Sign In

Quảng Bình tập trung phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế

15:49 02/11/2023
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 10-NQ/TW) đã xác định: “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”. “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ”.

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 24/10/2017 thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, với mục tiêu:

* Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất - kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến hết năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 7.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có một số doanh nghiệp lớn, nguồn lực mạnh; đến năm 2025 có hơn 11.000 doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 15.000 doanh nghiệp.

* Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP để đến năm 2020 đạt khoảng 49-50% GRDP, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60-65%.

*Bình quân giai đoạn 2016-2025, năng suất lao động tăng khoảng 10-12%/năm.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Chương trình hành động số 14-CTr/TU, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8.436 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký hơn 112.572 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP năm 2020 chiếm 68,26%; năng suất lao động tăng khoảng 10-12% (đạt mục tiêu đề ra).

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự lễ khai trương khu nghĩ dưỡng Bang Onsen Spa & Rerort
của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy

Để đạt được kết quả nêu trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp: 

1. Thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân: Đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 10-NQ/TW và Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 24/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Chương trình hành động số 14) thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành liên quan, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 10-NQ/TW, Chương trình hành động số 14-CTr/TU, Kế hoạch số 2399/KH-UBND ngày 25/12/2017 của UBND tỉnh, qua đó tạo sự chuyển biến trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp và quần chúng nhân dân về phát triển kinh tế tư nhân.

2. Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển kinh tế tư nhân của địa phương; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường; mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng: Kịp thời ban hành các kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19/2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tổ chức Hội nghị đánh giá các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh như PCI, Par Index, PAPI, SIPAS để có các giải pháp cải thiện, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Triển khai có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, du lịch. Các công trình hạ tầng kinh tế, kỹ thuật quan trọng về giao thông, thủy lợi, điện; hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp được quan tâm chỉ đạo và ưu tiên đầu tư. Tỉnh cũng tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực cho khu vực tư nhân, cụ thể như tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo, chính sách tiền tệ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đẩy mạnh huy động vốn và cho vay phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2022, tổng số vốn huy động ước đạt 68.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay ước đạt 68.000 tỷ đồng.

3. Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động của địa phương: Định kỳ hàng quý, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, nhà đầu tư, qua đó ghi nhận các ý kiến phản ánh, góp ý, đề xuất, kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp. Sau hội nghị, UBND tỉnh đã giao các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời giải quyết, trả lời kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh trong và ngoài nước.

Tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hỗ trợ ưu đãi đầu tư theo chính sách của tỉnh đã ban hành tại Nghị quyết số 19/2017/QĐ-HĐND quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Chỉ đạo tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học, kỹ thuật thông qua việc triển khai các Chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ. Kết quả, đã hỗ trợ cho 44 đơn vị về thực hiện bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng và đổi mới thiết bị công nghệ.

4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân: Tiếp tục xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát triển đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, có tư tưởng chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao; nâng cao năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật, cơ chế, chính sách, kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và đẩy mạnh hoạt động ứng dụng các hệ thống phần mềm dùng chung trên quy mô toàn tỉnh, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng được quan tâm đầu tư, đặc biệt là nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp được nâng cao thông qua công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các khóa tập huấn do các sở, ngành và địa phương tổ chức. Các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh đã đầu tư khá bài bản để ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất kinh doanh và đạt kết quả cao.

5. Đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp đối với kinh tế tư nhân: Tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng cường đổi mới mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng tại khu vực kinh tế tư nhân. Tập trung vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên; nâng cao hiệu quả và vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tổ chức đảng trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thành lập các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế theo đúng quy định tại Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 98/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ quy định việc thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các văn bản quy định của pháp luật.

Có thể nói, thế giới đang trải qua một thời kỳ có nhiều biến động nhanh chóng và khó lường. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh,... gây ra tình hình phức tạp tại nhiều khu vực và nhiều nước. Xung đột dân tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, chiến tranh cục bộ, chiến tranh kinh tế, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, tài nguyên… diễn ra dưới những hình thức mới, gay gắt hơn. Trong nước, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, tín dụng thắt chặt, thị trường bất động sản trầm lắng, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến hầu hết các thành phần kinh tế nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng. Trước tình hình đó, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Điều đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường hơn nữa sự chung tay, đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức, gặt hái nhiều thành công để góp phần xây dựng Quảng Bình ngày càng phát triển.

H.L

Tag:

File đính kèm