Quan tâm chỉ đạo, phối hợp tổ chức Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư
Hàng năm, Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11), nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết, củng cố niềm tin trong các tầng lớp Nhân dân. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã chủ động tham mưu với cấp uỷ có các văn bản chỉ đạo; xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương; chủ động mời các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, thị xã, thành phố về dự Ngày hội với Nhân dân địa phương. Trong 20 năm qua, đã có 250 khu dân cư tổ chức Ngày hội điểm cấp tỉnh, 860 khu dân cư tổ chức Ngày hội điểm cấp huyện và 2.736 khu dân cư tổ chức Ngày hội điểm cấp xã, phường, thị trấn, với khoảng 33.930 lượt lãnh đạo từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã về tham dự Ngày hội cùng với bà con Nhân dân.
Hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh chủ trì phối hợp UBND cùng cấp tổ chức Ngày hội. Bên cạnh việc tạo điều kiện về kinh phí, vật chất tổ chức Ngày hội; phối hợp tôn vinh, khen thưởng các tập thể, gia đình, cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong: Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng khu dân cư nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh kiểu mẫu; xây dựng gia đình đạt chuẩn văn hóa; phòng chống dịch bệnh; xây dựng khu dân cư đạt chuẩn văn hóa; hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững; vươn lên làm giàu chính đáng; tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội... Kinh phí hỗ trợ tổ chức Ngày hội từ cấp tỉnh đến cơ sở 20 năm qua với số tiền trên 53.225 triệu đồng, ngoài ra huy động nguồn lực từ Nhân dân số tiền 189.828 triệu đồng.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng
tại Hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội
Huy động sức mạnh đoàn kết, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh
Sau 20 năm thực hiện, đến nay đã thật sự là Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân, thu hút đông đảo Nhân dân khu dân cư tích cực tham gia. Hàng năm, có từ 93 - 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội, trong đó có trên 90% khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội; trên 75% khu dân cư tổ chức “Bữa cơm Đại đoàn kết”. Quá trình tổ chức Ngày hội, 20 năm qua, các khu dân cư đã tổng kết, đánh giá biểu dương khen thưởng cho 11.055 tập thể và 79.685 cá nhân, hộ gia đình, với số tiền 21.336 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng mới 6.421 nhà và sửa chữa 4.996 nhà Đại đoàn kết với số tiền 115,5 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất: 115.762 hộ, kinh phí 73,9 tỷ đồng; hỗ trợ học sinh nghèo: 119.130 lượt học sinh, kinh phí 20,4 tỷ đồng; trợ giúp khó khăn đột xuất, khám chữa bệnh: 49.308 lượt, kinh phí 6,1 tỷ đồng; thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết: 128.073 suất, kinh phí 65,4 tỷ đồng; hỗ trợ cộng đồng nghèo với kinh phí 1,7 tỷ đồng; các hỗ trợ khác: 2,2 tỷ đồng... đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn 5%, hộ cận nghèo là 4,76%.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương xây dựng các mô hình tự quản, đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 534 mô hình tự quản hoạt động hiệu quả, nhất là trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động, như: “Hỗ trợ thoát nghèo có địa chỉ”; “Đường hoa đô thị”; “Camera giám sát an ninh trật tự”; “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”; “Nói không với chất cấm trong sản xuất và chế biến”; “Gần dân, sát dân”; “Khu phố văn minh đô thị”; “Khu dân cư đảm bảo trật tư an toàn giao thông”; “Khu dân cư thực hiện tốt 5 nội dung của Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh”; “Phát huy vai trò của người có uy tín trong dòng họ trong việc tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật”; “Vườn kiểu mẫu”; “Làng quê đáng sống”; “Kết nghĩa Lương - Giáo”; “KDC thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo”; “Xã bình yên, gia đình hòa thuận”... đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần ổn định ANTT, ATXH, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã tích cực vận động Nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, Nhân dân đã tự đóng góp khoảng 1.230 tỷ đồng, hiến hơn 1.750.000 m2 đất, hàng rào, hàng trăm ngàn cây bóng mát, cây ăn quả, đóng góp 7.976 nghìn ngày công để xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội... Nhiều mô hình mới, cách làm hay được Nhân dân đồng tình thực hiện được duy trì và nhân rộng hiệu quả, góp phần làm cho các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương không chỉ được giữ vững mà còn được nâng lên.
Tiết mục văn nghệ trong dịp tổ chức Ngày hội ở khu dân cư
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư
Có thể khẳng định rằng, việc tổ chức Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đem lại những kết quả trên nhiều lĩnh vực. Để tiếp tục tạo sức lan toả mạnh mẽ việc tổ chức Ngày hội trong toàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội phù hợp với giai đoạn hiện nay, cần quan tâm tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, có sự quan tâm lãnh đạo của cấp uỷ đảng, sự phối hợp chỉ đạo thống nhất của chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp và coi đây là dịp để cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, động viên Nhân dân hăng hái thi đua sản xuất. Phát huy vai trò, thế mạnh của các tổ chức thành viên trong việc vận động đoàn viên, hội viên của mình tham gia tổ chức, thực hiện các nội dung của Ngày hội.
Thứ hai, coi trọng công tác tuyên truyền, làm cho đông đảo người dân hiểu hơn về lịch sử, truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về những kết quả đạt được trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, những gương người tốt, việc tốt… Đồng thời, hướng dẫn, phổ biến cách thức tổ chức Ngày hội ở từng địa bàn dân cư cho phù hợp để tạo cơ hội cho tất cả các tầng lớp Nhân dân có điều kiện cùng tham gia Ngày hội, qua đó tăng cường, củng cố tình đoàn kết của cư dân trên địa bàn các khu dân cư.
Thứ ba, việc tổ chức Ngày hội cần phát huy sự sáng tạo của mỗi khu dân cư, tùy theo đặc điểm của từng nơi để tổ chức cho phù hợp. Khuyến khích các khu dân cư tổ chức Ngày hội theo hình thức liên khu dân cư, nhằm tạo điều kiện trao đổi, học tập lẫn nhau, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa các khu dân cư. Phần lễ và phần hội đảm bảo yêu cầu vui tươi, phấn khởi, trang nghiêm, trang trọng, hiệu quả, không phô trương, hình thức. Các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để tổ chức “Bữa cơm Đại đoàn kết” tại khu dân cư cho phù hợp.
Thứ tư, MTTQ Việt Nam các cấp cần bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên ở cơ sở; đa dạng hình thức huy động nguồn lực hỗ trợ cho các khu dân cư để tổ chức Ngày hội thiết thực và hiệu quả. Chú trọng phát hiện, tôn vinh và biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, các mô hình hữu ích cho cộng đồng... làm cơ sở thu hút, tập hợp và phát huy các giá trị trong tổ chức Ngày hội tại địa phương.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tổ chức thành viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh sẽ đáp ứng được yêu cầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Những kết quả và kinh nghiệm quý báu có được trong quá trình vận động, tập hợp Nhân dân tham gia Ngày hội là tiền đề, cơ sở thực tiễn để tiếp tục duy trì, củng cố, đổi mới và ngày càng mở rộng sự kết nối cộng đồng, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền vững.
Anh Đào