Đây là một trong 5 hội thảo khoa học quan trọng được tổ chức nhằm phục vụ công tác xây dựng Văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2025 - 2030).
Nhiều ý kiến tham luận, thảo luận của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan ở Trung ương và các ban, ngành của tỉnh đánh giá cao tầm quan trọng của việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đề cao quyền làm chủ của nhân dân trên mọi mặt đời sống xã hội.
Đồng thời với tâm huyết, kinh nghiệm được đúc kết qua thực tiễn công tác, nghiên cứu đã đưa ra nhiều đề xuất, góp ý về việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy dân chủ, vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền một cách nghiêm túc…
Công tác mặt trận gắn với văn hóa
Có gần 10 năm làm công tác Mặt trận, ông Lê Văn Lai - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chiêm nghiệm: Dân chủ là máu, nguồn sống, nguyên liệu để xây dựng tất cả phong trào của Mặt trận; trong đó, đặc biệt là phong trào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, ở đâu đó việc phát huy dân chủ vẫn chưa đạt yêu cầu, còn hình thức, nửa vời.
Theo ông Lai, thời gian còn công tác đã nhận thấy hoạt động mặt trận có biểu hiện bị hành chính hóa, lấn sang sân của chính quyền. Với sự hành chính hóa như vậy, có thể mang lại kết quả nhất định nhưng không bền vững và không đúng với phong cách của Mặt trận.
Từ chiêm nghiệm của mình, ông Lai cho rằng, cơ quan Mặt trận cần giảm đi hành chính hóa, cố gắng tạo ra phương pháp thật sự mềm dẻo nhằm tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội vì mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Nam.
Giảm hành chính hóa bằng cách nào? Theo ông Lai, hoạt động của Mặt trận cần gắn với văn hóa và văn hóa cũng là đất sống của Mặt trận, trong đó có xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Hoạt động của Mặt trận gắn với văn hóa xứ Quảng, tính cách đặc trưng “hay cãi”, đấu tranh đến cùng để tìm ra chân lý. Khi người Quảng Nam tìm ra chân lý của sự việc rồi thì có sự thống nhất rất cao và hành động rất quyết liệt.
Theo đó, có biện pháp tuyên truyền đến nơi, đến chốn về chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân thấu hiểu. Khi đã thấu hiểu thì họ hành động rất tốt.
Trong hoạt động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận còn gắn với truyền thống yêu nước thương nòi, tương thân tương ái; xây dựng văn hóa làng, văn hóa gia đình để cố kết cộng đồng bền chặt…” - ông Lai góp ý.
Đối với nhóm nhiệm vụ trọng tâm đột phá nhằm huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sự đồng thuận xã hội hiện thực hóa khát vọng xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, theo ông Nguyễn Ngọc Quang - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, MTTQ Việt Nam các cấp của tỉnh cần nâng cao nhận thức, tập trung làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội.
Cơ quan Mặt trận các cấp theo dõi, giám sát việc thực hiện các kết luận tiếp công dân, đối thoại với nhân dân của những người có trách nhiệm; việc thực hiện trách nhiệm giải quyết đơn thư, khiếu nại của công dân từ người đứng đầu cấp ủy, chỉnh quyền. Giám sát kết quả thực hiện các nghị quyết chuyên đề của HĐND liên quan đến đời sống nhân dân thông qua hội đồng tư vấn, để có ý kiến phản biện kịp thời, chính xác…
Cơ quan Mặt trận lựa chọn, phản biện xã hội đối với các đề án, dự án, công trình lớn mang tầm vóc của tỉnh, có tác động đến nhân dân bằng sự tâm huyết, kinh nghiệm, trách nhiệm của từng thành viên hội đồng tư vấn. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin theo xu thế hiện nay trong công tác Mặt trận…
Công khai, minh bạch, giải trình
Tại hội thảo, UBND tỉnh cho biết, từ năm 2019 - 2024, toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện công khai, minh bạch tại 383 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kết quả kiểm tra cho thấy, việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã có những chuyển biến rõ nét, nhất là công khai, minh bạch về chính sách, pháp luật; sử dụng vốn ngân sách nhà nước; hoạt động mua sắm công và công tác thu, chi ngân sách…
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, việc công khai, minh bạch vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Trong thời gian đến, UBND tỉnh tiếp tục xây dựng nền hành chính trong sạch, tinh gọn.
Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết, phản hồi ý kiến phản ánh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Ngăn chặn và đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong bộ máy hành chính nhà nước như quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm.
“Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có trách nhiệm trong thực thi công vụ. Thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để hình thành đội ngũ công chức chuyên nghiệp thông qua việc chuẩn hóa cán bộ, công chức phù hợp với vị trí việc làm.
Giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức phải gần dân, lắng nghe, nắm bắt nguyện vọng của nhân dân, có trách nhiệm trong tiếp thu và phản hồi ý kiến của nhân dân. Bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” - ông Tuấn nói.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, công tác mặt trận thời gian tới phải góp phần cụ thể hóa thật sự phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và thụ hưởng” đã được quy định bằng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội ở từng địa bàn cụ thể của tỉnh.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh, Mặt trận tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên để tạo niềm tin trong nhân dân.
Đồng thời phát huy trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm của các tầng lớp nhân dân; tập hợp, đoàn kết nhân dân phát huy vai trò tự quản, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân và tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
“Các cấp chính quyền phải có trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình trong quản lý nhà nước để nhân dân thuận lợi trong theo dõi, giám sát, đánh giá, góp ý; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân tham gia quá trình nghiên cứu, dự thảo, ban hành, triển khai các chính sách có tác động lớn đến đời sống.
Giải quyết kịp thời tư tưởng của nhân dân, thực hiện nghiêm túc các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật và không ngừng cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân” - ông Thanh nói.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp và tiếp thu tối đa ý kiến tham gia của các đại biểu, hoàn thiện nội dung để có thêm cơ sở khoa học, tập trung làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, những thuận lợi, khó khăn hiện nay trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội trên địa bàn Quảng Nam.
MTTQ Việt Nam tỉnh đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động để thực sự là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; bảo đảm hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên.
Đồng thời chắt lọc, lựa chọn những nội dung thật cốt lõi, những vấn đề có tính chiến lược báo cáo Tiểu ban Văn kiện Đại hội XXIII để đề xuất Tỉnh ủy bổ sung vào Văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.