành động thực tế, đồng thời dễ bị “lây nhiễm chéo” bởi các “căn bệnh” khác, trong đó có “bệnh” xa rời thực tiễn. Hệ lụy của “bệnh” nói nhiều, làm ít là gây giảm sút, thậm chí mất niềm tin của Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên; vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý không được phát huy, dẫn đến không có tác dụng lôi kéo quần chúng, không lan tỏa được phương châm hành động và các phong trào thi đua yêu nước; trực tiếp hay gián tiếp làm giảm sút uy tín của tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan, đơn vị. Vì vậy, dù dưới góc độ nào thì cũng cần “chẩn đoán”, “điều trị” kịp thời, dứt điểm “căn bệnh này”.

Nguyên nhân sâu xa của “bệnh” nói nhiều, làm ít là chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, lười biếng, hình thức, vô cảm, vô trách nhiệm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra bệnh quan liêu. Kềnh càng. Kiêu ngạo”. Ngày nay, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng cũng đã đề cập rõ nét những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, trong đó có nói không đi đôi với làm, hứa nhiều, làm ít, nói một đằng, làm một nẻo. Cổ nhân cũng đã dạy: “Nói chín thì nên làm mười, nói mười làm chín kẻ cười người chê”. Qua thực tiễn cho thấy, tình trạng nói nhiều, làm ít, lấy nói thay làm vẫn còn tồn tại ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội. Vì vậy, nhận diện rõ những biểu hiện, “triệu chứng”, nguyên nhân và tác hại của “bệnh” nói nhiều, làm ít, từ đó đấu tranh, khắc phục triệt để “căn bệnh ” này là việc làm cần thiết và nhất thiết, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như hiện nay.

Để nhất quán phương châm nói đi đôi với làm, song hành giữa lời nói và việc làm, khắc phục triệt để “bệnh” nói nhiều, làm ít, trước hết, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, triệt tiêu chủ nghĩa cá nhân; thường xuyên định hướng, bồi đắp khát vọng làm việc, cống hiến, khả năng hành động thực tiễn cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, kỷ cương; chú trọng công tác cán bộ, đánh giá cán bộ thông qua những việc làm, tiêu chí, kết quả cụ thể, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, những đóng góp cụ thể mà người đó đem lại cho xã hội. Đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính, phân công trách nhiệm rõ ràng đối với các chức danh cụ thể kèm theo các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang, thiết bị cần thiết để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Kịp thời động viên, khuyến khích những nhân tố tích cực để lan tỏa, tạo phong trào sâu rộng.

Mỗi cá nhân, nhất là cán bộ, đảng viên, những người làm việc trong bộ máy nhà nước luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ là đầy tớ của Nhân dân; phải nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động, không được chỉ tay năm ngón, hành chính mệnh lệnh. Thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, tác phong, phương pháp làm việc theo phương châm óc nghĩ, mắt nhìn, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm. Không chỉ vậy, cần phát huy vai trò tự giác, gương mẫu đi đầu của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu, tạo hiệu ứng tích cực, cuốn hút mọi người làm theo như lời căn dặn của Bác Hồ: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết; thực hành nói đi đôi với làm, nói ít, làm nhiều, biến lời nói thành hành động cách mạng cụ thể trên từng lĩnh vực.

Tiến Dũng

Tag:

File đính kèm