- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố,
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh,
- Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan và đại diện gia đình đồng chí Thiếu tướng Hoàng Sâm,
- Kính thưa các nhà khoa học, các quý vị đại biểu, khách quý, cùng toàn thể các đồng chí.
Trong không khí nô nức, phấn khởi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thi đua lập thành tích hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, hôm nay, tỉnh Quảng Bình rất vinh dự được phối hợp với Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Thiếu tướng Hoàng Sâm-Người Cộng sản kiên trung, nhà chỉ huy quân sự tài năng, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình”.
|
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương; các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan; các nhà khoa học trong và ngoài quân đội; đại diện gia đình đồng chí Thiếu tướng Hoàng Sâm và toàn thể các đồng chí đại biểu đã về tham dự hội thảo. Chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc; chúc hội thảo thành công tốt đẹp.
- Kính thưa các đồng chí,
Quảng Bình-vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời; nơi giao thoa, hội tụ nhiều nền văn hóa lớn của dân tộc; nơi sản sinh, nuôi dưỡng và tôi luyện nhiều bậc danh nhân, hào kiệt, trí dũng song toàn làm rạng danh non sông gấm vóc, như: Trương Xán, Dương Văn An, Nguyễn Đăng Tuân, Võ Xuân Cẩn, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Cảnh, Hoàng Kế Viêm, Lê Trực,… Đặc biệt, nơi đây đã sinh ra những vị tướng tài ba, những người học trò ưu tú và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Thiếu tướng Hoàng Sâm.
Đồng chí Hoàng Sâm, tên thật là Trần Văn Kỳ, trong cuộc đời hoạt động cách mạng còn được biết đến với bí danh khác là Trần Sơn Hùng; sinh năm 1915, trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, chứng kiến cảnh khổ cực của người dân mất nước, đã hun đúc nên tinh thần yêu nước, lòng căm thù đế quốc, thực dân, phong kiến, đưa cậu thiếu niên Trần Văn Kỳ sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng.
Năm 1927, lúc 12 tuổi, Trần Văn Kỳ theo gia đình rời quê hương sang sinh sống tại Thái Lan và gặp gỡ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, với bí danh là Thầu Chín, sang hoạt động cách mạng ở đây. Cậu thiếu niên Trần Văn Kỳ lúc ấy đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tin tưởng chọn làm liên lạc và tham gia học tập tại Trường Thiếu niên Việt kiều. Năm 1933, Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), phụ trách công tác liên lạc, in phát truyền đơn. Trong các năm 1934 đến năm 1939, đồng chí Trần Văn Kỳ tích cực tham gia hoạt động, xây dựng cơ sở cách mạng tại Thái Lan, Cao Bằng (Việt Nam) và khu vực dọc biên giới Việt-Trung. Nhiều lần bị chính quyền địch bắt, giam giữ, tra tấn, khảo cung, song đồng chí Trần Văn Kỳ vẫn giữ vững ý chí trung kiên của người chiến sĩ cộng sản.
Mùa thu năm 1940, đồng chí Trần Văn Kỳ sang Tĩnh Tây (Trung Quốc) tìm bắt liên lạc với cấp trên và tranh thủ học quân sự; tại đây, đồng chí đã gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Người đặt cho bí danh là Hoàng Sâm. Cuối năm 1941, đội du kích đầu tiên của Cao Bằng được thành lập ở Pác Bó, Hoàng Sâm được cử làm Đội phó, đến giữa năm 1942 được cử làm Đội trưởng. Với sự khôn khéo, kiên quyết, dũng cảm và uy tín của cá nhân, ông đã hạn chế được sự phá phách, lộng hành của các toán phỉ, bảo vệ đồng bào, bảo vệ khu căn cứ cách mạng. Từ giữa năm 1943, phong trào cách mạng phát triển, nhiều tổ xung phong Nam tiến được thành lập, đồng chí Hoàng Sâm được giao nhiệm vụ tổ chức Đội bảo vệ xung phong Nam tiến.
