Giảng viên Trường Chính trị tỉnh tích cực trao đổi, nghiên cứu tài liệu để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Đồng chí Đỗ Tùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Chính trị tỉnh hiện có 54 viên chức, 3 nhân viên hợp đồng, trong đó có 39 giảng viên. Thực hiện Đề án xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn mức 1 vào năm 2025, hiện nay trường đã có 47/55 tiêu chí đạt, còn 8 tiêu chí chưa đạt, nhà trường sẽ cố gắng để đạt chuẩn theo đúng lộ trình đề ra.
Để đạt chuẩn mức 1 theo đúng lộ trình, tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường tiếp tục đoàn kết, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được Tỉnh ủy giao. Công tác xây dựng thể chế, quy định được nhà trường căn cứ các văn bản của Trung ương, tỉnh để ban hành quy chế, quy định đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi trong quản lý, điều hành hoạt động; phù hợp với các quy định, luật hiện hành và tình hình thực tế của đơn vị. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Trong quý I, Trường Chính trị tỉnh đã quản lý, giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng được 41 lớp với 3.603 học viên. Không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường luôn coi trọng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực của học viên. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên được nhà trường quan tâm, toàn trường hiện có 39 giảng viên trong đó 16 giảng viên chính.
Về trình độ chuyên môn, nhà trường có 2 tiến sĩ, 42 thạc sĩ, 10 đại học, 3 trung cấp; trình độ lý luận chính trị có 41 cử nhân, cao cấp; 13 trung cấp và 3 sơ cấp. Hàng năm nhà trường đều cử giảng viên đi bồi dưỡng cập nhật kiến thức theo quy định. Tuy nhiên, đối chiếu theo Quy định 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Trường Chính trị chuẩn thì hiện nay Trường Chính trị tỉnh đang có 4 tiêu chí chưa đạt, đó là: 100% lãnh đạo khoa giữ ngạch giảng viên chính trở lên (nhà trường mới có 6/8 lãnh đạo khoa giữ ngạch giảng viên chính); 100% lãnh đạo phòng giữ ngạch giảng viên chính hoặc tương đương trở lên (nhà trường mới có 5/6 lãnh đạo phòng); 60% giảng viên là giảng viên chính trở lên (trường mới đạt 41%); đội ngũ giảng viên hữu cơ chiếm tỷ lệ 75% (hiện tại nhà trường mới đạt 72,2%).
Đối với tiêu chí hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, nhà trường còn 3 chỉ tiêu chưa đạt đó là: Trong 3 năm có ít nhất 3 đề tài cấp tỉnh, đến thời điểm này, nhà trường mới có 2 đề tài; xuất bản ít nhất 5 cuốn sách chuyên khảo hoặc hội thảo, nhà trường mới xuất bản 2 cuốn trong năm 2023; xuất bản ít nhất 3 bản tin/năm. Về tiêu chí cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính, nhà trường còn một chỉ tiêu chưa đạt.
Đồng chí Đỗ Tùng khẳng định: Việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn mức 1 vào năm 2025 là cơ hội lớn để nâng tầm, nâng chất của nhà trường. Đây vừa là mục tiêu, đích đến, đồng thời cũng là động lực cho sự phát triển, là quá trình liên tục không có điểm dừng. Đối với các tiêu chí chưa đạt, nhà trường đã có kế hoạch thực hiện cụ thể, các đồng chí chưa đủ tiêu chí về giảng viên chính đã đăng ký xét thăng hạng vào năm 2024, có kế hoạch triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, xuất bản sách chuyên khảo hoặc kỷ yếu hội thảo khoa học, xuất bản 5 bản tin trong năm 2024.
Chi Hương