Sign In

Tấm lòng Bác Hồ với các cháu thiếu nhi

15:32 28/05/2024

 

1
Bác Hồ chung vui với các cháu thiếu nhi Ngày Quốc tế thiếu nhi năm 1969 (Ảnh sưu tầm)

Khi nước nhà còn chìm trong đêm dài nô lệ, Bác Hồ xót xa khi phải chứng kiến cảnh cơ cực lầm than của trẻ em lúc vận nước gian nan. Người chỉ rõ kẻ thù:
 
Vì giặc Nhật giặc Tây bạo tàn
Khiến ta mất nước nhà tan
Trẻ em cũng bị cơ hàn xót xa.


Từ nỗi đau, xót xa ấy, Bác đã vận động, giáo dục, giác ngộ các cháu phải hành động:

Vậy nên trẻ em nước ta
Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh
Người lớn cứu nước đã đành
Trẻ em cũng góp phần mình một tay


Tiếp đến, Bác kêu gọi các cháu hăng hái, tự nguyện tham gia Hội Nhi đồng cứu quốc, một tổ chức của Mặt trận Việt Minh:

Nhi đồng cứu quốc hội ta
Ấy là lực lượng, ấy là cứu tinh
Ấy là bộ phận Việt Minh
Dân mình khắc cứu dân mình mới xong.


Trong khi đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, chúng đã dùng chính sách “làm cho u mê để thống trị”, không mở trường học cho con em các thuộc địa, Bác đã gửi bài đăng trên báo L’Humanite’ ngày 5/2/1923, trong đó nêu rõ: “… Mỗi năm, cứ đến ngày khai trường, các bậc cha mẹ dù có đi gõ cửa khắp nơi, cầu xin mọi sự giúp đỡ, thậm chí xin nộp gấp đôi tiền ăn học mà họ vẫn không gửi được con cái đến trường và những đứa trẻ này, có đến hàng nghìn, bị đày vào cảnh ngu dốt chỉ vì không có đủ trường sở cho chúng đi học…”.

Sự quan tâm đặc biệt của Người dành cho trẻ em còn bắt nguồn từ tầm nhìn xa trong chiến lược con người “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Vì vậy, trước khi Đảng ta ra đời, Bác đã bồi dưỡng một nhóm thiếu nhi Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc). Ngày 22/7/1926, Người viết một bức thư gửi cho Ủy ban Trung ương Thiếu nhi Liên Xô và một bức gửi đại diện Đoàn thanh niên Cộng sản Pháp tại Quốc tế thanh niên Cộng sản để gửi các em đến Mátxcơva học tập.

Sinh thời, Bác Hồ đã dành tình cảm sâu đậm cho các cháu thiếu niên và nhi đồng - chủ nhân tương lai của đất nước và xem việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết. Mở đầu bài thơ "Trẻ con" của Bác viết năm 1941 thật cảm động:

Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng 


Trẻ em như búp trên cành là quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là quan niệm của dân tộc ta về thiếu nhi, về việc chăm sóc cho thiếu nhi. Búp trên cành mơn mởn, xanh tơ, nhưng dễ bị tổn thương, ngược đãi. Nhưng búp trên cành cũng là phần tươi non, đẹp đẽ, là cành lá xum xuê trong tương lai. Chăm sóc thiếu nhi, chăm sóc, bảo vệ “búp trên cành” là chăm lo cho hạnh phúc của chính chúng ta hôm nay, của tương lai chúng ta mai sau.

Ngay từ những ngày đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới ra đời, Bác Hồ dù bộn bề công việc nhưng vẫn không quên "những người tiểu quốc dân của một nước độc lập". Tết Trung thu độc lập đầu tiên năm 1945, Người gửi thiếu nhi Việt Nam hai bức thư trong vòng một tuần lễ. Hai bức thư ấy tràn đầy niềm vui, niềm tự hào vì nước nhà đã độc lập.

Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung.


