Sign In

Một số kết quả thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 03/6/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

00:00 10/12/2024
Ngày 03/6/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Những năm qua, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp tích cực các sở, ban, ngành và sự đồng thuận, đồng hành của các tầng lớp nhân dân, nên việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Chương trình GDPT 2018) trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo lộ trình quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo môi trường giáo dục tích cực, sáng tạo, đồng bộ và hiệu quả.

Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 834/QĐ-UBND ngày 08/3/2019 về việc thành lập Ban chỉ đạo đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Kế hoạch số 1207/KH-UBND ngày 25/6/2019 về việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới; Kế hoạch số 1309/KH-UBND ngày 09/8/2019 về việc tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới; Quyết định về việc thành lập các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh... Căn cứ Chương trình GDPT 2018 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tỉnh ủy, của Ủy ban nhân dân tỉnh, hằng năm Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn; tổ chức quán triệt nghiêm túc, đầy đủ Chương trình GDPT 2018 trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Hằng năm, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc đề xuất lựa chọn và lựa chọn sách giáo khoa theo quy định. 172 cơ sở giáo dục phổ thông cấp THCS và 31 cơ sở giáo dục phổ thông cấp THPT (100%) tham gia đề xuất lựa chọn; tôn trọng ý kiến của giáo viên, của các tổ chuyên môn trong quyết định lựa chọn sách giáo khoa. Danh mục sách giáo khoa được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kịp thời, đáp ứng yêu cầu của người dạy và người học; được các nhà xuất bản chuyển đến từng đơn vị trước khi bước vào năm học mới. Từ năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì tham mưu, biên soạn Chương trình Giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 12, giúp học sinh tiếp cận truyền thống lịch sử, văn hóa vùng đất và con người Quảng Bình, góp phần bồi đắp cho thế hệ trẻ lòng yêu quê hương, đất nước, tự hào và trân trọng những đóng góp của thế hệ trước; có tinh thần, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống địa phương.

Mạng lưới trường, lớp được sắp xếp lại cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018. Hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có trường cho các học sinh THCS học tập; mỗi huyện đều có từ 3 đến 5 trường, 01 trung tâm GDNN-GDTX cho học sinh và học viên THPT học tập. Toàn tỉnh có 2.479 phòng học (khối các phòng GDĐT có 1.589 phòng; khối các trường trực thuộc Sở có 822 phòng; khối các trung tâm có 68 phòng), đạt tỷ lệ 1,02 phòng/lớp. Có 1.040 phòng bộ môn, phòng thí nghiệm/thực hành (khối các phòng GDĐT có 820 phòng; khối các trường trực thuộc Sở có 212 phòng; khối các trung tâm có 08 phòng); một số cơ sở giáo dục phổ thông có đủ phòng học để bố trí riêng cho mỗi lớp 1 phòng như các Phòng Giáo dục và Đào tạo Minh Hóa, Tuyên Hóa, Đồng Hới; các Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Đồng Hới, Minh Hóa, Lê Trực, Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, các Trường THCS và THPT Hóa Tiến, Bắc Sơn, Việt Trung... Nhiều cơ sở giáo dục thông qua các nguồn vốn khác nhau đã chủ động, ưu tiên kinh phí đầu tư, mua sắm tăng trưởng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tu sửa, trang trí phòng học, mua sắm bàn ghế, tivi, máy tính, lắp đặt, nâng cấp mạng wifi phục vụ dạy và học, quy định chặt chẽ việc sử dụng thiết bị đối với giáo viên thực hiện chương trình.

Căn cứ kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; chỉ đạo, hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy liên môn; rà soát, đánh giá, sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhân viên gắn với tinh giản biên chế, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018. Các cơ sở giáo dục đã cử giáo viên tham gia đầy đủ các đợt tập huấn, bồi dưỡng do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường Đại học Quảng Bình tổ chức bồi dưỡng cho 837 giáo viên (450 giáo viên môn Khoa học tự nhiên; 350 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý; 37 giáo viên Hoạt động trải nghiệm) cấp THCS giảng dạy môn tích hợp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; triển khai công tác hỗ trợ bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS ở huyện Minh Hóa đối với các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Đến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS, THPT được tập huấn, bồi dưỡng các môdun và thay sách giáo khoa theo quy định, hoàn thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo kế hoạch. Thực hiện tuyển chọn 87/110 chỉ tiêu hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung cho các đơn vị nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục.

