Ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, miền núi Quảng Nam với lợi thế là vùng đất cộng cư lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) như Cơ Tu, Co, Giẻ Triêng, Xơ Đăng...; dân số hơn 330.400 người, tạo nên một “bức tường thành” vững chắc, gắn kết cộng đồng trong suốt hành trình xây dựng và phát triển quê hương miền tây xứ Quảng.
“Đặc biệt, người miền núi có tính cộng đồng rất cao, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Trải qua cuộc kháng chiến đấu tranh giành độc lập, đồng bào miền núi đóng góp sức người, sức của, cùng chở che bộ đội và trở thành căn cứ địa vững chắc cho cách mạng. Tất cả nhờ vào tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc, vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ” - ông Alăng Mai chia sẻ.
Phát huy truyền thống
Già Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang kể, sau thời điểm người Cơ Tu ở vùng cao di cư xuống vùng thấp, do chưa quen với cuộc sống nơi ở mới, nhiều người lần lượt rời làng để trở về quê cũ. Biết chuyện, già làng ở các xã vùng thấp tìm cách động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp họ ở lại. Bắt đầu từ việc san sẻ cánh rẫy đang vào mùa thu hoạch, giúp cư dân mới chuyển đến yên tâm cuộc sống.
“Một số thôn người Cơ Tu thuộc xã Ba, Sông Kôn chấp nhận chuyển xuống tại các vùng thấp hơn để sinh sống. Nhà cửa, ruộng vườn cũng được nhường lại. Nhưng được vài năm thì xảy ra dịch bệnh, nhiều người lo sợ nên rủ nhau bỏ đi, về lại quê cũ.
Nắm được tình hình, thôn báo lên xã, rồi xã báo lên huyện, tôi và một số cán bộ lãnh đạo của huyện trực tiếp xuống các thôn để động viên người dân ở lại. Cộng thêm tinh thần hỗ trợ của cộng đồng bản địa ở các thôn lân cận nên đã giữ được chân các cư dân vùng cao ở lại cho đến bây giờ” - già Y Kông nhớ lại.
Phát huy truyền thống gắn kết, sau hơn 30 năm chung sống, thế hệ trẻ người Cơ Tu ở Đông Giang luôn trân quý những tình cảm, sự đùm bọc lẫn nhau của ông cha ngày trước.
Tránh đi những mâu thuẫn không đáng có trong cuộc sống, nhiều làng tổ chức kết nghĩa, xem nhau như người thân trong gia đình, đặc biệt là canh tác trên cùng mảnh đất chung.
Vài năm trở lại đây, khi chủ trương sáp nhập thôn được thực hiện, mối tình gắn kết giữa cộng đồng càng được vun đắp, tăng cường và phát huy tình làng nghĩa xóm.
Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, địa phương có 23 thành phần dân tộc cùng chung sống, trong đó Cơ Tu chiếm đa số với tỷ lệ hơn 73%. Nhiều năm qua, đồng bào các DTTS của huyện luôn phát huy tinh thần đoàn kết, cùng ra sức thi đua phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội, xây dựng đời sống mới yên bình.
Theo ông Tùng, vài năm trở lại đây, địa phương triển khai xây dựng các điểm tái định cư cộng đồng theo chủ trương chung của tỉnh và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều hộ dân.
Bằng tinh thần sẻ chia, họ tình nguyện hiến góp đất đai, hoa màu để chính quyền địa phương san ủi, bố trí tái định cư gắn với phòng chống thiên tai, bão lũ.
“Cá biệt, có nhiều hộ sinh sống ở làng này nhưng đồng ý hiến đất cho làng khác để triển khai các dự án dân sinh. Nhờ vậy, giúp nhiều dự án nhanh chóng được xây dựng, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của cộng đồng địa phương” - ông Tùng chia sẻ.
Giúp nhau thoát nghèo
Những gắn kết trong cộng đồng vùng cao đang dần có sức lan tỏa, tạo động lực giúp nhau có thêm điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Tại xã Trà Linh (Nam Trà My), hành trình gắn kết càng được thể hiện rất rõ bằng câu chuyện nhân văn của những cư dân miền núi.