Trong báo “Cứu quốc” số 49 ngày 22/9/1945, Bác gửi gắm muôn vàn tình yêu thương đối với thiếu nhi trong bài viết: “Trẻ em Việt Nam sung sướng. Việt Nam độc lập muôn năm”. Tiếp theo đó, ngày 01/10/1945, tờ báo “Thiếu sinh” - tờ báo đầu tiên viết về chủ đề trẻ em ra số đầu tiên theo sự chỉ đạo của Bác, Bác nhắn nhủ: “Báo trẻ em đã ra đời. Báo này là của trẻ em, vậy các em nên giúp báo phát triển, các em gửi tin tức, tranh vẽ và bài viết cho báo. Người lớn thì nên đọc cho trẻ em chưa biết chữ nghe. Tất cả mọi người nên làm cho tờ báo ngày càng phát triển hơn”.

Luôn canh cánh bên lòng tình thương yêu vô cùng to lớn đối với thế hệ trẻ, Bác ân cần dặn dò từng li từng tí: Các em phải ngoan, ở nhà phải vâng lời bố mẹ, đi học phải siêng năng. Đối với bạn bầu phải yêu mến. Với việc động viên, nhắc nhở thế hệ trẻ cố gắng vươn lên trong cuộc sống mới, cuộc sống của người dân độc lập, tự do, Bác viết: “Thanh, thiếu nhi cần thực hành đời sống mới. Phải cương quyết, không sợ khó, không sợ khổ, phải siêng học, siêng làm”.

Tết Trung thu năm 1952 tiếp theo, Bác Hồ lại viết thư gửi tới tất cả các cháu thiếu nhi trong và ngoài nước. Cuối thư Bác làm thơ, một bài thơ mà tất cả chúng ta đều không thể nào quên: Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh/ Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh xinh/ Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình/ Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh.

Tết Trung thu năm 1953, vui sướng về những chiến thắng vang dội của quân dân cả nước trong sự nghiệp kháng chiến của dân tộc, trong đó có sự đóng góp rất tích cực của trẻ em, bác lại làm thơ: Chín tết trung thu/ Tám năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gửi thư chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần”... Và Bác kết luận: Các cháu vui thay/ Bác cũng vui thay/ Thu sau so với thu này vui hơn.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mở ra cho dân tộc Việt Nam một trang sử mới. Nhưng đất nước vẫn bị chia cắt hai miền. Người đã đặt niềm tin yêu vào những chủ nhân tương lai của đất nước, rằng: “… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu…”.

Cuộc đời của Người đã để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng và đặc biệt cho "toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng". Trong mỗi giai đoạn của cách mạng cũng như của cuộc đời đầy cống hiến và hy sinh của mình, trẻ em luôn là lớp "công dân đặc biệt" được Hồ Chí Minh dành sự quan tâm sâu sát. Chăm lo cho thế hệ trẻ, cho trẻ em thể hiện trong phong cách sống, trong đạo đức, trong tầm nhìn chiến lược và khoa học của Người. Trong bản di chúc của mình, Bác Hồ hai lần nhắc đến nhi đồng. Đoạn mở đầu, Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Ở đoạn kết thúc, Bác lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”. Một hoạt động đặc biệt của Bác Hồ với các cháu thiêu niên, nhi đồng đó là Bác thường dành dụm tiền lương và nhuận bút của mình để đến ngày Quốc tế Thiếu nhi hay Tết Trung thu mua bánh kẹo phát cho các cháu thiếu nhi.

Tình thương yêu trẻ luôn thường trực trong Bác. Xúc động biết bao khi đọc bài viết của Bác trước lúc từ biệt thế giới này để đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, Bác viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ... Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.

Nỗi thương nhớ các cháu thiếu nhi miền Nam càng cồn cào trong tấm lòng của Bác Hồ. Bác ao ước:

Đến ngày Nam Bắc một nhà
Các cháu xúm xít thì ta vui lòng
Bắc Nam sẽ sum họp một nhà
Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung
Nhớ thương các cháu vô cùng
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi.
(Gửi các cháu miền Nam năm 1965)


Tấm lòng của Bác Hồ đối với thiếu nhi Việt Nam ví như trời biển. Nỗi thương nhớ của Bác đối với các cháu không bao giờ vơi cạn. Cho đến ngày Bác phải đi xa, trong di chúc của mình, Bác còn gửi gắm: Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác “Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.


 

Hồng Thái

Tag:

File đính kèm