Sign In

Một số kinh nghiệm sau 05 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

16:56 30/07/2024
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên khoảng 3.845 km2, có 9 xã biên giới, với hơn 222 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, tính đến cuối năm 2023 có 6.759 hộ với 28.284 nhân khẩu. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới cơ bản ổn định, không có các vấn đề, vụ việc phức tạp phát sinh.

Thời gian qua, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, cấp ủy, chính quyền đã có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác dân tộc, chú trọng triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong phát triển kinh tế, giảm nghèo; quan tâm phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá; phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số và công tác quản lý nhà nước về dân tộc.

Kết quả triển khai thực hiện

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 02 nghị quyết liên quan đến công tác dân tộc. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo chủ trương về đổi mới, nâng cao hiệu quả mô hình “Dân vận khéo” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp theo chức năng, nhiệm vụ đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc.

Tổng số kinh phí thực hiện các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số đạt trên 1.200 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng thiết yếu được đầu tư, xây dựng khá đồng bộ, có 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 100% xã có điện lưới quốc gia; có 93,33% trạm y tế xã đạt chuẩn tiêu chí của ngành. Việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được chú trọng. Giai đoạn 2020 - 2023 có 3.667 người được đào tạo nghề. Tỉnh đã tiếp nhận nguồn tài trợ của 14 chương trình, dự án với tổng kinh phí 556.460 triệu đồng tài trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở vùng dân tộc thiểu số, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Đối với sản xuất nông lâm nghiệp, thông qua “Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, các ngành chức năng đã triển khai nhiều nội dung, như: Hỗ trợ bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ; khoán bảo vệ rừng, trợ cấp gạo cho các hộ tham gia bảo vệ rừng; trồng rừng phòng hộ; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ việc tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu trên toàn quốc.

Trong quá trình xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương, đơn vị đã hỗ trợ xây dựng 30 mô hình sinh kế theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của từng bản. Nhiều mặt hàng nông, lâm, thổ sản của các địa bàn dân tộc thiểu số được giới thiệu, quảng bá và bao tiêu sản phẩm, như: Mật ong các xã miền núi của huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy; gà thả vườn, thịt dê, trâu, bò, sản phẩm đan lát của đồng bào Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh; các sản phẩm rừng trồng,.. ở nhiều địa bàn miền núi,...

Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh
thăm, động viên các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bố Trạch

Trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, tỷ lệ học sinh đến trường đạt 97,4% cấp mầm non, 100% cấp tiểu học, 99,54% cấp trung học và 51,2% cấp trung học phổ thông; có 396 học sinh, sinh viên học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; có 73,33% trạm y tế có bác sỹ; hằng năm 100% đồng bào được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hằng năm có gần 70% hộ gia đình văn hóa,.... Đến nay có 05/15 xã đã đạt tiêu chí của ngành văn hóa và thể thao theo quy định về xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, có gần 65% hộ gia đình dân tộc thiểu số đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng dân gian tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số được chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị góp phần phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ như “Lễ hội đập trống” của người Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch; “Lễ hội trỉa lúa” của người Bru - Vân Kiều, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh; “Lễ hội mừng cơm mới” của người Bru - Vân Kiều, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy,...

Các cấp, các ngành đã kịp thời quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 21/3/2023 về tăng cường lãnh đạo công tác biên phòng và xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh và đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới gắn với thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả “Ngày hội biên phòng toàn dân”, gắn với thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Các lực lượng trực thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp công tác, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đã hỗ trợ nhà ở cho 351 hộ, đất ở cho 55 hộ, đất sản xuất cho 16 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 858 hộ; xây dựng 16 công trình nước sinh hoạt. Hỗ trợ khảo sát vị trí, điểm phục vụ quy hoạch, lập thẩm định phê duyệt dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư 11 điểm; đầu tư xây dựng hạ tầng 30 công trình, lập 01 khu định canh, định cư cho 17 hộ; hỗ trợ 4 hộ diện sắp xếp định cư. Đến nay, đã đầu tư xây dựng 28 công trình hạ tầng thiết yếu; đầu tư sửa chữa 06 trường phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa tại các bản. Đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 31 công trình tại các bản tập trung đông đồng bào có khó khăn đặc thù (dân tộc Chứt),...

Qua thực tiễn 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một, thực hiện nghiêm túc, toàn diện, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết về công tác dân tộc; nắm chắc và dự báo chính xác tình hình, giải quyết các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, không để xuất điểm nóng, điểm phức tạp.

Hai, thường xuyên quan tâm đến những vấn đề sát thực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là chăm lo phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng; tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức, ý thức thoát nghèo và thay đổi một số tập tục lạc hậu ở vùng dân tộc thiểu số.

Ba, quyết liệt chỉ đạo công tác dân tộc bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp với từng địa bàn. Phân công, bố trí đội ngũ cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang (nhất là lực lượng các đồn biên phòng) tâm huyết, có kinh nghiệm, uy tín phụ trách các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn, khu vực biên giới, làm nòng cốt trong công tác vận động Nhân dân.

Bốn, quan tâm củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là ở cơ sở trong công tác vận động Nhân dân ở vùng dân tộc thiểu số. Thường xuyên xây dựng, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Năm, thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc.

Thái Hưng 

 

 

Tag:

File đính kèm