Huyện Lệ Thủy có 03 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy), với 24 thôn, bản; 1.605 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với 6.243 người (chiếm 3,7% dân số toàn huyện), chủ yếu là dân tộc Bru - Vân Kiều.
Quang cảnh Đại hội
Với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II - năm 2024 huyện Lệ Thủy đã đánh giá kết quả thực hiện quyết tâm thư của Đại hội các dân tộc thiểu số huyện lần thứ I - năm 2019, thống nhất quyết tâm thư đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện trong giai đoạn mới. Theo đó, việc thực hiện quyết tâm thư của Đại hội các dân tộc thiểu số huyện Lệ Thủy lần thứ I - năm 2019 trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, huyện Lệ Thủy đã tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, ý chí, nội lực vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn huyện.
Cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Lệ Thủy đã tranh thủ nhiều nguồn lực để đầu tư, xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn, tham gia vào một số dự án; đồng thời thực hiện đào tạo nghề ngắn hạn cho bà con, gắn với hỗ trợ chuyển đổi nghề; đi lao động ở nước ngoài; xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy. Đến nay, 100% xã, thị trấn được đầu tư xây dựng hệ thống trường học nội trú, bán trú, trạm y tế, nhà văn hóa kiên cố đảm bảo cho việc học tập, khám chữa bệnh và các hoạt động văn hóa cho Nhân dân; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch trên 85%; thu nhập bình quân đầu người của 3 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt từ 22 - 25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 36,21% (theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025, giảm 5,84% so với năm 2019). Đặc biệt, du lịch, dịch vụ trên địa bàn 03 xã miền núi có nhiều chuyển biến tích cực, các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, mạo hiểm được đưa vào khai thác có hiệu quả, như: Bang Onsen, Khe Nước Lạnh, Sơn Kiều, khu vực Động Châu - Khe Nước Trong,... góp phần tạo sinh kế, việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại diện lãnh đạo huyện Lệ Thủy tặng hoa chúc mừng Đại hội
Đại hội đã thông qua quyết tâm thư Đại hội các dân tộc thiểu số huyện Lệ Thủy lần thứ II - năm 2024, với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, như: Đến năm 2029, vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lệ Thủy có giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng 12-13%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/người/năm; bình quân mỗi năm giảm từ 6-7% hộ nghèo; 100% số xã trong vùng đạt chuẩn nông thôn mới; 100% số trường đạt chuẩn quốc gia; 100% xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, trung học cơ sở mức độ 3, phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỷ lệ huy động học sinh đầu cấp đạt 100%; 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia thường xuyên…
Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV - năm 2024 gồm 40 đại biểu.
Dịp này, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đã tặng giấy khen cho 01 tập thể và 04 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, giữ gìn quốc phòng - an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy tặng giấy khen cho 06 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2019 - 2024.
GT