Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp xác định việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đưa vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm; chủ động lựa chọn nội dung, đối tượng góp ý gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, hướng vào những vấn đề được đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân quan tâm.
Để triển khai công tác góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể đã chú trọng việc nắm bắt, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và Nhân dân thông qua nhiều kênh thông tin, nhiều hoạt động khác nhau. Tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; tham gia Hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; thông qua hoạt động giám sát chuyên đề, phối hợp tham gia giám sát với các cơ quan, ban, ngành, giám sát của Thanh tra nhân dân,...
Về nội dung góp ý, đối với cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiến hành góp ý vào dự thảo các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, như: Dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp; dự thảo các bộ Luật; dự thảo các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, góp ý về việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị… Từ năm 2014 đến nay, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã thực hiện 5.131 cuộc góp ý đối với tổ chức đảng, 9.667 cuộc góp ý đối với tham gia xây dựng các cấp chính quyền(1).
Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tiến hành góp ý việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với Nhân dân. Từ năm 2014 đến nay, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân đã thực hiện 3.611 cuộc góp ý đối với đảng viên, trong đó: Góp ý định kỳ 1.756 cuộc; góp ý thường xuyên 1.475 cuộc; góp ý đột xuất 380 cuộc(2).
Về phương pháp góp ý, đã thực hiện việc góp ý định kỳ, thường xuyên, đột xuất với cấp ủy, chính quyền nghiêm túc, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Trong đó, chủ yếu là tham gia trực tiếp vào dự thảo các văn bản; thông qua hòm thư góp ý được đặt công khai tại trụ sở các cơ quan Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội; thông qua việc tổng hợp ý kiến cử tri của Mặt trận Tổ quốc các cấp để báo cáo trực tiếp tại các kỳ họp thường kỳ của cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp. Đặc biệt là việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ngày càng được chú trọng, là một trong những phương thức huy động sự tham gia tích cực của đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.529 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với Nhân dân, 1.460 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với Nhân dân(3). Thông qua đối thoại, cấp ủy, chính quyền đã kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, tuyên truyền, giải thích các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cho Nhân dân nắm, hiểu và đồng thuận trong tổ chức thực hiện, góp phần ổn định tình hình ở cơ sở, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhìn chung, việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy được trí tuệ, tâm huyết của các chuyên gia, trí thức, các cá nhân tiêu biểu. Các ý kiến tham gia góp ý sát thực, có tính khả thi, được cấp ủy, chính quyền đồng tình cao, từ đó kịp thời chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng có liên quan giải quyết, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, phát huy dân chủ và tạo sự đồng thuận trong xã hội để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Việc phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp cơ sở trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo quy định có mặt chưa sâu sát, một số nội dung góp ý còn chung chung, chất lượng chưa cao. Một số đề xuất, kiến nghị của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi chưa được cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết và phản hồi thỏa đáng…
Từ tình hình thực tiễn trên đây, để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, bảo đảm hiệu quả thực chất việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ cần quan tâm thực hiện một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai của cấp ủy, chính quyền, gắn với phổ biến, quán triệt, triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thứ hai, tăng cường phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy định; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân; kịp thời tiếp thu, giải quyết và phản hồi những kiến nghị, góp ý của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân.
Thứ ba, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề trọng tâm, trọng điểm, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và Nhân dân để tham gia góp ý. Đồng thời, tăng cường nắm tình hình, tiếp thu ý kiến của đoàn viên, hội viên và Nhân dân để đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền cùng cấp quan tâm xử lý, giải quyết; giám sát chặt chẽ việc tiếp thu, phản hồi kết quả đóng góp ý kiến của các cấp ủy, chính quyền.
Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Chú thích:
(1). Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình: Báo cáo số 276-BC/TU ngày 28/6/2023 về tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tr.11.
(2). Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình: Báo cáo số 276-BC/TU ngày 28/6/2023 về tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền; tr.7.
(3). Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình: Báo cáo số 276-BC/TU ngày 28/6/2023 về tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tr.6.
GT