Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, UBND tỉnh và chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần quyết liệt, đổi mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý
Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên kịp thời, UBND tỉnh đã tổ chức quán triệt và chỉ đạo xây dựng, ban hành kịp thời các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể hóa các nghị quyết của Chính phủ, văn bản pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh để tổ chức thực hiện, nhất là các văn bản chỉ đạo phục hồi, phát triển kinh tế. Trong chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh đảm bảo tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch; luôn bám sát những định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh. Đi đôi với sắp xếp tổ chức bộ máy, chính quyền các cấp theo hướng gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức viên chức.
Các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành. Trong đó, tăng cường vai trò trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, phân cấp quản lý mạnh hơn cho chính quyền cấp dưới; tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là đơn vị hành chính cấp xã theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, nhờ khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, kinh tế của tỉnh có sự tăng trưởng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và nông nghiệp là chủ đạo, du lịch hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm, sản xuất tập trung, quy mô lớn, phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến công nghiệp… Đến nay, toàn tỉnh có 64/83 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, trong nửa nhiệm kỳ qua, huyện Đồng Xuân đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đại hội đảng các cấp đã đề ra. “Trong chỉ đạo điều hành, UBND huyện luôn chú trọng xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính quyền các cấp đảm bảo về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. UBND huyện cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện quy tắc ứng xử, thái độ phục vụ trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ công việc của tổ chức, cá nhân”, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Văn Trọng cho biết.
Còn theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Hòa Lê Ngọc Tính, để nâng cao chất lượng công tác điều hành, ngoài việc thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên, huyện Phú Hòa đã xây dựng quy trình, quy chế phối hợp liên thông giải quyết các công việc liên quan đến trách nhiệm của các ban ngành cấp huyện, xã; đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính trên các lĩnh vực.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính (CCHC). Theo đó, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực này được UBND tỉnh ban hành khá đầy đủ. Gần đây nhất, sau khi Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố chỉ số CCHC năm 2022, UBND tỉnh đã tham mưu, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị với thành phần mở rộng, để phân tích đánh giá, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị liên quan dẫn đến chỉ số CCHC của tỉnh thấp. Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có kết luận chỉ đạo và UBND tỉnh có kế hoạch khắc phục các hạn chế, tồn tại.
Theo đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, trong lãnh đạo, chỉ đạo cải cách TTHC, tỉnh luôn quán triệt và nhất quán quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đó là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền; kiên quyết không làm phát sinh chi phí thực hiện TTHC cho tổ chức, cá nhân ngoài quy định của pháp luật; giải quyết TTHC gắn liền với đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bưu chính công ích.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng Bộ chỉ số đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện gắn với đánh giá trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu; thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Xác định triển khai đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) là nhiệm vụ quan trọng, vừa qua, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh đã ký kế hoạch phối hợp với Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ triển khai 31 mô hình điểm thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, với nhiều nội dung, nhiệm vụ mới, đột phá nhằm cải cách TTHC.
Tuy nhiên, đối chiếu với các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, nhiệm vụ của hơn 2 năm còn lại rất nặng nề. Để đạt được mục tiêu cao nhất, các cấp, ngành cần quán triệt đầy đủ và thực hiện quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ giải pháp mà nghị quyết đề ra. Đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh và thu hút các dự án công nghiệp có quy mô lớn.
Để cùng với tỉnh cải thiện chỉ số CCHC, các cơ quan, đơn vị của TX Sông Cầu tập trung đẩy mạnh tuyên truyền; tiếp tục kiện toàn bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phù hợp với tình hình thực tế. Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết, địa phương rà soát, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cắt giảm và đơn giản hóa TTHC, cập nhật đầy đủ các TTHC mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung; thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch các quy định TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết...
Theo đồng chí Tạ Anh Tuấn, thời gian đến, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và thực thi công vụ của các cơ quan, tránh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhanh chóng có giải pháp khắc phục những yếu kém, tháo gỡ điểm nghẽn. Đồng thời thực hiện CCHC toàn diện ở tất cả cơ quan khối Đảng, Nhà nước, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; gắn kết quả thực hiện CCHC với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thi đua, khen thưởng, quy hoạch, đề bạt cán bộ và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chỉ đạo, điều hành CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương. “Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, thủ trưởng các sở, ban ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo quyết liệt và thực hiện có hiệu quả công tác CCHC, chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chủ tịch UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành”, đồng chí Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh.
PHẠM THÙY/PYO