Sign In

“Nhân họa” theo gót thiên tai

00:00 12/09/2024
Cơn bão số 3 đã gây ra những thiệt hại to lớn cả người và tài sản. Cùng với đó, mưa lũ sau bão cũng đã gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng trên nhiều địa phương. Hiện nay, những thông tin về tình hình mưa lũ tại miền Bắc đang nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ nhất trên mạng xã hội. Thế nhưng, bên cạnh những thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng thì có tình trạng một số kẻ lợi dụng tình hình thiên tai để đưa ra các thông tin sai sự thật nhằm câu view, câu like. Thậm chí có đối tượng còn giả mạo các đơn vị, tổ chức để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lũ.

Những cú lừa giữa tang thương

“Nhân họa” theo gót thiên taiCông an tỉnh Phú Thọ triệu tập, làm việc với cá nhân đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook liên quan đến sự cố sập cầu Phong Châu (ảnh: Công an tỉnh)

Ngày 9/9, ngay sau khi xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu, trên mạng xã hội Facebook đã tràn ngập thông tin, trong đó có những thông tin sai sự thật. Cụ thể, khoảng 14 giờ cùng ngày, tài khoản Facebook Nguyễn Thị Thủy Tiên xuất hiện video ghi lại người dân ứng cứu chiếc xe ô tô màu trắng bốn chỗ trên một đoạn sông, suối chưa rõ địa chỉ cụ thể. Nhiều chủ tài khoản khẳng định nội dung: “Xe con trôi cầu Phong Châu lũ cuốn 10 cây đã cứu được và 4 người trong xe còn sống vào bờ an toàn. Phép mầu mong đến những người tiếp theo”. Tuy nhiên, qua xác minh, đoạn video trên là sai sự thật. Thực tế, đoạn video đó thực chất là cảnh cứu hộ phương tiện và người dân bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua đập tràn thuộc xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn vào rạng sáng 8/9.

“Nhân họa” theo gót thiên taiNhững thông tin và hình ảnh sai sự thật về vỡ đê ở Yên Lập được lan truyền trên mạng xã hội

Cũng trong ngày 9/9, một số tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook đăng tải một đoạn video và hình ảnh kèm thông tin vỡ đê ở huyện Yên Lập. Đây cũng là những thông tin được lãnh đạo UBND huyện Yên Lập khẳng định là bịa đặt, sai sự thật.

Trong ngày 11/9, mạng xã hội lan truyền bức ảnh hình ảnh người chồng dầm mình trong nước lũ để đẩy chiếc thau nhựa có vợ ôm con nhỏ ngồi trong với chú thích ở xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Trên nhiều hội nhóm, diễn đàn mạng xã hội đã đăng tải lại bức ảnh đó, coi như một bằng chứng sinh động cho thấy sự khắc nghiệt của lũ lụt, tình yêu gia đình cùng những khó khăn mà người dân vùng lũ phải đối mặt. Nhưng hóa ra đây là ảnh được dựng để câu view.

“Nhân họa” theo gót thiên taiUBND xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang thông báo bức ảnh người chồng đẩy vợ con trong chiếc chậu nhựa là của một Youtuber tại địa phương đưa lên để câu view

Chỉ trong hai ngày 10 và 11/9, cơ quan công an các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Phú Thọ... đã liên tục triệu tập nhắc nhở, xử phạt hành chính đối với một số tài khoản cá nhân đăng tải các thông tin không chính xác lên mạng xã hội. Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, ngày 10/9, Công an tỉnh Phú Thọ đã triệu tập, xử lý các trường hợp đăng tin không đúng sự thật về tình hình mưa bão trên địa bàn tỉnh và sự cố sập cầu Phong Châu gồm: N.T.H là chủ tài khoản “Nguyễn Thanh Lam”; N.T.X là chủ tài khoản “Xuân Anh”; V. H là chủ tài khoản Nhím Ryby; N.T.H.Y chủ tài khoản “Yến My”; N.V.H chủ tài khoản “Tiệm Của Bắp” (Hùng Paris) ... đến làm việc để xác minh làm rõ động cơ, mục đích đăng tải, chia sẻ các nội dung không đúng sự thật trên.

Việc lợi dụng hình ảnh đau thương, khổ đau của con người để câu view, câu like lâu nay không hiếm, và đang trở thành vấn nạn nhức nhối trên mạng xã hội. Nếu trót lọt, họ có thể tăng follow, tăng view, tăng like, nhưng khi sự thật về “nội dung bẩn” được phơi bày, bản thân người gây ra chịu ảnh hưởng đã đành, cộng đồng cũng vạ lây. Lòng tin, lòng trắc ẩn của con người trước khổ đau, tai ương dễ bị thay thế bằng sự hoài nghi. Bởi thế, trước diễn biến mưa lũ hiện nay, người sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo trong việc tiếp nhận và chọn lọc thông tin, nên theo dõi thông tin của các cơ quan báo chí hoặc từ nguồn thông tin chính thống, không lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu xác thực và lan truyền gây hoang mang dư luận xã hội.

Lợi dụng tình thương, lòng trắc ẩn để lừa đảo

Bên cạnh những tình cảm, tấm lòng hướng về miền Bắc, trong khoảng thời gian này, không ít đối tượng lợi dụng từ thiện thành cơ hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lợi dụng tình hình bão lũ, một số Fanpage giả được lập lên để kêu gọi ủng hộ từ thiện. Ngày 7/9 vừa qua, trang Facebook của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đăng cảnh báo về tình trạng Fanpage lừa đảo, mạo danh để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đến nay, dù đã bị nhiều người report (báo cáo) và báo chí đưa tin, Fanpage giả mạo trên vẫn tồn tại, tiếp tục kêu gọi mọi người chuyển tiền từ thiện.

Ngày 11/9, trên mạng xã hội xuất hiện trang Fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao để lừa đảo, kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu. Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao đã khẳng định thông tin kêu gọi ủng hộ những người bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu trên Fanpage là không chính xác. Người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân trên trang fanpage giả mạo.

Không chỉ tạo Fanpage giả để kêu gọi từ thiện, mạng xã hội những ngày qua còn lan truyền nhiều tin giả về việc người dân vùng bão lũ, mất điện, không có mạng có thể nhập cú pháp gửi 191 để được dùng Internet miễn phí của Viettel. Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng còn lưu ý cú pháp chỉ áp dụng cho những khu vực bị bão lũ, mất điện, mất kết nối Internet. Ngày 10/9, đại diện Viettel Telecom đã bác bỏ thông tin sai sự thật trên. Ngay sau đó, Viettel đã có thông báo gửi các cơ quan báo chí đăng tải để cảnh báo cho người dân về thủ đoạn lừa đảo này, đồng thời gửi tặng 20.000đ vào tài khoản liên lạc của mỗi khách hàng trong khu vực bị bão lũ với tổng giá trị 26 tỷ đồng.

Hơn lúc nào hết, càng trong lúc khó khăn hoạn nạn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta càng phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng để vượt qua khó khăn, thách thức. Nhưng trước hết, mỗi chúng ta cần hết sức tỉnh táo, sáng suốt khi tiếp nhận thông tin trên internet, mạng xã hội; không vội vàng cả tin, không lan tỏa những thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu tính xây dựng. Trước mỗi thông tin, sự việc xảy ra, phải cẩn trọng xem xét theo đúng quan điểm, phương pháp luận khoa học, đó là: “Khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển”. Tuyệt đối không để kẻ xấu lợi dụng kích động, lừa gạt, lôi kéo làm những việc gây tổn hại cho Nhân dân, cho đất nước.

Ngọc Hà

Tag:

File đính kèm