(QBĐT) - Dọc dài theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, hàng chục năm qua, bằng những việc làm cụ thể, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín tại các bản làng biên giới đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc biên cương. Họ được ví như những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền, bảo vệ bình yên nơi biên giới Tổ quốc.
Hơn 20 năm nay, ông Hồ Bang, dân tộc Bru-Vân Kiều, người có uy tín ở bản Dốc Mây, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) tình nguyện chăm nom, bảo vệ cột mốc quốc giới 552. Ngoài những lần đi tuần tra biên giới cùng bộ đội Biên phòng (BĐBP), hàng tháng, ông Bang lại một mình “cơm đùm gạo bới” đi bộ hơn 5km từ bản lên thăm cột mốc 552.
Cùng với việc phát quang cây cỏ xung quanh cột mốc, ông Hồ Bang kiểm tra tỉ mỉ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu khác thường ở đường biên, cột mốc nhằm báo cáo ngay cho Đồn BP Làng Mô. Không chỉ tự nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc, ông còn tích cực tuyên truyền cho bà con dân bản Dốc Mây về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, cột mốc biên cương.
Ở xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch), nhiều năm qua, anh Đinh Tiếng (SN 1982, người dân tộc Ma Coong), Trưởng bản A Ky được biết đến là một thành viên tích cực trong những chuyến tuần tra, bảo vệ biên giới của BĐBP. Không kể thời tiết nắng nóng hay mưa bão, hễ có “lệnh” là anh lại lên đường.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Tiếng không giấu được niềm vinh dự, tự hào vì mình đã được đặt chân lên khắp các tuyến đường biên và chạm tay vào hầu hết cột mốc quốc giới trên địa bàn. Đinh Tiếng bảo, công việc trong mỗi chuyến tuần tra cột mốc của anh là phát quang cỏ dại, sơn vẽ lại chính xác thông tin trên cây cột mốc quốc gia và ghi chép những điều bất thường về báo cáo cơ quan chức năng. Không kể hết nỗi vất vả vì cảnh trèo đèo lội suối, có khi chân tay phải bám vào vách núi đá dựng đứng đến tứa máu để bò lên. Nhưng khi lên đến nơi, đặt tay lên cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc, mọi mệt nhọc đều tan biến.
|
Không chỉ tự nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc, mỗi lần có cuộc họp dân bản, anh lại tuyên truyền để dân bản hiểu được tầm quan trọng và cùng nhau bảo vệ, chăm sóc cột mốc. Ngoài ra, hàng ngày, khi tiếp xúc với bà con, anh cũng không quên nhắc nhở mọi người mỗi lần lên rừng, đi qua đường biên, cột mốc là phải quan sát tình hình ngoại biên, nội biên, nếu thấy có gì khác thường thì phải báo cáo kịp thời cho BĐBP và chính quyền địa phương.
Với Đinh Tiếng, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc là góp phần bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh biên giới và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt-Lào, vì thế, đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào, hạnh phúc.
Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa (Minh Hóa) Hồ Thị Thoi cho biết: Với đặc thù địa bàn có đường biên giới dài, hiểm trở, thời gian qua, địa phương đã phối hợp với Đồn BP Ra Mai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín trong việc quản lý, bảo vệ đường biên cột mốc.
“Đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín là lực lượng tiên phong trong việc truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con. Đặc biệt, sau khi được tham gia hội nghị tuyên truyền về biên giới đất liền do Sở Ngoại vụ tổ chức, các già làng, trưởng bản và người có uy tín trên địa bàn xã đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, tích cực vận động con cháu, dòng họ và bà con nhân dân trong bản, làng tham gia các đội tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc”, bà Hồ Thị Thoi cho hay.
Tỉnh Quảng Bình có đường biên giới đất liền dài hơn 222km, tiếp giáp với hai tỉnh Khăm Muồn và Sạ-vẳn-na-khệt (Lào). Hiện 9/9 xã biên giới đất liền của tỉnh đã có 87 già làng, trưởng bản, người có uy tín tự nguyện đăng ký bảo vệ đường biên, mốc giới, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.
Những năm qua, cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đội ngũ này còn tích cực tham gia cùng lực lượng BĐBP tổ chức hàng nghìn lượt tuần tra, kiểm soát, phát quang đường biên, bảo vệ mốc giới; cung cấp hàng trăm lượt thông tin, trong đó nhiều thông tin giá trị, giúp BĐBP kịp thời phá nhiều vụ án lớn, góp phần giữ gìn ổn định an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội cho vùng biên giới của Tổ quốc.
Nhiều già làng, người có uy tín dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu nhưng chính tiếng nói và sự đi đầu của các già làng, trưởng bản, người có uy tín nơi biên giới đã giúp cho những vùng biên cương của Tổ quốc thêm vững vàng.
Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Thanh Xuân: Công tác biên giới lãnh thổ quốc gia từ trước đến nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhất quán quan điểm xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia gắn liền với công tác phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, trong đó, công tác tuyên truyền được xác định là công tác đi đầu và xuyên suốt. Hàng năm, Sở Ngoại vụ-cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh phối hợp với Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) tổ chức các hội nghị tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về biên giới đất liền cho cán bộ, chiến sĩ, già làng, trưởng bản, người có uy tín tại các địa bàn biên giới của tỉnh. |
Phan Phương