Thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương chủ động bám sát các Chỉ thị, Kế hoạch, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh và hướng dẫn của các Bộ chuyên ngành, phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh và các cơ quan chuyên môn trong tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án đảm bảo tiến độ, yêu cầu đề ra.
Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công ngày càng được nâng lên, đặc biệt là 11/25 và 1/28 dịch vụ công thiết yếu của lực lượng Công an chủ trì, nhiều thủ tục có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 100%. Nổi bật một số lĩnh vực đạt tỷ lệ 100% như: thủ tục làm con dấu mới và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; thông báo lưu trú tại các cơ sở kinh doanh lưu trú. Các dịch vụ có tỷ lệ trên 90% như: Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú.
Đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh, bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã bố trí thiết bị đọc mã QR phục vụ khám, chữa bệnh BHYT sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng VNeID.
Tổ chức triển khai phần mềm quản lý lưu trú ASM tại các cơ sở kinh doanh lưu trú (mô hình số 9), bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh (mô hình số 11) trên địa bàn tỉnh (đã hướng dẫn cấp tài khoản ASM cho 1.273/1.344 cơ sở kinh doanh lưu trú; 36 cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện trên địa bàn tỉnh).
Công an tỉnh quyết tâm hoàn thành 02 nhiệm vụ: đã cấp hơn 1,4 triệu CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện cấp trên địa bàn từ ngày 22/6/2023; vượt chỉ tiêu được giao về tạo lập, đăng ký thành công hơn 760 nghìn tài khoản định danh điện tử.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam tổ chức khánh thành, đưa Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh (DC), Mạng diện rộng (SDWAN) và Trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) vào vận hành, nhằm nâng cấp hạ tầng Trung tâm dữ liệu tỉnh, bảo đảm vận hành thông suốt, đảm bảo an ninh an toàn hệ thống, phục vụ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đảm bảo hạ tầng, đường truyền thông suốt phục vụ cho việc ứng dụng, triển khai Đề án 06, triển khai Chính quyền số và đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các ngành, các địa phương đã tham gia thảo luận, kiến nghị các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án 06 thời gian qua như: tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trong một số lĩnh vực còn thấp. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. Việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh thấp. Khả năng am hiểu, tiếp cận công nghệ thông tin của một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa cao, ngại tiếp cận công nghệ thông tin. Việc triển khai một số mô hình điểm thực hiện Đề án 06 hiệu quả chưa cao, hoặc chưa được triển khai...
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các cấp, các ngành cần xác định, bám sát chủ đề thực hiện năm 2024 là năm “Hoàn thiện hạ tầng công nghệ, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số”, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chậm theo lộ trình Đề án, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ thuộc Đề án 06 và các giải pháp trọng tâm.
Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực hoàn thành việc triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng đối với 25 dịch vụ công thiết yếu và các thủ tục, đảm bảo lộ trình thực hiện và theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương; đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện 43 mô hình theo Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
“Bên cạnh việc tháo gỡ các vướng mắc về kinh phí, chú trọng công tác tuyên truyền, các cấp, các ngành cần quán triệt, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06. Đồng thời phát huy vai trò của Tổ công nghệ cộng đồng trong quá trình triển khai thực hiện” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 3 tập thể và 5 cá nhân; Công an tỉnh tặng giấy khen cho 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 2 năm triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh./.