|
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, Hoàng Sâm được lãnh tụ Hồ Chí Minh tin tưởng, cử làm Đội trưởng. Đồng chí chỉ huy Đội tiến hành các trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần (lần thứ nhất), Đồng Mu, Nà Ngần (lần thứ hai), để lại dấu ấn tên tuổi của người Đội trưởng Hoàng Sâm với chiến công đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Hoàng Sâm tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Khu giải phóng, chỉ huy đánh Nhật.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Hoàng Sâm được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng: Khu trưởng Chiến khu 2, Chỉ huy trưởng Mặt trận Tây tiến, Tư lệnh Liên khu 3. Trong đợt phong quân hàm cấp tướng đợt đầu tiên (năm 1948), đồng chí vinh dự được phong Thiếu tướng. Từ năm 1951-1954, đồng chí Hoàng Sâm làm phái viên Bộ Tổng Tư lệnh, Tư lệnh Liên khu 3, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, Chỉ huy trưởng Mặt trận Trung Lào, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Hoàng Sâm tiếp tục đảm nhiệm các cương vị Tư lệnh Quân khu Tả ngạn, Quân khu 3, Quân khu Hữu ngạn, Quân khu Trị-Thiên. Những năm 1960-1962, đồng chí được cử làm Đoàn phó Đoàn Chuyên gia quân sự 959 giúp cách mạng Lào. Tháng 5/1968 đồng chí được cử làm Tư lệnh Mặt trận Trị-Thiên. Khi tài năng quân sự đang ở độ chín và hứa hẹn nhiều chiến tích, đồng chí đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Trị-Thiên năm 1969. Đây là một tổn thất lớn đối với Đảng, Quân đội và nhân dân ta.
Hơn 40 năm hoạt động cách mạng, Thiếu tướng Hoàng Sâm đã đảm nhiệm nhiều cương vị chỉ huy, trên nhiều chiến trường khác nhau và trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, đồng chí Thiếu tướng Hoàng Sâm luôn thể hiện phẩm chất sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng, một người chỉ huy tài năng, người cán bộ cần mẫn, tận tụy với công việc, hết lòng, hết sức đem trí lực, tài lực của mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ Quân đội phục vụ nhân dân.
Những đóng góp quan trọng và to lớn của đồng chí đã góp phần làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam và quê hương Quảng Bình. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình luôn tự hào về đồng chí Hoàng Sâm, người chiến sĩ cộng sản kiên trung trọn cuộc đời phấn đấu, hy sinh vì nước vì dân. Cuộc đời của Thiếu tướng Hoàng Sâm là tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung học tập và noi theo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Kính thưa quý vị đại biểu,
Phát huy truyền thống hào hùng của các thế hệ cha ông, tinh thần cách mạng kiên trung của Thiếu tướng Hoàng Sâm, truyền thống của quê hương “Hai giỏi”, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình đã đoàn kết, nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, tích cực xây dựng và phát triển quê hương. Đến nay, Quảng Bình đã đạt được nhiều thành quả tích cực trên tất cả các mặt và có những bước tiến quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Hội thảo khoa học ngày hôm nay là dịp để khẳng định và tôn vinh những cống hiến của Thiếu tướng Hoàng Sâm đối với cách mạng Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam-Người Cộng sản kiên trung, nhà chỉ huy quân sự tài năng, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đồng thời, góp phần bồi đắp, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nâng cao lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; tiếp thêm sức mạnh, động lực cho toàn Đảng bộ và nhân dân quyết tâm, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với ý nghĩa đó, tôi xin tuyên bố khai mạc hội thảo khoa học “Thiếu tướng Hoàng Sâm-Người Cộng sản kiên trung, nhà chỉ huy quân sự tài năng, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình”.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình, tôi xin trân trọng cảm ơn Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với tỉnh Quảng Bình để tổ chức hội thảo trọng thể hôm nay. Trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các quý vị đại biểu đã đóng góp cho hội thảo các công trình nghiên cứu, các bài tham luận có ý nghĩa hết sức sâu sắc về lý luận và thực tiễn.
Một lần nữa, xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương, của tỉnh; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố; quý vị đại biểu, các nhà khoa học và đại diện gia đình đồng chí Thiếu tướng Hoàng Sâm, cùng toàn thể các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc.
Chúc hội thảo thành công tốt đẹp.
Trân trọng cảm ơn.
(*) Tiêu đề được rút ý từ bài phát biểu