Việc xây dựng tổ hợp môn học và bố trí học sinh vào các tổ hợp môn học được các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai theo đúng hướng dẫn. Các cơ sở giáo dục phổ thông đã linh hoạt trong việc xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn vừa đảm bảo phù hợp với tình hình đội ngũ, tình hình cơ sở vật chất vừa đáp ứng tối đa nhu cầu của học sinh (trung bình mỗi đơn vị xây dựng 5 tổ hợp môn học lựa chọn). Đơn vị có nhiều tổ hợp môn học lựa chọn nhất là 9 tổ hợp (Trường THPT Lê Quý Đôn), đơn vị có ít tổ hợp nhất là 2 tổ hợp (Trường THPT Trần Hưng Đạo). Một số môn học lựa chọn có nhiều học sinh tham gia như Vật lý, Hóa học; các môn học như Âm nhạc, Mĩ thuật học sinh ít đăng kí tham gia. Việc tổ chức cho học sinh đăng kí và việc sắp xếp, bố trí học sinh vào các tổ hợp môn học được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch. Căn cứ các tiêu chí, các trường tổ chức tư vấn cho học sinh trước khi đăng kí các môn học lựa chọn, có sự đồng ý của phụ huynh học sinh thông qua phiếu đăng kí.

Các cơ sở giáo dục đã tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục và kế hoạch bài dạy theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, các quy định về chuyên môn của cơ quan quản lý giáo dục; bố trí thời gian thực hiện chương trình đảm bảo tính khoa học, sư phạm; kết thúc chương trình đúng theo quy định của UBND tỉnh. Quan tâm đổi mới phương pháp dạy học; chú trọng sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn; tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện từng bước cấu trúc nội dung, kế hoạch bài dạy các môn học. Đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thông qua hoạt động giao lưu giữa các nhà trường, cụm trường; xây dựng và triển khai chuyên đề Tiết dạy sáng tạo nhằm lan toả cách dạy mới, dạy hay trong đội ngũ; chú trọng công tác giáo dục và rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh. Tổ chức các buổi Hội thảo về phương pháp dạy học Chương trình GDPT 2018 cho cán bộ, giáo viên của 10 môn học/hoạt động giáo dục.

Việc đánh giá học sinh đã được các cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá đúng yêu cầu cần đạt của chương trình; không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung tinh giản. Thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy chế ở khâu ra đề, khâu coi kiểm tra, chấm kiểm tra. Đồng thời, đảm bảo công bằng, trung thực và khách quan trong việc đánh giá học sinh theo hướng chú trọng phẩm chất và năng lực của học sinh. Tất cả các bài kiểm tra đánh giá định kì đều được xây dựng trên ma trận và bản đặc tả.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU, Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Một số trường có quy mô nhỏ nhưng không thể sáp nhập do ở địa bàn khó khăn, khoảng cách giữa các trường xa, không thuận lợi cho học sinh. Toàn tỉnh hiện thiếu 392 phòng học bộ môn, phòng thực hành; cơ sở vật chất tại các trung tâm GDNN-GDTX chưa thực sự đảm bảo. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học tại các trường thuộc vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; một số đơn vị phòng học đã xuống cấp, thiếu kinh phí sửa chữa; thiếu sân để học Giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng. Đội ngũ giáo viên còn thiếu ở nhiều môn (các trung tâm GDNN-GDTX) và ở một số môn học mới (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí ở cấp THCS; Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp THPT; Hoạt động trải nghiệm); chưa có đủ giáo viên để bố trí dạy môn Khoa học tự nhiên theo tuyến tính, ảnh hưởng đến hiệu quả môn học. Việc xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn ở một số đơn vị chưa đáp ứng nhu cầu của học sinh. Nhiều học sinh và phụ huynh còn lúng túng khi lựa chọn các môn học do lần đầu tiếp cận với Chương trình GDPT 2018 giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Năm học 2024 - 2025 là năm học Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018, xác định chủ đề năm học “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, Ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình đang tăng cường công tác truyền thông tạo sự đồng thuận, đồng hành của toàn xã hội trong quá trình triển khai; tiếp tục chỉ đạo công tác xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục, chú ý thực hiện nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; xây dựng các tổ hợp môn học. Rà soát, bố trí sắp xếp đội ngũ hợp lý. Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh đảm bảo yêu cầu của Chương trình giáo dục 2018. Tích cực tham mưu với chính quyền các cấp trong việc xây dựng các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, thiết bị dạy học nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018.

Lan Hương

 

 

Tag:

File đính kèm