Sign In

Khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương

10:55 27/12/2023
Quảng Bình là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 8.065 km2; dân số trên 91 vạn người. Tỉnh có 8 đơn vị hành chính, gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện (có 1 huyện miền núi và 1 huyện miền núi rẻo cao), với 151 xã, phường, thị trấn; 1.142 thôn, bản, tổ dân phố; 13 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy với 566 tổ chức cơ sở đảng, gần 77.000 đảng viên. Tỉnh có 02 dân tộc thiểu số chính là dân tộc Bru - Vân Kiều và Chứt, với trên 15.737 hộ, 62.887 người, sinh sống ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy.

 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, quán triệt tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Kết luận số 57-KL/TW ngày 03/11/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh. Trước hết, đã chú trọng xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch để triển khai kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, chủ động ban hành các nghị quyết, chỉ thị chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, tầng lớp Nhân dân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng, như: Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nghị quyết về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, giai đoạn 2020 - 2025; Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển đoàn viên và tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030; Chỉ thị về tăng cường xây dựng và phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh…

 Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã xây dựng các chương trình hành động, đề án, kế hoạch thực hiện với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, các chỉ tiêu phù hợp với đặc điểm tình hình, thực tiễn nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các giai cấp, tầng lớp Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị. Đáng chú ý như: Thành ủy Đồng Hới với Đề án“Lãnh đạo thành phố đối thoại với Nhân dân”, “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác thanh niên”; Huyện ủy Tuyên Hóa với Đề án “Lãnh đạo các cấp đối thoại với Nhân dân”,…

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung hướng về cơ sở, phân công đồng chí cấp ủy viên đảm nhiệm theo dõi, phụ trách các địa bàn, nhất là các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, phức tạp; thường xuyên nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, tăng cường đối thoại, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi lên ở cơ sở.

Quang cảnh “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2023
tại liên khu dân cư Hà Lời, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch.

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính quyền, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, đề án về: Giảm nghèo; xoá mái tranh cho hộ nghèo; giải quyết việc làm; phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng có đông tín đồ tôn giáo; phát triển nguồn nhân lực; cải thiện môi trường đầu tư; cải cách hành chính… Đồng thời, quan tâm thực hiện các chính sách chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người cao tuổi; hỗ trợ cho công nhân, lao động nghèo; hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; giáo dục thanh, thiếu niên,…

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy có hiệu quả chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên và Nhân dân; không ngừng củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh. Hiện nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh có 40 tổ chức thành viên, phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai nhiều chương trình, dự án, hỗ trợ sinh kế cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân tại các địa phương, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào tôn giáo; đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, từ đó tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt khác, thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tạo được sự cố kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nổi bật như Cuộc vận động ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo”, đã góp phần phối hợp hỗ trợ làm mới và sửa chữa gần 1.000 căn nhà Đại đoàn kết và các chương trình an sinh xã hội trên 190 tỷ đồng.

Đặc biệt, hằng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh chủ trì phối hợp Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với các hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, chú trọng tổ chức cả phần lễ và phần hội, kết hợp ký giao ước thi đua, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, gia đình, cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; trong xây dựng khu dân cư nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh kiểu mẫu; xây dựng gia đình đạt chuẩn văn hóa; xây dựng, trao tặng nhà “Đại đoàn kết”, tổ chức “Bữa cơm Đại đoàn kết” ở các khu dân cư... Qua đó, góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, tương thân, tương ái trong cộng đồng khu dân cư để cùng phấn đấu, quyết tâm nỗ lực xây dựng và phát triển quê hương.

Với việc chăm lo xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh nội lực, ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh đã đạt được những thành quả có ý nghĩa quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, tạo tiền đề cơ bản để tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 6-7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước; năm 2023 ước đạt 3,5 triệu lượt khách. Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực. Toàn tỉnh hiện có 71,9% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (92 xã), 3,9% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (05 xã). GRDP bình quân đầu người đến năm 2023 ước đạt 60,24 triệu đồng.

Đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo tốt cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo. Đời sống văn hoá ở cơ sở ngày càng văn minh, tiến bộ; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa đạt kết quả tích cực, đến nay, toàn tỉnh có 89,2% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 88,5% thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 81,8% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt. Hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng.

Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị chậm ban hành văn bản triển khai thực hiện các chủ trương của Trung ương và tỉnh về đại đoàn kết; nội dung cụ thể hóa các nội dung nghị quyết, kết luận về đại đoàn kết có nơi còn chung chung. Công tác nắm bắt, phản ánh tình hình đoàn viên, hội viên và Nhân dân có lúc chưa kịp thời.

Để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực thúc đẩy Quảng Bình vươn lên, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, thiết nghĩ cần quan tâm thực hiện một số nội dung công tác sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, chính sách về đại đoàn kết thành cơ chế, chính sách sát thực với điều kiện của của từng địa phương, đơn vị, phục vụ lợi ích thiết thực của các tầng lớp Nhân dân.

Thứ hai, chú trọng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp; phát huy cao độ tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Duy trì nền nếp việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân để kịp thời nắm bắt, giải quyết các đề xuất, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Thứ ba, tập trung khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Quan tâm triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án hỗ trợ, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với giữ gìn, phát huy truyền thống, các giá trị, bản sắc văn hóa, củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh trật tự.

Thứ tư, đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị; xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh kế - xã hội.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; hướng trọng tâm các hoạt động về cơ sở, đảm bảo lợi ích thiết thực cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

GT

 

 

Tag:

File đính kèm