Sau hơn 3 năm triển khai mô hình “Vườn sâm Ngọc Linh gây quỹ giúp đỡ phụ nữ nghèo”, Chi hội Phụ nữ thôn 3 (xã Trà Linh) đã tạo sinh kế mới cho hàng chục chị em phụ nữ, thông qua việc tặng sâm giống Ngọc Linh. Mô hình này đang được nhân rộng tại các nóc, với sự tham gia của hầu hết hộ trồng sâm trên địa bàn thôn 3.
Bà Hồ Thị Hiền - Chi hội trưởng Phụ nữ thôn 3 cho biết, sau thời gian triển khai, mới đây mô hình chính thức được ra mắt và nhận được hơn 500 cây sâm Ngọc Linh giống 1 năm tuổi (trị giá khoảng 135 triệu đồng), tạo sinh kế cho 7 hội viên nữ vừa tách hộ, có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
“Hy vọng mô hình gây quỹ bằng sâm Ngọc Linh sẽ phát huy hiệu quả, giúp chị em phụ nữ sớm thoát nghèo thời gian tới” - chị Hiền bày tỏ.
Ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho hay, ngoài mô hình của phụ nữ, trên địa bàn xã có thêm nhiều mô hình giúp nhau bằng sâm, đơn cử như nhóm “Vườn sâm kết đoàn” của thanh niên với sự tham gia của 44 hộ trồng sâm; hay mô hình “Tặng sâm giống” nhân các dịp sinh nhật, cưới hỏi, đầu năm mới...
Hiệu quả từ các mô hình này giúp diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã tăng nhanh thời gian qua, tạo điều kiện hỗ trợ để cộng đồng cùng thoát nghèo.
“Bằng tinh thần đoàn kết, các hộ trồng sâm có điều kiện khá giả luôn sẵn lòng giúp đỡ, tạo điều kiện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn làm ăn, phát triển kinh tế. Vài năm trở lại đây, các mô hình ý nghĩa này luôn được duy trì và ngày càng lan tỏa sâu rộng giúp người nghèo có cơ hội làm giàu từ sự chung tay của cộng đồng địa phương” - ông Dang nói.
Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bình quân đạt 6,6%/năm
Ngày 10/9, Ban Dân tộc tỉnh cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Quảng Nam ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, đầu tư cơ sở hạ tầng... bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.
Theo đó, từ nguồn lực trên, Quảng Nam hỗ trợ việc làm cho người lao động đồng bào dân tộc thiểu số giúp tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,4%, vượt chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, hỗ trợ 396 người tham gia lao động tại nước ngoài; xóa nhà tạm cho 2.183 hộ gia đình khó khăn…
Nhờ vậy, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bình quân đạt 6,6%/năm (chỉ tiêu đề ra là 5%); nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực dân tộc thiểu số và miền núi từ 16 triệu đồng (năm 2019) lên 24 triệu đồng (năm 2023).
ĐĂNG NGUYÊN
Huy động 1.737 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng miền núi
Qua 5 năm (2019 - 2024) triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Quảng Nam huy động được nguồn lực 1.737 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng miền núi.
Trong đó, ngân sách tỉnh khoảng 1.169 tỷ đồng, góp vào mục tiêu đồng bộ hóa hạ tầng nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập và điều kiện sống của người dân. Tính đến cuối năm 2023, ở 9 huyện miền núi có 34/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 36,5%). Dự kiến trong năm 2024 có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh...
ĐĂNG NGỌC
Tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT đạt 100%
Từ nguồn lực của Trung ương và tỉnh, đến nay Quảng Nam xây dựng hệ thống trạm y tế tại 70/70 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 52 trạm y tế đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia.
Theo đó, mạng lưới y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được mở rộng và hoàn thiện; cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ y, bác sĩ từng bước được nâng lên, cơ sở khám chữa bệnh được cải thiện về quy mô, chất lượng. Đến nay, bên cạnh hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế nâng cao, 100% đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT.
A.N