(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ then chốt của Đảng hiện nay.
|
Công bố quyết định thành lập Chi bộ HTX Nông nghiệp Phổ An (TX.Đức Phổ). Ảnh: TL |
Từ những ngày đầu “non trẻ, nhỏ bé”
Sau sự kiện Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 18/2/1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc - đặc phái viên của Quốc tế Cộng sản tại Đông Dương - viết “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản”. Người khẳng định: “Mặc dù còn non trẻ và nhỏ bé, Đảng Cộng sản được tổ chức tốt nhất và hoạt động mạnh nhất trong tất cả các lực lượng”.
Đảng mới ra đời nên hẳn là “non trẻ”. Bản thân các tổ chức cộng sản tiền thân của Đảng cũng chỉ mới tổ chức và hoạt động trong một vài năm.
Đảng thật sự “nhỏ bé”, vì lúc này toàn Đảng chỉ có 310 đảng viên, bao gồm cả chính thức và dự bị: Ở Xiêm có 40 đảng viên, Bắc Kỳ 204 đảng viên, Nam Kỳ 51 đảng viên, Trung Quốc và nơi khác 15 đảng viên (Trung Kỳ thì đã ghép vào Bắc Kỳ và Nam Kỳ).
Đảng được “tổ chức tốt nhất”, bởi ngay trong Hội nghị hợp nhất, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã được thông qua. Dù chỉ “vắn tắt”, “tóm tắt”, nhưng Chánh cương, Sách lược, Chương trình, Điều lệ của Đảng thể hiện được mục tiêu, nguyên tắc, hệ thống tổ chức, tiêu chuẩn, phương thức lãnh đạo, kỷ luật đảng... Kế hoạch xây dựng cơ quan Trung ương lâm thời của Đảng cũng được dự kiến, giao cho các đại biểu về nước triển khai, thông qua các tổ chức đảng bàn bạc, đề cử dân chủ để hình thành tập thể lãnh đạo, có các ủy viên chính thức và ủy viên dự khuyết.
Đảng “hoạt động mạnh nhất trong tất cả các lực lượng”, bởi qua phân tích tình hình các lực lượng chính trị khác, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ, Đảng Lập Hiến “hợp tác với đế quốc”; Đảng Tân Việt “bắt đầu suy yếu từ khi có khủng bố trắng”; An Nam Quốc dân Đảng “phân hóa thành nhiều phe phái”; Hội An Nam Thanh niên Cách mạng “bị phá hủy gần hết do chính sách sai lầm của những người cộng sản”. Riêng Đảng Cộng sản thống nhất được tổ chức, xây dựng được các hội quần chúng trong nông dân, công nhân, trí thức và nhiều giai tầng khác.
Sau Hội nghị thành lập, Đảng ra “Lời kêu gọi” gửi đến công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh, đồng bào vị áp bức, bóc lột về việc “gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng”. Các tổ chức đảng trong nước tăng cường tạo nguồn phát triển đảng viên và tổ chức được nhiều phong trào đấu tranh cách mạng. Trong “Thư gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản” vào tháng 3/1930, Nguyễn Ái Quốc cho biết Đảng đã xây dựng được 40 chi bộ, với 500 đảng viên.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ tháng 6 đến tháng 12/1930, phong trào biểu tình, đấu tranh của quần chúng diễn ra rộng khắp cả nước: 218 cuộc biểu tình của nông dân, 58 cuộc biểu tình và bãi công của công nhân, cùng các cuộc đấu tranh của học sinh, phụ nữ... Tuy bị địch khủng bố, cao trào cách mạng giai đoạn 1930 - 1931, 1936 -1939, 1939 - 1945 vẫn bùng lên mạnh mẽ. Ban đầu - như “phép thử” về niềm tin của nhân dân đối với Đảng, về sau - là lời khẳng định sức mạnh của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
94 năm xây dựng và phát triển
Từ 310 đảng viên ngày Đảng ra đời, trải qua 94 năm, dù bao khốc liệt của chiến tranh giải phóng dân tộc, hay những khó khăn của những ngày đầu cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiếp tục đổi mới, đội ngũ đảng viên của Đảng vẫn không ngừng lớn mạnh.
