Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải kết luận hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ.
Tính đến nay, tổng diện tích rừng trên cả nước đạt trên 14,86 triệu ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên gần 10,13 triệu ha, còn lại là diện tích rừng trồng. Năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.977 vụ phá rừng (giảm gần 600 vụ so với năm 2022), tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Tổng diện tích rừng bị tác động do phá rừng trên 1.300ha.
Cũng trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 399 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 1.170ha chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo và rừng non phục hồi. Nguyên nhân chính do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, sự bất cẩn của người dân khi đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa gần rừng, trong rừng (chiếm trên 85% tổng số vụ cháy rừng)... Trong số hơn 1.170ha rừng bị cháy, có gần 490ha có khả năng tự phục hồi. Diện tích còn lại cần trồng bổ sung.
Để công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR đạt hiệu quả cao, các ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý trong việc đầu tư, huy động nguồn lực xã hội cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR. Các địa phương đã thành lập và duy trì tốt hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững đồng thời là Ban chỉ đạo quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR; thành lập và duy trì hoạt động của các tổ, đội xung kích cấp xã, thôn trong công tác bảo vệ, quản lý rừng và PCCCR. Công tác thông tin tuyên truyền, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng được tăng cường...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu: Các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách lâm nghiệp trên cơ sở Luật Lâm nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về bảo vệ, PCCCR đến người dân tại các khu vực có rừng. Tạo điều kiện khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, tổ chức kinh tế, xã hội tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR. Củng cố duy trì nâng cao năng lực hoạt động của các Ban chỉ đạo, chỉ huy về quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “4 sẵn sàng” trong PCCCR...
Phát biểu kết luận hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: PCCCR là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, do vậy, các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, đặc biệt là các địa phương có diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân tại các khu vực có rừng. Đồng chí yêu cầu Sở NN&PTNT rà soát lại hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh; đánh giá thực trạng công tác PCCCR hiện nay, xác định các khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy cao; xây dựng phương án, kịch bản và tổ chức diễn tập sát với tình hình thực tế của các địa phương...
Phan Cường