Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực PCTT&TKCN tỉnh chủ trì điểm cầu Phú Thọ. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành và các huyện, thành, thị.
Năm 2023, tình hình thiên tai diễn ra cực đoan, cả nước có 5.331 sự cố, trận thiên tai thuộc 21/22 loại hình, làm 1.129 người chết và mất tích, gây thiệt hại ước tính trên 9.324 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước cũng đã xảy ra nhiều đợt thiên tai nghiêm trọng như rét đậm, rét hại; hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún, mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá... làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại ước tính tính trên 399 tỷ đồng.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, từ sớm, từ xa của Chính phủ, sự chủ động của các địa phương và người dân, công tác PCTT&TKCN năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác tập huấn, diễn tập theo các phương án, tình huống cơ bản bảo đảm phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” phát huy được “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”....
Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được quan tâm, triển khai nhanh chóng, kịp thời. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo các cấp đã trực tiếp xuống hiện trường động viên thăm hỏi người dân bị thiệt hại, đôn đốc khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống Nhân dân. Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định hỗ trợ 8.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho 43 tỉnh, thành phố để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đã có nhiều hình thức hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 7-9/2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông xấp xỉ trung bình nhiều năm, tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão, có nguy cơ cao ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác PCTT&TKCN, ổn định đời sống Nhân dân. Để phòng, chống, ứng phó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 42/CT-TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các Bộ, các cấp ở địa phương theo Luật Phòng thủ dân sự; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư tại các địa phương; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức về PCTT&TKCN, các dấu hiệu nhận biết sớm về thiên tai; biện pháp ứng phó... đến tất cả các tầng lớp Nhân dân....
Kết luận tại hội nghị điểm cầu Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải yêu cầu Sở NN&PTNT, các sở, ngành rà soát lại hệ thống các công trình thủy lợi, hạ tầng xây dựng cơ bản có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai để kịp thời gia cố, sửa chữa và có biện pháp khắc phục trong trường hợp bị thiệt hại do thiên tai.
Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai có hiệu quả nội dung Luật Phòng thủ dân sự trong công tác PCTT; tổ chức diễn tập PCTT&TKCN sát với thực tế, tránh bị động khi có thiên tai xảy ra; các huyện, thành, thị cần tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch PCTT&TKCN phù hợp với thực tế địa phương...
Phan Cường