Sign In

Dự ước năm 2023, tỉnh Phú Yên có 16/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra

07:57 07/12/2023

Tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa VIII, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và nhiệm vụ kế hoạch năm 2024.

1
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo tại kỳ họp


Theo báo cáo, năm 2023, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ và giải pháp, nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và có mặt phát triển, an sinh xã hội đảm bảo, quốc phòng an ninh được củng cố tăng cường. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh để thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển, nhất là thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động số 01/CTr-UBND của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số: 01/NQ-CP của Chính phủ, các kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 trong các kỳ họp thường kỳ Chính phủ và Nghị quyết của UBND tỉnh chỉ đạo trong các kỳ họp UBND tỉnh thường kỳ...

Đồng thời, UBND tỉnh tổ chức nhiều hội nghị, buổi làm việc với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh với tinh thần chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, quyết tâm khắc phục khó khăn, ổn định phát triển kinh tế; nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực để duy trì, phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Một số kết quả nổi bật như, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 9,16%, vượt 1,16% kế hoạch đề ra (xếp thứ 10 so với cả nước và xếp thứ 3/14 tỉnh, thành khu vực miền Trung); GRDP bình quân đầu người ước đạt 65,2 triệu đồng, tăng 13,4% so với năm 2022, trong đó khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,28%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 19,86%; khu vực dịch vụ tăng 5,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,65%.

Sản xuất nông - lâm - thủy sản cơ bản ổn định, đã hình thành nhiều mô hình vườn cây ăn quả tập trung tại các huyện miền núi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được triển khai nhân rộng. Tập trung thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm dần tỷ trọng khai thác gần bờ, gắn với chế biến và xuất khẩu. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 2,7%, trong đó sản lượng khai thác tăng 2,4%.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung triển khai. Trong năm, có thêm 01 xã đạt nông thôn mới và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 64 xã nông thôn mới (chiếm 77,1% tổng số xã, trong đó có 16 xã nông thôn mới nâng cao), 16 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 19 vườn mẫu nông thôn mới, duy trì 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và có 231 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (trong đó có 09 sản phẩm 4 sao và 222 sản phẩm 3 sao).

Giá trị sản xuất công nghiệp vượt 3,5% kế hoạch và tăng gần 10% so cùng kỳ. Hoạt động thương mại ổn định và có mặt phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ vượt 8% kế hoạch và tăng gần 13% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250 triệu USD, vượt 4,2% kế hoạch và tăng gần 6% so cùng kỳ. Hoạt động du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh; tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên ước đạt 3,1 triệu lượt, tăng gần 40% (trong đó khách quốc tế 17,3 ngàn lượt, gấp 2,27 lần), doanh thu đạt 4.730 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ...

Công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp được tập trung thực hiện. Trong năm, đã cấp mới đăng ký 462 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 5.000 tỷ đồng (giảm 11% về số doanh nghiệp và tăng 18% về số vốn so với cùng kỳ); lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 3.657 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký hơn 75.740 tỷ đồng; có 180 hợp tác xã, 02 Liên hiệp Hợp tác xã và 63 tổ hợp tác đang hoạt động.

Công tác quy hoạch, quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, đô thị được quan tâm. Trong đó, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã tổ chức công bố theo quy định; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định thông qua, UBND tỉnh đã tiếp thu hoàn chỉnh trình kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023 thông qua, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Huy động vốn đầu tư phát triển có nhiều cố gắng, vượt kế hoạch và tăng 27% so với cùng kỳ. Công tác thu hút đầu tư được triển khai bằng nhiều hình thức. Đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 17 dự án và điều chỉnh chủ trương đầu tư 44 dự án ngoài ngân sách.

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng xã hội theo quy định, đảm bảo an sinh xã hội và các lĩnh vực về văn hóa - xã hội. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu về giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động đều vượt kế hoạch đề ra. Các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được triển khai hiệu quả, đời sống của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số bảo đảm ổn định. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, giữ vững ổn định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai nhiệm vụ năm 2023 vẫn còn một số hạn chế, trong đó tổng thu ngân sách ước đạt 4.000 tỷ đồng, chỉ đạt 50% kế hoạch đề ra; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, bất động sản và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa; số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể tăng so với cùng kỳ. Tiến độ triển khai các công trình còn chậm; các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án chưa được giải quyết dứt điểm; tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn còn đạt thấp.

Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là về đất đai, khoáng sản, môi trường, trật tự xây dựng đô thị, du lịch có mặt chưa tốt. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có mặt còn hạn chế. Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu; phần lớn các chỉ số liên quan cải cách hành chính của tỉnh năm 2022 đều giảm so với cùng kỳ. An ninh trật tự có lúc, có nơi còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp; tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ…

Năm 2024 dự báo sẽ có những thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen, tỉnh luôn xác định quy hoạch và đầu tư hạ tầng là động lực, cánh cửa chính mở ra không gian phát triển, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững trong thời gian tới. Các công trình, dự án trọng điểm, quy mô lớn đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai như tuyến đường bộ cao tốc Bắc -Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh, các dự án liên kết vùng; một số dự án mới đưa vào hoạt động vào cuối năm 2023... tạo điều kiện kết nối giao thông đi lại dễ dàng, thuận lợi trong liên kết phát triển giữa các tỉnh trong vùng và cả nước. Các tiềm năng, thế mạnh đang được khai thác đúng hướng, hiệu quả.

2
Quang cảnh kỳ họp


Trên cơ sở đánh giá thuận lợi, khó khăn, UBND tỉnh xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu thực hiện trong năm 2024. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu 285 triệu USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn 5.389 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 24.500 tỷ đồng; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 78%; giải quyết việc làm 25.500 lao động; hộ nghèo đa chiều giảm 0,85%; người dân tham gia bảo hiểm y tế 94,05%; lao động qua đào tạo 78%...


Để thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2024. Tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Triển khai các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.

Triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường. Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... Tập trung hướng dẫn và vận động nông dân nhân rộng các mô hình thâm canh cây trồng áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, mở rộng diện tích cánh đồng lớn, liên kết chuỗi trong sản xuất nông, lâm, thủy sản. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, các giải pháp sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường... để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Khẩn trương hoàn tất thủ tục, tranh thủ nguồn lực sớm triển khai các dự án thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh. Tập trung rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án ngoài ngân sách. Thúc đẩy xúc tiến các Nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu đề xuất các dự án đầu tư vào tỉnh, nhất là các nhà đầu tư đang nghiên cứu đề xuất đầu tư tại khu vực Khu công nghiệp Hòa Tâm và Cảng Bãi Gốc.

Cùng với đó, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Chú trọng các giải pháp giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, giảm nghèo bền vững. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và chất lượng dịch vụ y tế; chú trọng công tác y tế dự phòng; đảm bảo thuốc, vật tư y tế phục vụ yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; đôn đốc tiến độ sớm hoàn tất thủ tục triển khai đầu tư dự án nâng cấp mở rộng và xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tăng cường ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ và các đề tài nghiên cứu có kết quả vào sản xuất, đời sống.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính; xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số; nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh trấn áp mạnh các loại tội phạm; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân; triển khai thực hiện nghiêm các kết luận sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Tăng cường công tác thanh tra; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm vụ đề ra là hết sức nặng nề, UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, các đoàn thể, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và nhân dân trong tỉnh đoàn kết, chung sức, chung lòng, đề cao tinh thần, cộng đồng trách nhiệm, quyết tâm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra trong năm 2024.

Ngọc Mỹ

 

Tag:

File đính kèm