Sign In

Lệ Thủy nỗ lực đưa nghị quyết đại hội đảng vào cuộc sống

15:15 20/09/2023
Bằng quyết tâm chính trị cao, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khá đồng bộ các chỉ tiêu và khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Đó chính là thành quả của sự tập trung trí và lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân để nghị quyết đại hội đảng các cấp từng bước đi vào cuộc sống.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, kinh tế Lệ Thủy duy trì tốc độ tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nguồn lực đầu tư phát triển tiếp tục được huy động có hiệu quả; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH), nhất là hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư nâng cấp, tạo sự chuyển biến khá rõ nét; diện mạo nông thôn, đô thị của huyện có nhiều đổi mới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 trên địa bàn Lệ Thủy ước đạt 63,5 triệu đồng. Thu ngân sách Nhà nước (từ năm 2020 - 2022) đều đạt và vượt kế hoạch giao; năm 2023 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 217,740 tỷ đồng. Dự tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) toàn huyện là 83,3%, 08 khu dân cư NTM kiểu mẫu. Toàn huyện đạt 396 tiêu chí, bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã, không có xã dưới 05 tiêu chí; chú trọng chỉ đạo xây dựng bản đạt chuẩn NTM. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2023 ước đạt 70%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; hàng năm giải quyết việc làm bình quân cho 4.700 lao động, trong đó thông qua xuất khẩu lao động hơn 330 người. Đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 5,46%, dự kiến đến cuối năm tỷ lệ hộ nghèo còn lại 4,46%.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, an sinh xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, triển khai toàn diện, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, có sự chuyển biến rõ nét trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, về kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, dân vận và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Hằng năm, trên 93% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Trong gần 3 năm, toàn Đảng bộ huyện kết nạp được 528 đảng viên mới, trong đó đảng viên nữ 284 đồng chí, chiếm 53,7%; đảng viên là người dân tộc thiểu số 19 đồng chí, chiếm 3,5%; đảng viên là đoàn viên thanh niên 310 đồng chí, chiếm 58,7%.

Để đạt được kết quả đó, Huyện ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh cũng như quy chế làm việc, chương trình công tác toàn khóa và hằng năm để lãnh đạo, chỉ đạo và kịp thời ban hành chỉ thị, nghị quyết chuyên đề nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện và xác định nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, việc khó, khâu khó tập trung tháo gỡ thúc đẩy KT-XH phát triển. Cùng với đó, huyện Lệ Thủy chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sự quản lí, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong huyện theo hướng quyết liệt, hiệu quả, sâu sát cơ sở.

Xác định việc rà soát, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển KT-XH là một trong những bước đột phá quan trọng cần tập trung thực hiện nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện Lệ Thủy đã tổ chức rà soát, lập quy hoạch, hoàn thành 02 đồ án quy hoạch phân khu, 13 đồ án quy hoạch chung xây dựng các xã, 34 đồ án quy hoạch chi tiết tạo cơ sở cho công tác quản lý quy hoạch và kêu gọi đầu tư. Đồng thời, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung đô thị Kiến Giang đến năm 2035 đảm bảo phù hợp để thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn. Việc huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, đô thị cũng được địa phương chú trọng thực hiện. Đặc biệt, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến giao thông đường bộ trọng điểm tạo kết nối các vùng như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, cầu Lộc Thủy - An Thủy, đường nối từ Quốc lộ 1A đến Quảng trường biển xã Ngư Thủy Bắc… Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu từng bước được đầu tư, nâng cấp đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phát triển KT-XH, văn hóa trên địa bàn.

Thị trấn Kiến Giang - Trung tâm hành chính, văn hóa, xã hội,
kinh tế của huyện Lệ Thủy

Song song với đó, huyện Lệ Thủy tập trung thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến nay, huyện đã triển khai thực hiện 09 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; đến cuối năm 2023 dự ước có 34 sản phẩm OCOP. Ngoài ra, huyện đã tập trung chuyển đổi giống lúa theo hướng chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường, mở rộng diện tích cánh đồng lớn 3.837ha. Phát triển trồng rừng kết hợp với trang trại, gia trại. Chú trọng trồng rừng gỗ lớn và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng trồng; diện tích rừng trồng gỗ lớn 650ha, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC là 850ha. Nâng cao hiệu quả đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, thành lập 02 tổ đồng quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc.

Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ từng bước phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số được tập trung thực hiện. Đồng thời, huyện cũng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Huyện ủy Lệ Thủy xác định tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tạo điểm nhấn riêng trong công tác xây dựng Đảng cũng như lãnh đạo phát triển KT-XH và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng; chú trọng sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hướng hữu cơ sản phẩm sạch.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, du lịch; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tập trung huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, phát triển đô thị. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai.

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với chiến lược phát triển KT-XH địa phương. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, dạy nghề và phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của Nhân dân. Phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể theo hướng thiết thực, sát cơ sở. Xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.     

H.T.K

Tag:

File đính kèm