(Báo Quảng Ngãi)- Là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, những cán bộ mặt trận ở cơ sở luôn gần dân, sát dân, gương mẫu đi đầu trong các phong trào với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả.
Tuy độ tuổi, thời gian cống hiến cho công tác mặt trận của mỗi người khác nhau, nhưng điểm giống nhau ở họ là sự tâm huyết, hết lòng vì cộng đồng và sự phát triển của quê hương.
Nói dân nghe, làm dân tin
Thôn Đăk Doa, xã Sơn Liên (Sơn Tây) có 87 hộ dân, với 352 nhân khẩu, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm công tác mặt trận, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đăk Doa Đinh Văn Niêng luôn tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đồng thời, tích cực tham gia tổ hòa giải, giải quyết nhiều vụ tranh chấp đất đai và mâu thuẫn của người dân ở địa phương, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
|
Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đăk Doa, xã Sơn Liên (Sơn Tây) Đinh Văn Niêng (thứ hai bên phải) tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: HIỀN THU |
Không chỉ là cán bộ mặt trận trách nhiệm, hết lòng vì dân, để người dân tin, dân nghe và làm theo, anh Niêng còn gương mẫu, cần cù, chịu khó trồng trọt phát triển kinh tế. Anh Niêng chủ động tham gia các lớp tập huấn về những mô hình làm kinh tế mới. Đồng thời, học hỏi trên báo, đài, áp dụng các kiến thức vào thực tế sản xuất. Năm 2021, anh Niêng là một trong những hộ tiên phong đi đầu trồng nghệ sẻ do Nhà nước hỗ trợ và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Trên diện tích 2 sào đất trồng mì của gia đình, anh Niêng đã mạnh dạn chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng nghệ sẻ. “Cây mì hay bị bệnh, năng suất thấp nên tôi chuyển đổi sang trồng nghệ sẻ. Sau hơn 10 tháng xuống giống đúng quy trình kỹ thuật, tôi thu hoạch, bán nghệ sẻ được 11 triệu đồng”, anh Niêng phấn khởi nói.
Trong 2 năm gần đây, anh Niêng tiếp tục đầu tư trồng cây ăn quả. Đến nay, ngoài 5ha keo, anh Niêng sở hữu trang trại hơn 250 cây ổi, 100 cây bưởi da xanh, 200 cây chuối, 70 cây xoài, 70 cây quýt và chăn nuôi 5 con bò. Nhờ đó, gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định. Từ kinh nghiệm của mình, anh đã giúp đỡ, hướng dẫn nhiều hộ dân ở địa phương từng bước thay đổi tập quán sản xuất, đổi mới phương thức trồng trọt, mang lại hiệu quả. “Mong muốn của tôi là người dân chăm chỉ làm ăn, thoát khỏi đói nghèo. Trước hết là để gia đình bớt khổ, có cái ăn, sau đó thì ổn định kinh tế để xây dựng khu dân cư vững mạnh, gắn kết xóm làng”, anh Niêng cho hay.
Đoàn kết lương - giáo
Thôn Trường Khay, xã Sơn Hạ (Sơn Hà) nay đã thay đổi khá nhiều. Đời sống người dân được cải thiện. Nhiều tuyến đường thôn, xóm được bê tông rộng rãi, sạch đẹp... Đó là thành quả của sự gắn kết, đồng lòng của bà con lương - giáo trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của ông Nguyễn Vàng - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Trường Khay.
Trách nhiệm, nhiệt tình, gần gũi là những nhận xét mà cán bộ và người dân trong thôn khi nói về ông Vàng. Ai cũng quý mến và kính trọng ông Vàng bởi ông là người luôn hết lòng vì công việc chung. “Thôn Trường Khay có hơn 60% dân số là đồng bào theo đạo. Cấp ủy, chính quyền luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Vì thế, bà con lương - giáo đoàn kết một lòng vì mục tiêu chung, phấn đấu để xã Sơn Hạ về đích nông thôn mới vào năm 2025”, ông Vàng cho biết.
Ông Vàng luôn cùng cán bộ thôn tranh thủ thời gian đến từng nhà người dân tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, vận động người dân chung sức thực hiện các phần việc của cộng đồng. “Khi xã triển khai các phần việc, chúng tôi đều chủ động đến nhà mục sư để trao đổi. Các mục sư luôn đi đầu làm gương, như mục sư Đinh Tấn Vĩnh đóng góp hơn 23 triệu đồng, mục sư Đinh Mi đóng góp 8 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn. Vì vậy, mọi việc dù lớn hay nhỏ, bà con giáo dân đều đồng lòng thực hiện”, ông Vàng cho hay.
