Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng đảng viên đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị không ngừng lợi dụng điều kiện, bối cảnh hội nhập quốc tế để ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, lợi dụng tối đa các phương tiện truyền thông hiện đại để truyền bá các luận điệu xuyên tạc, thù địch, đòi phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những thành tựu cách mạng, thành quả phát triển đất nước và các chủ trương, đường lối lãnh đạo, quản lý đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, việc xác định tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên đang công tác, lao động và học tập ở nước ngoài luôn là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết.
Theo đánh giá của Đảng ủy Bộ Ngoại giao, công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài ngày càng đi vào nền nếp, phát huy được vai trò của tổ chức đảng và đảng viên ở nước ngoài trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Các tổ chức đảng của Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, sức chiến đấu, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những bất cập, hạn chế nhất định như việc thực hiện chế độ báo cáo của đảng viên khi ra nước ngoài chưa bảo đảm quy định, nhất là đối với đảng viên đi vì việc riêng, ngắn hạn; một số khâu trong quy trình quản lý đảng viên còn thiếu chặt chẽ, chưa nêu rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong và ngoài nước nên khó khăn trong phối hợp quản lý; việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ở nước ngoài còn chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện các vi phạm1...
Với tỉnh Quảng Bình, trong khoảng 10 năm gần đây, có khoảng trên 7.000 lượt cán bộ, đảng viên ra nước ngoài công tác, học tập, lao động ở nước ngoài. Thực tế, số cán bộ, đảng viên đi công tác, học tập chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 0,2%, còn chủ yếu là đi theo diện hợp tác lao động. Việc thực hiện quy định, quy trình cử cán bộ, đảng viên ra nước ngoài và tiếp nhận cán bộ, đảng viên khi về nước của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh cơ bản được tổ chức thực hiện nghiêm túc. Thủ tục chuyển sinh hoạt chính thức cho đảng viên ra nước ngoài được các cấp ủy thực hiện đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên trong quá trình đi lại, chuyển sinh hoạt... đúng theo quy định tại Điều 3, Quy định số 228-QĐ/TW ngày 07/02/2014 của Ban Bí thư và các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Đa số cán bộ, đảng viên khi ra nước ngoài chấp hành tốt các quy định của Đảng, pháp luật của Việt Nam và nước sở tại; giữ vững quan điểm, lập trường, đạo đức lối sống, có nhiều đóng góp cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và nước sở tại; không làm phương hại đến lợi ích và an ninh quốc gia, chưa phát hiện các dấu hiệu móc nối, cài cắm hay các biểu hiện bất mãn, bất đồng chính kiến trong các đảng viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở nước ngoài về nước; không có trường hợp vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam và nước sở tại buộc phải trục xuất.
Tuy nhiên, một số tổ chức đảng chưa nắm vững và đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ liên quan công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài; một số cán bộ, đảng viên không thực hiện đầy đủ thủ tục trước khi ra nước ngoài, còn có trường hợp bỏ sinh hoạt đảng, vi phạm nguyên tắc phải làm thủ tục xóa tên... Nguyên nhân là do việc tổ chức, quán triệt, triển khai thực hiện của một số cấp ủy còn thiếu kịp thời, có nơi triển khai chưa thật nghiêm túc. Một số đảng viên đi lao động tự do ở nước ngoài không làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng, bị xóa tên đảng viên. Tình trạng đảng viên đi lao động ở nước ngoài bằng con đường không hợp pháp, gây khó khăn trong quản lý đảng viên, dẫn đến việc không thể chuyển sinh hoạt đảng, tổ chức đảng phải xóa tên. Bên cạnh đó, một số cán bộ làm nghiệp vụ chuyển sinh hoạt đảng nắm chưa chắc trình tự, thủ tục, lúng túng trong việc hướng dẫn cho đảng viên chuyển sinh hoạt... cũng phần nào ảnh hưởng đến việc chuyển sinh hoạt của đảng viên ra nước ngoài.
Thời gian tới, hợp tác và hội nhập quốc tế vẫn luôn là xu thế lớn, lâu dài của các quốc gia, khu vực trên thế giới. Bên cạnh những mặt tích cực, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những biến động phức tạp và đa chiều, tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước ta. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam với mức độ ngày càng tinh vi hơn, nguy hiểm hơn. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, số lượng đảng viên, người Việt Nam ra nước ngoài ngày càng đông và đa dạng, với nhiều mục đích khác nhau. Đây là lực lượng quan trọng góp phần làm cầu nối thúc đẩy và làm sâu sắc mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, việc xác định tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ đối với cán bộ, đảng viên ở nước ngoài là rất quan trọng và cần thiết.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nắm chắc lịch sử chính trị và chú trọng vấn đề chính trị hiện nay. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ cán bộ, đảng viên về mặt chính trị; bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội... để xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ”2
Vì vậy, trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ đối với cán bộ, đảng viên khi ra ngoài nước công tác, học tập, lao động, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là người đứng đầu cần có nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ gắn với công tác quản lý cán bộ, đảng viên đang công tác, lao động, học tập ở nước ngoài trong tình hình mới; xác định rõ trách nhiệm, nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cấp ủy các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc Quy định số 86-QĐ/TW ngày 28/10/2022 của Ban Bí thư về nhiệm vụ của đảng viên và công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài; Quy định số 58-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng và các văn bản có liên quan cho cán bộ, đảng viên, khắc phục triệt để những hạn chế, khuyết điểm, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
Hai là, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đối với tổ chức đảng ở ngoài nước trong sạch, vững mạnh trên cơ sở quán triệt sâu sắc, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII; tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, trong đó cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ chính trị nội bộ và ý thức cảnh giác, tinh thần kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn phá hoại tinh vi của các thế lực thù địch. Chủ động ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Tăng cường đấu tranh, sớm phát hiện, đập tan các hoạt động cài cắm, móc nối, phá hoại tư tưởng chính trị; phản bác, bóc gỡ, vạch trần các thông tin xấu, độc, luận điệu xuyên tạc, thù địch, kích động. Tăng cường các thông tin chính thống chính xác, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, coi trọng nắm bắt và định hướng dư luận trong thời gian diễn ra các sự kiện lớn, trọng đại của đất nước.
