Sign In

[Emagazine]. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Dấu ấn của Tổng Bí thư và niềm tin của nhân dân

08:58 24/07/2024

 

    

Thực tiễn lịch sử thế giới cho thấy, tham nhũng, tiêu cực là căn bệnh cố hữu, khuyết tật khó tránh khỏi trong bất cứ chế độ chính trị nào và ở bất cứ quốc gia nào, chỉ khác nhau ở mức độ, phạm vi, tính chất, thái độ, trách nhiệm và phương thức kiểm soát của các chủ thể liên quan.

 

Vì thế, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra từ rất sớm.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, gửi thư cho UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân... Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Người đã cảnh báo những thói hư, tật xấu đã và đang xảy ra lúc bấy giờ trong bộ máy của Đảng, Chính phủ như quan liêu, tham ô, lãng phí, hủ hoá, tệ làm quan cách mạng, nhũng nhiễu nhân dân. Người gọi đó là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm” cần phải đấu tranh sớm loại bỏ.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải có ý thức sâu sắc, chủ động và có trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ quan trọng này. Nhờ vậy, Đảng ta mới đủ uy tín, năng lực lãnh đạo cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong suốt công cuộc đổi mới gần 40 năm qua, cùng với việc đề ra nhiều chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta đã đề ra nhiều quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra khá phổ biến, kéo dài với tính chất, quy mô, hậu quả ngày càng lớn, được đề cập trong Văn kiện nhiều kỳ đại hội Đảng.

Tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã làm hạn chế thành quả của công cuộc đổi mới, thất thoát, lãng phí lớn nguồn lực quốc gia, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế- xã hội, thậm chí gây những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm xói mòn niềm tin và sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Phải đến những nhiệm kỳ đại hội gần đây, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XI, đặc biệt là nhiệm kỳ Đại hội XII và Đại hội XIII của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai ngày càng quyết liệt, đồng bộ, toàn diện hơn, đạt được những kết quả nổi bật, có dấu ấn lịch sử, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 

Trước tình trạng tham nhũng, tiêu cực kéo dài chưa được ngăn chặn kịp thời và hiệu quả, ngay tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 5/5/2014, đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh các quan điểm chỉ đạo hết sức quan trọng. Đó là: phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa mục tiêu, quan điểm và các giải pháp đã được nêu trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Ảnh: VOV
Ảnh: VOV

Phát biểu tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng những năm sau đó, đồng chí Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo hết sức mạnh mẽ, quyết liệt. Đồng chí cho rằng, phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải có quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện ở thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và hành động quyết liệt, cụ thể; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục “không ngừng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực; không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong cuộc đấu tranh này.

 

Xuất phát từ thực tiễn xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp cả về chính trị tư tưởng, tổ chức hành chính, kinh tế, hình sự.

Đây là cuộc đấu tranh không thể chỉ làm một lần là xong; ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần, đòi hỏi phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao, biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại. Từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới mục tiêu “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.

 

Với quyết tâm và trách nhiệm chính trị cao cả của mình, trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2024, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chủ trì kết luận gần 40 phiên họp Ban Chỉ đạo, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, các Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong các phiên họp, cuộc họp của đồng chí Tổng Bí thư là: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, vì thượng tôn pháp luật của Nhà nước, vì sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người; và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”.

 

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng, Nhà nước ta thực hiện trong nhiều năm với nhiều chủ trương, giải pháp, tuy nhiên, phải đến sau Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ngày 1/2/2013) trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, công tác này mới được triển khai bài bản, đồng bộ, toàn diện và quyết liệt, tạo bước đột phá, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Các giải pháp được triển khai đồng bộ, từ đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, tạo sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Ảnh: VOV
Ảnh: VOV

Đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế-xã hội; về kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời xử lý, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, bảo đảm thật sự liêm chính, trong sạch; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực.

 

Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải chú trọng chỉ đạo toàn diện cả phòng và chống; xây dựng, từng bước hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; kiện toàn tổ chức các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương,..

Đồng thời, đồng chí cũng chỉ rõ phải chọn một số khâu vướng, việc khó để tập trung chỉ đạo tháo gỡ, như: phát hiện, đôn đốc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; chấn chỉnh công tác giám định tư pháp; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đề cao vai trò, trách nhiệm, thực hiện đúng nguyên tắc các cấp ủy, tổ chức đảng, không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng, nhưng cũng không bao biện, làm thay, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng chủ động thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.