|
Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Trường Khay, xã Sơn Hạ (Sơn Hà) Nguyễn Vàng (thứ nhất bên trái) luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc vì sự phát triển của địa phương. Ảnh: TRUNG ÂN |
Gia đình ông Đinh Mế, người có uy tín ở thôn Trường Khay chia sẻ, là một giáo dân, tôi luôn xác định phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, có ích cho gia đình, xã hội; vận động bà con giáo dân tích cực tham gia các phong trào, đoàn kết lương - giáo. Để góp phần xây dựng đường giao thông, giúp người dân đi lại thuận tiện, ông Đinh Mế đã hiến 500m2 đất, đồng thời vận động bà con giáo dân hưởng ứng, đường mở đến đâu, sẵn sàng dịch chuyển hàng rào vào đến đó. Khi hiểu được mục đích của phong trào xây dựng nông thôn mới, bà con lương - giáo tích cực tham gia, quyên góp gần 160 triệu đồng, gần 800 ngày công, chặt đốn hơn 600 cây ăn quả các loại, tự nguyện hiến 5.500m2 đất để mở rộng và xây dựng 14 tuyến đường liên xóm...
Cán bộ 9X tâm huyết việc làng
Với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Mang Đen, xã Ba Vì (Ba Tơ), anh Phạm Văn Kiều (33 tuổi) đã thổi luồng sinh khí mới, mang lại nhiều đổi thay tốt đẹp ở địa phương. Từ năm 2012 - 2019, anh Kiều làm Phó trưởng Công an xã Ba Tô. Đến năm 2019, anh kết hôn và chuyển về sinh sống ở xã Ba Vì.
Là người nhiệt tình, xông xáo trong các phong trào ở địa phương, năm 2022, anh Kiều được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Mang Đen. Anh Kiều cho biết, thôn Mang Đen có 220 hộ dân, trong đó 99% người đồng bào Hrê sinh sống. Thôn nằm ở phía tây trung tâm xã, đường đi cách trở nên việc vận chuyển, thu gom rác rất khó khăn, mỗi hộ dân đều phải tự xử lý.
“Nhận thấy nguồn rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều nhưng đa phần người dân chưa biết cách xử lý nên với vai trò là người đứng đầu thôn, tôi xây dựng mô hình “Đào hố rác tiêu hủy, phân loại rác thải tại hộ gia đình”. Thông qua mô hình, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phân loại, xử lý rác tại nhà để không gây ô nhiễm môi trường”, anh Kiều chia sẻ.
Để người dân đồng lòng hưởng ứng, anh Kiều đã tiên phong thực hiện, đồng thời bàn bạc với cấp ủy triển khai cho 20 đảng viên trong chi bộ cùng làm theo. Cuối năm 2023, mô hình được 100% các đảng viên trong thôn tham gia. Anh Kiều cho hay, đầu năm 2024, Ban Công tác Mặt trận thôn phối hợp cùng với các chi hội đi vận động, hướng dẫn từng hộ dân cách đào hố và phân loại rác hữu cơ, vô cơ trước khi cho vào hố xử lý. Nhờ sự tích cực tuyên truyền và tính hiệu quả của mô hình, đến nay 100% hộ dân trong thôn thực hiện việc phân loại rác và đào hố rác tiêu hủy.
Ông Phạm Văn Giếp, người dân ở thôn Mang Đen phấn khởi chia sẻ, tôi đào hố xử lý rác sâu và rộng hơn 1,5m nên khi quét dọn lá cây, rác hữu cơ cho vào hố không lo bị gió thổi bay. Còn túi ni lông thì phơi khô và cho vào hố rác để đốt. Từ khi thực hiện mô hình, tình trạng ô nhiễm môi trường giảm hẳn.
Ngoài ra, anh Kiều còn tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức tổng dọn vệ sinh ở khu dân cư đều đặn vào thứ Bảy hằng tuần. Không chỉ là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, tuyên truyền, vận động người dân góp sức xây dựng quê hương, mà anh Kiểu còn huy động đảng viên trong chi bộ cùng thực hiện mô hình “Đỡ đầu học sinh nghèo” với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/quý.
“Mô hình này được triển khai từ năm 2023, với mong muốn tiếp sức, đồng hành cùng một số học sinh nghèo để các em không bỏ học giữa chừng, có thêm động lực vươn lên. Hiện nay, chi bộ đang đỡ đầu em Phạm Thị Quy, vừa tốt nghiệp THPT, mẹ bị tai nạn lao động gãy chân. Tuy số tiền hỗ trợ không lớn nhưng đó là tấm lòng của các đảng viên dành cho học sinh nghèo, hy vọng các em nỗ lực trở thành người có ích cho xã hội”, anh Kiều bày tỏ.
Toàn tỉnh có hơn 1.500 cán bộ mặt trận ở cơ sở. Với phương châm hoạt động “cán bộ mặt trận đi đầu, tiên phong gương mẫu, đầu tàu dân theo”, họ chính là hạt nhân tiêu biểu, là “thỏi nam châm” có sức hút đặc biệt trong việc tập hợp, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
HIỀN THU - TRUNG ÂN - SA HUỲNH