Năm 1945, chỉ có gần 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám, giành được chính quyền về tay nhân dân, Đảng trở thành đảng cầm quyền. Tháng 11/1945, giữa tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, để bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, Đảng tuyên bố tự giải tán, thực chất là rút vào hoạt động bí mật, Đảng vẫn cầm quyền, vẫn lãnh đạo nhân dân.
“Tự giải tán” - rút vào hoạt động bí mật, nhưng sức hút của Đảng vẫn vô cùng mạnh mẽ. Dù “trường kỳ kháng chiến”, song quần chúng vẫn một lòng theo Đảng, đến với Đảng, nên qua từng năm, số lượng đảng viên vẫn tăng theo cấp số nhân. Năm 1946 có 25 nghìn đảng viên; năm 1947 có 50 nghìn đảng viên; tháng 9/1948 có 155 nghìn đảng viên. Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, Đảng tuyên bố ra công khai, Văn kiện Đảng ghi nhận toàn Đảng có 766,394 nghìn đảng viên. Tháng 12/1976, Đại hội IV của Đảng ghi nhận: “Đảng ta đã xây dựng được đội ngũ đảng viên đông đảo với trên 1,553 triệu đảng viên, chiếm 3,13% dân số”.
Ngay cả khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, một bộ phận đảng viên suy giảm sức chiến đấu, rời bỏ Đảng, thì vẫn có hàng vạn quần chúng ưu tú đến với Đảng, giúp Đảng giữ vững đội hình, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Số liệu đảng viên qua các năm/nhiệm kỳ Đại hội liên tục tăng: Đại hội V (1982) Đảng có 1,727 triệu đảng viên; Đại hội VI (1986) có 1,9 triệu đảng viên; Đại hội 7 (1991) có 2,135 triệu đảng viên; Đại hội VIII (1996) có 2,130 triệu đảng viên; Đại hội IX (2001) có hơn 2,479 triệu đảng viên ; Đại hội X (2006) có 3,143 triệu đảng viên; đến tháng 6/2011 có 3,840 triệu đảng viên; tháng 12/2020 có hơn 5,224 triệu đảng viên. Đến tháng 6/2023, toàn Đảng có hơn 5,4 triệu đảng viên, sinh hoạt trong 52,323 nghìn tổ chức cơ sở đảng.
Tiếp nối truyền thống
Sự phát triển không ngừng về số lượng đảng viên, cho thấy Đảng có sức hút vô cùng mạnh mẽ đối với quần chúng cách mạng.
“Hăng hái tranh đấu và dám hy sinh” là phẩm chất quan trọng, hàng đầu của người đảng viên cộng sản. Khi làm đơn xin vào Đảng, quần chúng ưu tú xác định trách nhiệm sẽ phải là “chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”. Khi đã là người của Đảng, mỗi đảng viên sẽ phải suốt đời phấn đấu hy sinh, “đặt lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam lên trên lợi ích cá nhân”.
Thực tiễn đã chứng minh, trong đấu tranh cách mạng “số đông đảng viên biểu lộ phẩm chất tốt, hàng chục vạn đảng viên đã hy sinh rất oanh liệt”. Đó là bởi họ thấm nhuần mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Trong lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phần lớn đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu, liên hệ mật thiết với nhân dân, nhờ vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cơ đồ, vị thế Việt Nam “chưa bao giờ có được” như ngày nay.
Hiện nay, đa số đảng viên vẫn giữ được bản lĩnh người cộng sản, là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, phát triển. Song, một bộ phận đảng viên lại quan liêu, tha hóa, vì lợi ích bản thân mà sa vào tham nhũng, tiêu cực, vì phai nhạt lý tưởng mà “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ then chốt của Đảng hiện nay. Để đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, chúng ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.
TS.TRƯƠNG THỊ BẠCH YẾN