Nhiều ý kiến khác nhau
Theo Sở TN-MT, nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ về đất đai (đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh) đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 16 Luật Đất đai 2024.
Phạm vi áp dụng: Cá nhân là người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào DTTS và miền núi theo quy định của Chính phủ nhưng chưa có đất ở, đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nay có nhu cầu về đất ở, đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh. Cộng đồng DTTS chưa có đất sinh hoạt cộng đồng.
Góp ý vào dự thảo nghị quyết tại cuộc làm việc với Sở TN-MT, ông Đinh Văn Hươm - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nêu quan điểm: Nếu quy định như nội dung dự thảo giống như chúng ta đang thực hiện lại các vấn đề liên quan đến chính sách đất đai lâu nay.
Việc hỗ trợ toàn bộ kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính và các khoản phí, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người dân, cộng đồng cũng đã được quy định tại khoản 8, Điều 176 của Luật Đất đai hiện hành. Bây giờ liên quan đến chính sách của tỉnh thì chúng ta cần hỗ trợ cái gì và hỗ trợ như thế nào?
“Những nội dung được hỗ trợ trong nghị quyết này có trùng với các chính sách khác đã ban hành hay không, khi trùng và có sự chênh lệch mức hỗ trợ thì không triển khai được. Đơn cử, mức hỗ trợ của Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh về xóa nhà tạm cao hơn mức hỗ trợ của các chính sách khác, dẫn đến phải tích hợp vào một chính sách để thực hiện” - ông Hươm nói.
Ông Hà Ra Diêu - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, nếu quy định như nội dung dự thảo khi nghị quyết ban hành sẽ trùng vào hai cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội miền núi và giảm nghèo bền vững.
Nghị quyết này chỉ áp dụng cho trường hợp xen ghép, còn đối với đất ở tập trung đã đưa vào hai dự án chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên. “Làm theo nghị quyết, tỉnh sẽ bỏ ra nguồn vốn hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng mỗi khu dân cư, ngân sách sẽ không kham nổi” - ông Diêu kiến nghị.
Còn ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh đặt vấn đề với cơ quan soạn thảo: Nếu không ban hành nghị quyết này, các chính sách đất đai nói chung của đồng bào DTTS có bị “ách” không? Nếu không thì các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu góp ý, bổ sung hoàn thiện dự thảo sát với tình hình thực tiễn để trình HĐND tỉnh trong kỳ họp gần nhất.
Những nội dung cần làm rõ
Phân tích về các căn cứ pháp lý liên quan được quy định tại dự thảo nghị quyết, nhất là về chính sách hỗ trợ, đại diện Sở TN-MT nói, điều này đã được quy định rất rõ trong nội dung Luật Đất đai 2024 và tỉnh phải ban hành hạn mức giao đất.
Việc xác định đối tượng hỗ trợ được quy định rõ tại Điều 16 của Luật Đất đai, là người DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo thuộc khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đối tượng đã rất rõ, còn việc khảo sát có bao nhiêu đối tượng thì phải theo phương án của từng huyện và con số này luôn thay đổi theo từng năm.
Hạn mức giao đất, nghị quyết quy định giao đất ở, đất nông nghiệp trong hạn mức được quy định tại khoản 2, Điều 16 của Luật Đất đai 2024. Như vậy, dự thảo không đưa ra con số cụ thể về hạn mức giao đất.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho hay, các địa phương đã có thảo luận và cho rằng nếu ấn định một mức cụ thể sẽ rất khó thực hiện. Theo đó, kiến nghị lấy xác định hạn mức tối đa không quá hạn mức giao đất của địa phương để các địa phương căn cứ quỹ đất tổ chức quyết định, đề xuất diện tích giao đối với từng trường hợp cụ thể.
Theo ông Sơn, liên quan đến phí, lệ phí là không được miễn theo quy định của Chính phủ. Luật ghi hỗ trợ từ ngân sách. Được hiểu, khoản phí, lệ phí này do người sử dụng đất trực tiếp nộp vào ngân sách, bắt buộc phải nộp cho cơ quan nhà nước.
Chính vì vậy, dự thảo quy định hỗ trợ và ngân sách tỉnh sẽ cấp bù, việc hỗ trợ này tỉnh cũng đã làm thời gian qua. Sau khi có nghị quyết, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể.
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ về đất đai cho đồng bào DTTS sẽ được Ban Kinh tế - ngân sách và Ban Dân tộc của HĐND tỉnh tổng hợp xin ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh.
“Chúng ta ban hành nghị quyết phải có định tính và định lượng, nếu không khi “áp” xuống, huyện nói quỹ đất ở đâu để triển khai sẽ khó làm được. Ngân sách tỉnh cấp phải có số liệu cụ thể để đưa vào khái toán ở năm 2025 và những năm tiếp theo. Đây là nhiệm vụ chính trị chung, cần có sự đồng thuận, thống nhất cao để khi trình nội dung ra HĐND tỉnh đạt được tiếng nói chung” - ông Đức nói.