Hội nghị được kết nối đến 49 điểm cầu ở 18 huyện, thị xã, thành phố và 31 xã trong tỉnh Quảng Nam. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Lê Trí Thanh cùng các Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Văn Mau và Nguyễn Thị Thanh Phương chủ trì hội nghị.
Sớm cụ thể hóa nghị quyết
Tại hội nghị, đại biểu dự tại điểm cầu chính và các địa phương đã phát biểu nhiều ý kiến sôi nổi xung quanh dự thảo Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2024 - 2029). Các đại biểu tập trung góp ý, thảo luận về 3 nhiệm vụ đột phá và giải pháp thực hiện 6 chương trình hành động trong nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, việc ban hành Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam lần thứ XI thành các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; góp phần tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá cao các ý kiến góp ý, thảo luận, đồng thời mong muốn các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, đóng góp để Mặt trận tỉnh tiếp thu, sớm ban hành chương trình hành động.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh trao đổi một số nội dung để thống nhất triển khai, trong đó chỉ rõ những giải pháp, mục tiêu thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá và 6 chương trình hành động cụ thể.
Đối với 3 nhiệm vụ đột phá, ông Lê Trí Thanh cho biết cần thay đổi về nhận thức, cách thức tổ chức triển khai để làm sao những nhiệm vụ đó thực sự nổi bật, qua đó khẳng định vai trò, vị thế của Mặt trận cũng như các tổ chức thành viên.
Với công tác giám sát, cần linh hoạt, tùy từng địa bàn, đặc điểm của mỗi địa phương sẽ tổ chức triển khai phù hợp. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh nêu ví dụ: Các dự án, đồ án quy hoạch triển khai trên địa bàn có mặt tích cực nhưng cũng có những tồn tại, hạn chế, tiêu cực. Để những vướng mắc sớm được giải quyết, giảm ảnh hưởng tiêu cực đến người dân, thì trước khi triển khai phải có tiếng nói của Mặt trận và các tổ chức thành viên, đó cũng chính là tiếng nói của nhân dân.
"5 đổi mới"
Cùng với 3 nhiệm vụ đột phá và 6 chương trình hành động, tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh đề xuất "5 đổi mới" để các đại biểu góp ý, hoàn thiện đưa vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Thứ nhất là đổi mới công tác phối hợp, quan hệ giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên, giữa Mặt trận với các cơ quan nhà nước.
Thứ hai là đổi mới hoạt động của các hội đồng tư vấn, các ban tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, làm sao phát huy, tập hợp được trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm của đội ngũ tư vấn.
Thứ ba là đổi mới về công tác giám sát thường xuyên.
"Lâu nay chúng ta giám sát chủ yếu qua các vụ việc, thành lập các đoàn giám sát nhưng công tác giám sát thường xuyên chưa hiệu quả, sắp tới cần phải có sự đổi mới. Do đó, qua kênh báo chí, các văn bản của cơ quan đảng, nhà nước phát hành và những phản ánh từ cơ sở, Mặt trận cần làm tốt hơn công tác giám sát thường xuyên" - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lưu ý.
Thứ tư là đổi mới công tác nắm bắt thông tin, dư luận xã hội thông qua các kênh, hình thức khác nhau để kịp thời nắm bắt, nhận thức các vấn đề phát sinh thực tiễn.
Thứ năm là đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận.
Đối với nội dung này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ xây dựng một đề án để tổ chức bài bản, cụ thể nhằm nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng, sự hiểu biết để xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của những người làm công tác mặt trận các cấp.
"Chủ trương sắp tới sẽ có sự luân chuyển, điều động từ cán bộ khối mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội qua khối đảng, chính quyền và ngược lại, như vậy thì trình độ, nhận thức, bản lĩnh của những người làm công tác mặt trận cần phải được đào tạo căn bản. Đó là vấn đề hết sức cần thiết trong nhiệm kỳ này" - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh cho biết.
Tại hội nghị, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen cho 28 tập thể và 22 cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp (nhiệm kỳ 2024 - 2029).
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2024 -2029 đã hiệp thương cử ra 7.889 vị ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, 979 vị ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện; 96 vị ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh bảo đảm số lượng, cơ cấu thành phần hợp lý; chất lượng ủy viên được nâng cao so với nhiệm kỳ trước.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp toàn tỉnh đăng ký và triển khai thực hiện 256 công trình, 220 phần việc chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp, với tổng mức kinh phí hơn 118,6 tỷ đồng. Các tổ chức thành viên triển khai thực hiện 6 công trình và 9 phần việc với tổng mức kinh phí hơn 12,8 tỷ đồng.