Qua 15 năm, toàn tỉnh đã xây dựng và công nhận 6.540 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Với kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào đời sống xã hội, là chủ trương đúng đắn nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác dân vận. Đồng thời phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó của các tầng lớp nhân dân.
* Việc khó mới cần “Dân vận khéo”, nhưng có thể thấy, đâu đó vẫn còn những trở lực làm giảm hiệu quả thực hiện phong trào thi đua này, thưa đồng chí?
* Đồng chí Huỳnh Thị Thùy Dung: Như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đã đánh giá tại hội nghị tổng kết vừa qua, công tác dân vận, trong đó, có phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện khá tốt, thật sự đóng góp vào sự vươn mình mạnh mẽ của Quảng Nam thời gian qua.
Bên cạnh nhiều kết quả tích cực, phong trào vẫn còn một số hạn chế được xem là trở lực, làm giảm hiệu quả thực hiện. Đáng quan tâm nhất là kết quả thực hiện và xây dựng mô hình cụ thể trên các lĩnh vực vẫn còn thiếu bền vững. Với cách hiểu là phong trào thi đua nên một số kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện dừng lại, gói gọn ở phạm vi một số, đơn vị; chưa được giới thiệu, nhân rộng.
Việc lựa chọn xây dựng, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” ở một cơ quan, đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa đồng đều trên các lĩnh vực; mô hình điển hình trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị còn ít (571 mô hình).
Ngoài ra, một số mô hình đã đăng ký xây dựng nhưng hoạt động chưa rõ nét, đa số còn ở quy mô nhỏ, hiệu quả chưa thật sự nổi bật, tiêu biểu. Còn nhầm lẫn, chồng chéo, trùng lặp giữa mô hình “Dân vận khéo” với các giải pháp thực hiện phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động…
* Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Đề án nhân rộng các mô hình điển hình “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2025 - 2030. Trong đó, lựa chọn 20 mô hình điển hình đã thực hiện hiệu quả để nghiên cứu, tổ chức triển khai nhân rộng phù hợp với thực tiễn của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Xin đồng chí chia sẻ rõ hơn về yêu cầu, cũng như kỳ vọng đối với công tác dân vận của tỉnh khi ban hành đề án này?
* Đồng chí Huỳnh Thị Thùy Dung: Xuất phát từ tình hình thực tiễn triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua và yêu cầu đặt ra về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án nhân rộng các mô hình điển hình “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Việc ban hành đề án nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua theo hướng sát việc, sát nhiệm vụ, sát tình hình thực tiễn, có sức lan tỏa cao và mang lại hiệu quả thiết thực. Trọng tâm đặt ra trong đề án là tổ chức nhân rộng các mô hình điển hình trong giai đoạn 2009 - 2024 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình mới có tính trọng tâm, trọng điểm gắn với cụ thể hóa các chủ trương lớn của Trung ương, của tỉnh; phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Từ đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo nguồn lực nội sinh giải quyết những vấn đề có tính mới, khó và phức tạp, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh ở giai đoạn mới.
* Thưa đồng chí, số lượng các mô hình trên lĩnh vực dân vận chính quyền còn “khiêm tốn” so với những lĩnh vực còn lại. Đây cũng là nội dung được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất quan tâm chỉ đạo, được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 35, ngày 8/12/2023 của Tỉnh ủy, bởi làm tốt công tác dân vận chính quyền sẽ tạo sự hài lòng của người dân, tổ chức, tạo sự đồng thuận xã hội cao. Với đề án được ban hành sẽ là “bệ đỡ” cho công tác này ngày càng tốt hơn,. thưa đồng chí?
* Đồng chí Huỳnh Thị Thùy Dung: Nghị quyết số 35 của Tỉnh ủy Quảng Nam về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới đã nhất quán quan điểm “Dân là gốc”, dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Tỉnh ủy xác định công tác dân vận chính quyền đóng vai trò quan trọng nhất và có quan điểm chỉ đạo: Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong thực hiện công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chính trị được giao theo phương châm “Vì nhân dân phục vụ”.
Theo tôi, tập trung cho công tác dân vận chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải phát huy trách nhiệm nêu gương, thấm nhuận lời dạy của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.
Công tác dân vận chính quyền gắn với thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của tỉnh, tập trung hướng vào những lĩnh vực, nhiệm vụ trọng tâm, như bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xóa nhà tạm, cải cách hành chính, chuyển đổi số…
Tin tưởng rằng, công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Quảng Nam nói chung và công tác dân vận chính quyền nói riêng với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả sẽ được lan tỏa, nhân rộng trong thời gian đến.
* Trân trọng cảm ơn đồng chí!