 

Đi đôi việc với tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể”, “không dám”, “không muốn” và “không cần” tham nhũng.

Cùng với đó, công tác tổ chức, cán bộ, cải cách hành chính bảo đảm tính công khai, minh bạch. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được tăng cường và có nhiều đổi mới; sự giám sát của cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy.

 

Với sự kiên quyết, kiên trì, nỗ lực của toàn Đảng, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, có thể khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây, để lại những dấu ấn thực sự nổi bật.

Công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được đẩy mạnh, không có vùng cấm; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được đẩy nhanh hơn; nhiều vụ án lớn và đặc biệt lớn được đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật, nhất là việc công khai đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực. Cơ chế xử lý, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng được thực hiện thường xuyên, chủ động và hiệu quả.

Các số liệu đã công bố cho thấy, trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến tháng 6-2022, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

 

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 6/2022, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can).

Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Khu dân cư nông thôn mới thôn Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Khu dân cư nông thôn mới thôn Tân Văn,
xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà. Ảnh: TTXVN

Theo thông báo của phiên họp thứ 25 ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 06 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 2 năm 2024, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.

Các ngành Thanh tra, Kiểm toán có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm; đã xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước. Nhất là đã tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm và công khai các sai phạm liên quan đến nhiều dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm.

Năm 2023, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 219.000 tỷ đồng (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2022); kiến nghị xử lý hành chính 7.524 tập thể, 7.944 cá nhân. Các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đã phát hiện, chuyển 660 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng 18% so với năm 2022).

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành một cách kiên trì, kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, sai; không bỏ lọt tội phạm; rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình.

Đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước, với nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Cũng trong giai đoạn 2012-2022, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo.

Về công tác điều tra, truy tố, xét xử, năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố hơn 4.500 vụ, hơn 9.370 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 46% về số vụ án so với năm 2022),trong đó, án tham nhũng khởi tố mới 899 vụ/2.446 bị can (tăng gần 02 lần về số vụ; tăng hơn 02 lần về số bị can so với năm 2022).

 

Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 6 đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý kỷ luật; 4 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có 2 đồng chí là lãnh đạo chủ chốt thôi giữ các chức vụ trong Đảng, Nhà nước liên quan đến Quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương và trách nhiệm người đứng đầu.

 


Với những kết quả to lớn có dấu ấn lịch sử trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những năm vừa qua cho thấy rất rõ sự kiên quyết, kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà hạt nhân đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Kết quả đó cũng thể hiện sự nhất quán giữa nói và làm, sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ của toàn Đảng cũng như của đồng chí Tổng Bí thư với nạn tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.Những quan điểm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cách làm và kết quả đó cũng thể hiện rõ trách nhiệm, tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Kết quả đó vừa thể hiện sự nghiêm khắc, quyết liệt, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, nhân tình củaĐảng ta và đồng chí Tổng Bí thư đối với các đối tượng tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước;khẳng định niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội, chính khách, học giả nước ngoài với quyết tâm của Đảng và những chỉ đạo hiệu quả của đồng chí Tổng Bí thư trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Khu dân cư nông thôn mới thôn Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Khu dân cư nông thôn mới thôn Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà. Ảnh: TTXVN

Lịch sử cách mạng và dân tộc Việt Nam sẽ còn tiếp tục khắc ghi những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, trong đó cũng đồng thời khắc ghi những dấu ấn đậm nét, thành tựu nổi bật của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng liên tiếp gần đây do đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đứng đầu đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách mạnh mẽ, kiên trì và rất quyết liệt.

Đã có nhiều bài viết, lời cảm tưởng thể hiện tình cảm sâu sắc cũng như sự ghi nhận, đánh giá rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nỗi trăn trở, vai trò, trách nhiệm, sự tâm huyết, quyết tâm và đóng góp to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp cách mạng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực những năm vừa qua.

Xin mượn mấy vần thơ của hai tác giả được in trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh” để khắc họa chân dung, vai trò, trách nhiệm và những đóng góp của người đứng đầu Đảng ta trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vì Đảng, vì Nước, vì Nhân dân.

Bác là ý Đảng - Lòng dân
Bác là gương sáng minh quân thời bình
“Đốt lò” theo đúng quy trình
Khiến quan tham nhũng thất kinh rụng rời
Nội xâm hiểm họa bao đời
Muốn truy tận gốc, cần người cao tay…
Bác đang chèo lái con tàu…
Vì dân, vì nước, mái đầu bạc phơ”.
“Bác là những ánh bình minh
Hào quang tