Sign In

Hiệu quả từ Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn thành phố Đồng Hới

16:06 15/03/2024
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đồng Hới lần thứ XXI, Chương trình hành động số 03-CTr/TU về thực hiện văn minh đô thị Đồng Hới giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trên địa bàn thành phố Đồng Hới đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đạt được những kết quả quan trọng. Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, huy động sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, địa phương và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân, phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo trong Nhân dân tham gia xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh.

 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Cuộc vận động, Thành ủy Đồng Hới đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và 5 nội dung của Cuộc vận động trên các phương tiện báo chí, thông tin truyền thông, thông qua các hội thi, hội diễn... Đồng thời, quan tâm chỉ đạo xây dựng các mô hình, điển hình, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và các phong trào thi đua yêu nước, như: Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Định kỳ hằng năm, các địa phương đều tổ chức tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt Cuộc vận động trong dịp tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư, qua đó tạo sức lan tỏa sâu rộng của Cuộc vận động trong các tầng lớp Nhân dân.

Với phương châm: Lấy khu dân cư làm địa bàn, phát huy trò tự quản, tính sáng tạo của cộng đồng dân cư, bám sát các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Mặt trận các cấp đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động về cơ sở, xây dựng các mô hình điểm trong thực hiện các nội dung của Cuộc vận động. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Mặt trận các cấp thành phố đã xây dựng 156 mô hình mới, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố.

Trước hết, trong công tác vận động Nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, được xác định là nội dung trọng tâm của Cuộc vận động; đã tích cực vận động Nhân dân tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch, dịch vụ, cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất. Qua đó, xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể năng động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất. Nhiều hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và dịch vụ đã được hình thành, các sản phẩm OCOP đã khẳng định thương hiệu, như: Hợp tác xã Chế biến thủy sản Long Tám, Hợp tác xã Đan vá lưới thôn Đồng Dương (xã Bảo Ninh), Hợp tác xã Chế biến, bảo quản thủy hải sản Phương Hiền (xã Quang Phú)...

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Đồng Hới tặng hoa chúc mừng
các đội thi tham gia Hội thi “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị”năm 2023

Trong công tác vận động Nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục, y tế, đã tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở lành mạnh, phong phú; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Hiện nay, thành phố có 6/25 trường mầm non, 6/20 trường tiểu học, 6/15 trường trung học cơ sở công lập đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%; 137/137 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa đạt 100%; 15/15 xã, phường có trung tâm Văn hoá, Thể thao; có 306 điểm tập luyện thể dục thể thao cơ bản đáp ứng được nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của Nhân dân. Các lễ hội truyền thống, như: Bơi trãi, cầu ngư, bài chòi, múa bông chèo cạn, Tuần văn hóa - Du lịch Đồng Hới được tổ chức ngày càng chất lượng, quy mô và hướng tới chuyên nghiệp, thu hút sự quan tâm hưởng ứng của Nhân dân địa phương và du khách. Bên cạnh đó, Mặt trận, các đoàn thể còn tích cực phối hợp với chính quyền và các ban, ngành thực hiện có hiệu quả các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đoàn kết tương trợ nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Qua đó, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống tốt đẹp của người Đồng Hới được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ, nếp sống đô thị đã được hình thành rõ nét trong sinh hoạt của người dân thành phố. 

Đối với công tác vận động Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan đô thị, đã được 100% cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả. Đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm, xây dựng các mô hình tự quản, góp phần huy động các tầng lớp Nhân dân tham gia làm vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan các cơ quan, khu dân cư xanh, sạch, đẹp. Nhiều mô hình có ý thiết thực, được nhân rộng ra các địa bàn, khu dân cư, như: Mô hình “Tuyến đường sinh vật cảnh”; mô hình “Khu dân cư thân thiện với môi trường”; mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật”; mô hình “Thùng rác tự quản”; mô hình“Ngày chủ nhật  xanh, sạch, đẹp”… Trong đó, đáng chú ý như: Mô hình “Đường hoa đô thị”, sau 5 năm thực hiện, đến nay, có trên 30 km đường hoa và trên 7.000 m2 điểm hoa tại gần 100 khu dân cư trên toàn thành phố; mô hình “Đường cờ” được triển khai ở 15/15 xã phường, đến nay đã có trên 30.000 lá cờ được cắm trên các tuyến đường dài gần 300 km, góp phần tô điểm thêm cho thành phố du lịch văn minh, hiện đại.

Trên công tác vận động Nhân dân đoàn kết chấp hành pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, các cấp, các ngành, địa phương đã chú trọng triển khai với nhiều giải pháp sát thực, hiệu quả. Xác định công tác phòng ngừa xã hội là nền tảng cơ bản để hạn chế tội phạm và vi phạm pháp luật xảy ra, thành phố đã tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Nhiều mô hình đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố phát huy hiệu quả trong thực tiễn, như: Mô hình “Camera giám sát an ninh trật tự”’; mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” (triển khai tới 137/137 Khu dân cư, trao gần 15.000 bình chữa cháy cho các hộ dân đăng ký với số tiền trên 3,5 tỷ đồng); mô hình “Zalo kết nối người dân”  (có 22.112 người tham gia, chiếm 85% trên tổng số đại diện hộ gia đình);  mô hình “Khu dân cư nói không với pháo nổ” ; mô hình “Phường không có tội phạm và tệ nạn ma túy”; mô hình “Khu dân cư nói không với hát Karaoke trong khung giờ quy định”… Đặc biệt, thành phố là địa bàn đầu tiên trong toàn tỉnh triển khai và xây dựng thành công mô hình “Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị” tại phường Đồng Hải và “Phường điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại phường Đức Ninh Đông. 

Công tác vận động Nhân dân phát huy dân chủ, tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh ngày càng đi vào thực chất, đạt kết quả rõ nét. Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở được chú trọng, các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân tại địa phương, cơ quan, đơn vị được bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát của cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch. Từ năm 2018 đến nay, Mặt trận thành phố đã chủ trì 18 cuộc giám sát độc lập, chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận các xã, phường giám sát 158 cuộc với những nội dung Nhân dân quan tâm, bức xúc; phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành 127 cuộc giám sát. Mặt trận thành phố cũng đã chủ trì, tổ chức các Hội nghị phản biện có hiệu quả cao, như: Phản biện về Dự thảo Đề án xã hội hóa xây dựng hệ thống thoát nước thải R3 trong khu dân cư giai đoạn 2021 - 2025; Dự án Quy hoạch Công viên Trung tâm Đồng Sơn; Dự thảo Kế hoạch các nguồn thu của Ủy ban nhân dân xã năm 2022, các nguồn thu ủng hộ nhân đạo, từ thiện, Quỹ “Vì người nghèo”, nguồn Quỹ công chuyên dùng của Ủy ban nhân dân xã... 

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thành phố đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và nội lực của cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hiện nay, các xã trên địa bàn thành phố đã đạt tiêu chí nông thôn mới theo quy định mới và đang tập trung các nguồn lực vận động Nhân dân xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, trong đó, đã có 2/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Đức Ninh và xã Quang Phú). Năm 2023, tỷ lệ gia đình văn hóa toàn thành phố đạt 97,4%; khu dân cư văn hóa đạt 88,3%; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đạt 60%. Thành phố có 54 khu dân cư kiểu mẫu, trong đó có 32 mô hình Khu dân cư đô thị văn minh kiểu mẫu và 22 mô hình Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Từ những kết quả đạt được qua triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn thành phố thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp và thống nhất hành động giữa Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên và các cơ quan, ban, ngành, địa phương để triển khai có hiệu quả các nội dung của Cuộc vận động. Trong đó, phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì của Mặt trận Tổ quốc trong tham mưu xây dựng kế hoạch, triển khai các nội dung công tác.

Thứ hai, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung và kết quả thực hiện Cuộc vận động; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, kết hợp tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng và tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận, sự tham gia, hưởng ứng tích cực của Nhân dân để triển khai thực hiện Cuộc vận động đạt hiệu quả thiết thực.

Thứ ba, phải có sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát trong quá trình triển khai 5 nội dung của Cuộc vận động, xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, từ đó mới khơi dậy và phát huy tính chủ động, sáng tạo và các nguồn lực trong Nhân dân thực hiện Cuộc vận động.

Thứ tư, quan tâm chỉ đạo xây dựng các mô hình, điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng. Đồng thời, cần tích cực vận động Nhân dân tham gia các phong trào, mô hình tự quản tại cộng đồng, phát huy vai trò của cá nhân tiêu biểu, người có uy tín; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng.

Thứ năm, thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá; định kỳ sơ kết, tổng kết; kịp thời biểu dương, khen thưởng các mô hình, điển hình, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động.

GT 

 

 

Tag:

File đính kèm