Ba là, cấp ủy đảng các cấp cần chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Đảng ủy Bộ Ngoại giao quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên ra nước ngoài theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Phối hợp nắm và giải quyết những vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những trường hợp làm nhiệm vụ dịch thuật, cử đi công tác, học tập ở nước ngoài hoặc có mối quan hệ tiếp xúc, làm việc lâu dài với các tổ chức, cá nhân nước ngoài phù hợp với những yêu cầu, diễn biến của tình hình mới. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từng nhấn mạnh: “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và quản lý đảng viên ở ngoài nước không chỉ là trách nhiệm của Đảng bộ Bộ Ngoại giao và các cấp ủy, tổ chức đảng ở ngoài nước, mà còn là trách nhiệm của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các cấp ủy địa phương có đảng viên đang công tác, lao động, học tập ở nước ngoài”3. Cần tăng cường phối hợp, tham gia hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở ngoài nước, xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở ngoài nước trong sạch, vững mạnh là một bộ phận hữu cơ, gắn bó với hệ thống tổ chức và công tác xây dựng Đảng trong toàn Đảng thời gian tới.
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới mô hình tổ chức, phương thức lãnh đạo, hoàn thiện và chuẩn hóa lề lối, quy trình công tác, quy trình quản lý tổ chức đảng và đảng viên khi ra nước ngoài. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở nước ngoài, tạo sự chuyển biến về chất lượng hoạt động của từng loại hình tổ chức cơ sở đảng, bảo đảm triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy theo hướng đơn giản về hình thức, thiết thực về nội dung, phù hợp theo đặc thù của từng địa bàn, đối tượng. Xây dựng, hoàn thiện phần mềm quản lý đảng viên khoa học; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý đảng viên, từng bước số hóa bảo đảm thuận tiện cho việc chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên và quản lý hồ sơ đảng viên, đáp ứng xu thế thời đại số hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.
Năm là, nghiên cứu xây dựng “bộ cẩm nang những vấn đề lưu ý khi ra nước ngoài” theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho cán bộ, đảng viên bằng các biện pháp, cách thức phù hợp với địa bàn; qua đó, tạo thêm đồng thuận, nhất trí, giữ vững bản lĩnh, niềm tin của cán bộ, đảng viên và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chủ động định hướng tư tưởng cho quần chúng, cộng đồng trước những luận điệu tuyên truyền sai lệch của các thế lực thù địch, phản động. Tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nội bộ của Đảng. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động ngăn chặn, phòng ngừa, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đối với cán bộ, đảng viên hoạt động ở nước ngoài, xa Tổ quốc, hoạt động độc lập, càng cần phải nhận thức đúng, kiên định lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng “tự miễn dịch”, “tự đề kháng” cao, tránh để các thế lực thù địch, phản động mua chuộc, lôi kéo, tác động.
Sáu là, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và cá nhân cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các nội dung theo quy định đối với đảng viên ra nước ngoài. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên sai phạm, vi phạm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về công tác bảo vệ chính trị nội bộ tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấn chỉnh những thiếu sót, hướng dẫn đồng bộ và nhất quán việc thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ cho các cơ quan, đơn vị, đội ngũ chuyên trách bảo vệ chính trị nội bộ đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ không những là công tác quan trọng trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài. Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú trọng công tác bảo vệ Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức cần sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, sự chủ động, tích cực phối hợp, trao đổi của các cấp, các ngành có liên quan và mỗi một cán bộ, đảng viên; góp phần bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập sâu, rộng và toàn cầu hóa mạnh mẽ; đồng thời góp phần đảm bảo cho quá trình lãnh đạo và phát triển bền vững của Đảng, của chế độ trong giai đoạn mới.
[1] Xem thêm: https://baothanhhoa.vn/thoi-su/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-quan-ly-dang-vien-o-nuoc-ngoai/162572.htm
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.244-245.
[3] Kiều Liên - Hải Minh, “Nâng cao sức tự đề kháng của cán bộ đối ngoại hoạt động ngoài nước”, Báo Chính phủ điện tử, ngày 16/12/2021, https://baochinhphu.vn/nang-cao-suc-tu-de-khang-cua-can-bo-doi-ngoai-hoat-dong-ngoai-nuoc-102305638.htm
TS. NGUYỄN VIẾT XUÂN
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình