Thực trạng trong trường học
Trong các vấn đề được hội thảo quan tâm, dành nhiều ý kiến thảo luận có thực trạng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử Đảng cho học sinh trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ về nội dung này, theo ông Phùng Văn Huy - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sở đã tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục lịch sử địa phương cho từng cấp học.
Từ năm học 2020 - 2021 đến nay, sở hướng dẫn việc biên soạn và triển khai giảng dạy tài liệu giáo dục lịch sử địa phương tỉnh Quảng Nam đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11. Trong năm học 2024 - 2025 sẽ tiếp tục biên soạn và triển khai giảng dạy tài liệu giáo dục lịch sử địa phương đối với các khối lớp 5, 9 và 12.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Khắc Thắng cho rằng những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn kiến thức lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử địa phương. Qua đó, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, nâng cao bản lĩnh chính trị, phản bác các quan điểm sai trái và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; góp phần tạo động lực và năng lực nội sinh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội của địa phương.
“Thời gian qua, 100% trường học trên địa bàn tỉnh chú trọng tích hợp nội dung lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ trong chương trình giảng dạy bộ môn Lịch sử, Giáo dục công dân thông qua việc đa dạng hóa phương pháp dạy.
Cụ thể là dạy tích hợp, liên môn, lồng ghép nội dung chương trình với các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, tổ chức chiếu phim tư liệu văn hóa và lịch sử, đưa học sinh đi tham quan các di tích, đài tưởng niệm, các làng nghề truyền thống, dạy hát các làn điệu dân ca, liên hoan văn nghệ, thi tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề...” - ông Huy cho biết.
Tuy nhiên, ông Huy cũng nhìn nhận, công tác giáo dục truyền thống cách mạng, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng tại một số trường vẫn còn hạn chế, bất cập. Nội dung, phương pháp, hình thức chậm đổi mới, tính thuyết phục và hiệu quả chưa cao.
Trao đổi làm rõ hơn, ông Nguyễn Kim Đình - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc nói, kể từ năm học 2004 - 2005 đến nay, nội dung lịch sử, văn hóa địa phương của huyện được biên soạn và đưa vào giảng dạy cho học sinh THCS và THPT theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT. Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phòng GD-ĐT huyện là cơ quan trực tiếp chỉ đạo, theo dõi việc giảng dạy lịch sử địa phương trong các trường học.
“Việc giảng dạy lịch sử địa phương trong các trường học vẫn còn một số hạn chế nhất định. Trong đó, vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa đổi mới phong cách và phương pháp giảng dạy nên trong quá trình truyền đạt chưa thực sự lôi cuốn học sinh, dẫn đến việc tiếp thu của học sinh còn chậm, không có hứng thú với các tiết học lịch sử địa phương. Kinh phí tổ chức cho học sinh đi tham quan thực tế còn hạn chế. Số lượng trường học tổ chức được hoạt động này còn ít” - ông Đình chia sẻ.
Không học lịch sử thụ động
Đề xuất giải pháp nâng chất lượng giáo dục truyền thống cách mạng, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong trường học, với góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nêu quan điểm: thế hệ 4.0 rất cần được tuyên truyền, giáo dục hiểu rõ lịch sử cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước.
Nhưng để mang lại hiệu quả, cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử, nhất là đẩy mạnh hoạt động ngoài giờ lên lớp, trong những sự kiện của trường, hoạt động đoàn đội, ngày lễ…
“Các em phải chính là người chủ động tìm hiểu chứ không bị thụ động trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử” - bà Ngọc nói.
Dưới góc độ nghiên cứu lý luận, ông Đoàn Xuân Phú - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đã đạt được những kết quả rất tốt. Song, từ thực tiễn cũng đặt ra một số vấn đề cần khắc phục như vấn đề học lệch, dẫn đến nhận thức xem nhẹ môn Lịch sử trong nhà trường.
Chương trình và nội dung cũng nên đổi mới, hạn chế lý luận, tăng cường nội dung kể chuyện sinh động, cụ thể, không buộc học thuộc lòng mà không hiểu, không nhớ. “Đã số hóa rồi, cần số hóa mạnh hơn nữa cho phù hợp với xu thế 4.0 đối với từng vấn đề, nội dung bài giảng. Để ở đâu học sinh cũng chủ động tìm học, nghiên cứu được” - ông Phú đề xuất.
Cùng các quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam cho rằng, Hội An nên tiếp tục duy trì hoạt động “Một giờ học lịch sử tại di tích nhà lao Hội An” - tổ chức cho học sinh các trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Bởi theo thông tin nắm được, hoạt động này đã dừng lại.
Ông Đổng cũng cho hay, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Báo Quảng Nam luôn duy trì hai chuyên mục “Đất và người xứ Quảng”, “Hồ sơ tư liệu” trên báo in để tuyên truyền lịch sử địa phương, lịch sử Đảng, văn hóa vùng đất xứ Quảng.
Trên báo Quảng Nam điện tử, gần đây sản xuất nhiều ấn phẩm báo chí đa phương tiện để bắt nhịp với thời đại thông tin, bằng cách trình bày, đưa thông tin đa dạng, gắn với nhân vật, di tích, sự kiện lịch sử, tạo sinh động tác phẩm thu hút nhiều lượt theo dõi hơn.
HÀN GIANG