Trong 2 ngày (3 - 4/12), tại TP Cao Lãnh, Tỉnh ủy Đồng Tháp phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - tấm gương trọn đời vì nước, vì dân” (viết tắt là Hội thảo khoa học).
Hội thảo khoa học được tổ chức gồm 2 phiên: phiên thảo luận và phiên toàn thể. Trong đó, phiên thảo luận diễn ra vào chiều ngày 3/12 tại Tỉnh ủy Đồng Tháp, đại biểu tham gia tham luận, thảo luận 3 chuyên đề.
Đồng chí Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu gợi ý thảo luận Chuyên đề “Những ảnh hưởng của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”
|
Tiến sĩ Đinh Ngọc Quý - Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phát biểu tại phiên thảo luận Chuyên đề “Những ảnh hưởng của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” |
Cụ thể, tại hội trường Xẻo Quít, Chuyên đề “Những ảnh hưởng của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lý Việt Quang - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) và đồng chí Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đồng chủ trì.
Trong phiên thảo luận, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đơn vị, tỉnh Bình Định tập trung vào các nội dung: tư tưởng tiến bộ, nhân cách cao thượng và tấm gương yêu nước, thương dân của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã có ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Quá trình Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chuẩn bị cho Nguyễn Tất Thành ra đi tìm cứu nước. Từ đó đã luận giải thêm về tư tưởng, nhân cách tấm gương của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ảnh hưởng đến Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
|
Đồng chí Phạm Văn Chuẩn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Sa Đéc phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập và vận dụng tinh thần cần cù, hiếu học của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP Sa Đéc |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lý Việt Quang - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, qua phiên thảo luận góp phần làm nổi bật tấm gương về đức tính kiên trì, ý chí quyết tâm và tinh thần hiếu học của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Từ ảnh hưởng của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Đồng thời nhấn mạnh tấm gương về nhân cách cao đẹp và tinh thần cần cù lao động, là nền tảng hình thành nên nhân cách, lối sống giản dị, khiêm nhường của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và sau này trở thành vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam. Cùng với đó, tấm gương về lòng yêu nước, thương dân của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã tác động sâu sắc đến quyết định ra đi tìm đường cứu nước của thanh niên Nguyễn Tất Thành, cũng như bản lĩnh, tư duy độc lập tự chủ, biết kế thừa và phát triển sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nghiên cứu, học hỏi bất cứ học thuyết nào.
|
Đồng chí Phạm Văn Chuẩn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Sa Đéc phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập và vận dụng tinh thần cần cù, hiếu học của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP Sa Đéc |
Tại Phòng họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Lê Thị Kim Loan - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phiên thảo luận Chuyên đề “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với quê hương Đồng Tháp”. Chuyên đề được thể hiện qua 31 bài tham luận của các địa phương, đơn vị, nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chọn Cao Lãnh là nơi sống những năm cuối đời; những đóng góp thầm lặng của Cụ Phó bảng cho vùng đất Cao Lãnh. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến làng Hòa An - vùng đất Cao Lãnh (nay là TP Cao Lãnh) lần đầu vào năm 1917 - 1919, lần sau vào năm 1927 - 1929, với hình ảnh một nhà nho có kiến thức uyên thâm, một người thầy thuốc tận tâm, có cuộc sống thanh bạch, giản dị và nhân cách sống cao đẹp, được người dân Đồng Tháp kính trọng và luôn học tập, noi theo.
Một số đại biểu tham gia tham luận nhấn mạnh việc học tập và vận dụng tinh thần cần cù, hiếu học của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, góp phần chăm lo, phát triển công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; kế thừa và phát huy giá trị đạo đức, nhân cách của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng văn hóa và thanh niên Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo...
Phát biểu tổng kết phiên thảo luận Chuyên đề “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với quê hương Đồng Tháp”, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn các địa phương, đơn vị, các cá nhân gửi bài tham luận và tham gia phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn đối với tỉnh Đồng Tháp.
Qua đó, làm rõ hơn những phẩm chất cao đẹp của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, góp phần tuyên truyền, giáo dục tinh thần hiếu học, yêu nước, thương dân cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Đất Sen hồng. Đồng thời gắn việc học tập nhân cách của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của Nhân dân Đồng Tháp”.
Chiều cùng ngày (3/12), tại hội trường Sen Hồng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) và Tiến sĩ Huỳnh Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên thảo luận Chuyên đề “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một nhà nho yêu nước, thương dân”.
|
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu ý kiến nhấn mạnh tinh thần hiếu học, yêu nước, thương dân của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc |
Các đại biểu tham gia tham luận nhiều nội dung về: bối cảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và những ảnh hưởng đến tư tưởng của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - tấm gương sáng về tinh thần hiếu học và tình yêu nước, thương dân trên đất Huế; đọc lại văn chữ Hán của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nghĩ về một nhân cách lớn. Làm rõ quan điểm về một nhà nho yêu nước, thương dân, nhà nghiên cứu trình bày các tham luận với chủ đề: phong trào chấn hưng Phật giáo - con đường truyền bá tư tưởng yêu nước của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; những tư tưởng yêu nước, tiến bộ và đặc sắc trong cách thức truyền bá của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và bài học về trọng dân, thân dân đối với cán bộ, đảng viên hiện nay...
Tổng kết phiên thảo luận, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, các tham luận đã khái quát tư tưởng của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một trí thức yêu nước kiên định, truyền cảm hứng cho thế hệ đương thời và để lại dấu ấn sâu đậm trong tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chứng kiến sự đàn áp, khủng bố của bộ máy chính quyền thực dân - phong kiến đối với những người Việt Nam yêu nước, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc 2 lần thoái thác việc ra làm quan; thường xuyên tiếp xúc, ủng hộ, cổ xúy tư tưởng yêu nước của các tầng lớp trí thức Nho học, Tây học, tăng ni, phật tử...
Trong những năm gắn bó với vùng đất phương Nam, Cụ dạy chữ Nho, bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo, truyền bá, khơi dậy tinh thần yêu nước trong Nhân dân, cổ vũ phong trào chống Pháp.
Sáng ngày 4/12, Hội thảo khoa học tiếp tục diễn ra phiên toàn thể. Báo Đồng Tháp sẽ tiếp tục thông tin diễn biến Hội thảo khoa học.
(BÁO ĐỒNG THÁP)