Trong những năm qua, thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân và xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã kịp thời xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo các cấp Hội quán triệt, tuyên truyền trong cán bộ, hội viên nông dân, đồng thời chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, thống nhất quy trình triển khai thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội. Chỉ tính riêng từ năm 2017 - 2023, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 14 lớp tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội cho 1.320 lượt học viên là cán bộ Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở. Ban Thường vụ Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị, lồng ghép các cuộc hội nghị tổ chức tập huấn cho gần 16.000 lượt cán bộ các cấp.
Hằng năm, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Hội và tình hình thực tiễn, từ việc nắm bắt ý kiến, kiến nghị hội viên nông dân, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo Hội Nông dân các cấp lựa chọn nội dung, thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực cấp ủy để xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát, phản biện xã hội.
Đối với hoạt động giám sát, các cấp Hội đã tập trung các nội dung liên quan trực tiếp đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các mặt công tác Hội để tiến hành giám sát, như: Việc thực hiện Kết luận 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020” và Quyết định 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020; việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/T ngày 17/7/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục lãnh đạo xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân; việc thực hiện pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; việc thực hiện cấp kinh phí hoạt động cho Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tại các xã, phường, thị trấn; việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc sử dụng kinh phí hỗ trợ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, khắc phục hậu quả thiên tai…
Tùy theo nội dung và tình hình thực tiễn, các cấp Hội đã tổ chức các cuộc giám sát thông qua nhiều hình thức khác nhau, như: Chủ trì tổ chức các đoàn giám sát trực tiếp; giám sát qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, báo cáo của các cơ quan, đơn vị liên quan; tham gia các đoàn giám sát do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp chủ trì…
Kết quả, từ năm 2018 -2023, Hội Nông dân 3 cấp đã chủ trì tổ chức 43 cuộc giám sát trực tiếp; tham gia 276 cuộc giám sát của Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp theo đề nghị. Trong đó, cấp tỉnh, tổ chức thực hiện 15 cuộc giám sát chuyên đề (giám sát trực tiếp); cấp huyện thực hiện 85 cuộc giám sát (28 cuộc giám sát trực tiếp, tham gia 57 cuộc giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp); cấp xã tham gia 248 cuộc giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội cơ sở
Công tác phản biện xã hội được tiến hành đối với dự thảo các văn bản về chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân và được dư luận Nhân dân quan tâm. Hoạt động phản biện xã hội của Hội Nông dân các cấp được triển khai thực hiện thông qua các hình thức, như: Tổ chức hội nghị; gửi văn bản tham gia phản biện, góp ý đến các cơ quan liên quan; tham gia hội nghị do các cơ quan, đơn vị tổ chức. Trong thời gian qua, các cấp Hội đã tích cực tham gia phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), dự thảo các chương trình hành động, kế hoạch của cấp ủy, nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các văn bản dự thảo liên quan đến chế độ, chính sách cán bộ, liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn;… Nhìn chung, các ý kiến phản biện xã hội của Hội Nông dân các cấp đã được cơ quan dự thảo văn bản quan tâm tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh trước khi ban hành.
Thông qua giám sát, phản biện xã hội đã góp phần giúp cho cán bộ, hội viên nông dân kịp thời nắm bắt, thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đồng thời kiến nghị bổ sung, sửa đổi, khắc phục các thiếu sót, hạn chế trong quá trình hoạch định, xây dựng, thực hiện các chủ trương, chính sách sát với thực tiễn, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của hội viên nông dân. Qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên nông dân, phát huy vai trò của hội viên nông dân trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện xã hội trong các cấp Hội Nông dân hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, một số cấp Hội, nhất là cấp cơ sở nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm trong giám sát và phản biện xã hội, vì vậy chưa tích cực, chủ động xác định nội dung, xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Việc lựa chọn, xác định đối tượng, nội dung, phương thức triển khai thực hiện, giám sát, phản biện xã hội có mặt còn lúng túng. Nhìn chung, các cuộc giám sát độc lập do Hội Nông dân các cấp trực tiếp tiến hành còn ít, chủ yếu ở cấp tỉnh, cấp huyện, trong khi đó cấp cơ sở hầu hết phối hợp tham gia giám sát cùng Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận cùng cấp. Công tác phối hợp với các ngành có liên quan để tổ chức giám sát còn gặp khó khăn, nhất là việc giám sát cơ quan cùng cấp. Quá trình giám sát ở một số tổ chức Hội chưa chú trọng thực hiện công tác đôn đốc, theo dõi việc tiếp thu, giải quyết các kết luận, kiến nghị sau giám sát.
Nguyên nhân của hạn chế là do: Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ sở về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có phần còn chưa đầy đủ nên chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức đối với công tác giám sát, phản biện xã hội. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đặt ra yêu cầu về đội ngũ cán bộ các cấp Hội phải có trình độ, năng lực, có chuyên môn trên nhiều lĩnh vực, nhưng hiện nay, kỹ năng và kinh nghiệm giám sát, phản biện xã hội của một số cán bộ Hội có mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho cán bộ Hội cấp cơ sở về công tác giám sát, phản biện xã hội mặc dù đã triển khai song còn ít và chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, điều kiện và kinh phí hoạt động của các cấp Hội, nhất là cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, không có kinh phí cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội.
Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội trong các cấp Hội Nông dân nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, thiết nghĩ cần quan tâm chỉ đạo, triển khai một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, nhất là Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 07/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh. Qua đó, tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể về mục đích, ý nghĩa của công tác giám sát và phản biện xã hội.
Thứ hai, đối với các cấp Hội Nông dân, tùy điều kiện và tình hình thực tiễn của các tổ chức Hội hiện nay để chủ động xây dựng kế hoạch, xác định nội dung giám sát, phản biện xã hội phù hợp, trong đó có sự phối hợp, thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để báo cáo cấp ủy cùng cấp cho ý kiến, chỉ đạo triển khai các nội dung giám sát, phản biện xã hội.
Thứ ba, thường xuyên nắm bắt, tiếp thu ý kiến phản ánh của cán bộ, hội viên nông dân, các tầng lớp Nhân dân và ý kiến của các chuyên gia để có cơ sở xác định các vấn đề thiết thực, liên quan trực tiếp đến hội viên nông dân trong giám sát, phản biện xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung các nội dung có tác động lớn đến hội viên nông dân nói riêng và đời sống xã hội được các tầng lớp Nhân dân quan tâm như: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương năm khoá XIII (Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới); việc triển khai Luật Đất đai (sửa đổi); vệ sinh an toàn thực phẩm; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; việc xây dựng các sản phẩm OCOP; việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Hội Nông dân…
Thứ tư, quá trình giám sát, phản biện xã hội phải kịp thời đề xuất, kiến nghị những sai sót, khuyết điểm, hạn chế đối trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của các cấp, các ngành và những chủ trương, chính sách chưa phù hợp để khắc phục, sửa chữa và bổ sung hoàn chỉnh. Đồng thời, bám sát, theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, giải quyết các kết luận, kiến nghị qua giám sát, phản biện xã hội của các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giám sát, phản biện xã hội.
Thứ năm, thường xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng về giám sát và phản biện xã hội cho cán bộ Hội các cấp.
Thứ sáu, chú trọng kiểm tra, giám sát Hội Nông dân cấp dưới trong thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội, đồng thời đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác giám sát và phản biện xã hội trong giai đoạn hiện nay.
GT