Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải thăm mô hình vườn bưởi của gia đình ông Lê Ngọc Vân, xã Vân Đồn
Huyện Đoan Hùng hiện có 2.662 ha trồng bưởi, trong đó, diện tích bưởi trong thời kỳ kinh doanh đạt 2.362ha. Diện tích bưởi đặc sản đạt trên 1.440ha, còn lại là bưởi Diễn và các loại bưởi khác. Năng suất bưởi đạt trên 146 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 33.195 tấn, giá trị doanh thu ước đạt trên 300 tỉ đồng.
Các đại biểu nghe đại diện Viện Bảo vệ thực vật Trung ương trình bày việc áp dụng tiêm thuốc kích kháng chữa bệnh vàng lá, thối rễ, chảy gôm... trên cây bưởi
Huyện đã hình thành được 95 vùng sản xuất tập trung với tổng diện tích đạt 1.350ha; có một Hiệp hội sản xuất bưởi; 15 HTX, một tổ hợp tác, một chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần tiêu thụ khoảng 2.700 tấn/năm. Diện tích bưởi trên địa bàn huyện đang được các hộ chuyển dần sang theo quy trình sản xuất an toàn GAP với tổng diện tích trên 1.240 ha. Đến nay, toàn huyện đã có gần 326ha được cấp chứng nhận VietGAP. Có 49 vùng trồng bưởi được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 1.000ha. Bưởi Đoan Hùng đã có hai sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao và sáu sản phẩm đạt OCOP 3sao...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Thực hiện Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh, trong năm 2022, 2023 tỉnh và huyện đã hỗ trợ gần 12 tỉ đồng để phát triển cây bưởi. Đồng thời tỉnh và huyện cũng hỗ trợ kinh phí cho một số dự án khác như: Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng vùng bưởi hàng hóa tập trung với tổng kinh phí trên 7 tỉ đồng...
Tuy nhiên, việc phát triển cây bưởi trên địa bàn huyện Đoan Hùng còn gặp nhiều khó khăn về phương thức sản xuất, tiêu thụ còn thiếu bền vững, sản phẩm chế biến từ bưởi còn hạn chế; quy mô sản xuất chủ yếu theo hộ gia đình, nhỏ lẻ, manh mún; nhiều loại sâu bệnh hại nặng như vàng lá, chảy gôm, thối rễ xuất hiện tại các vườn bưởi lâu năm làm chết cây, thối quả, chất lượng, mẫu mã giảm...
Lãnh đạo huyện Đoan Hùng báo cáo tình hình phát triển cây bưởi trên địa bàn huyện
Tại buổi kiểm tra, các đại biểu đã tập trung ý kiến vào việc tìm giải pháp điều trị bệnh cho cây bưởi; nâng cao chất lượng, mẫu mã bưởi Đoan Hùng; nâng cao giá thành sản phẩm; sản xuất an toàn, bền vững hướng tới mục tiêu xuất khẩu...
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Trong những năm qua, cây bưởi Đoan Hùng đã khẳng định được thương hiệu, giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp quan trọng vào phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Để khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm bưởi Đoan Hùng, đồng chí yêu cầu ngành Nông nghiệp và huyện Đoan Hùng cần rà soát lại các kế hoạch đã ban hành để có định hướng trọng tâm trong phát triển cây bưởi; huyện cần tiếp tục phối hợp với các ngành chuyên môn có giải pháp quy hoạch vùng trồng tập trung cho từng giống bưởi; tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; cải thiện, nâng cao chất lượng mẫu mã... đáp ứng các yêu cầu của thị trường; đánh giá thực trạng đất đai, quy trình sản xuất, tình hình sâu bệnh... đề ra giải pháp mới nhằm phát triển cây bưởi thực sự đạt hiệu quả cao; đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm...
Trước đó, đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại một số vườn bưởi tại hai xã Vân Đồn và Chí Đám.
Phan Cường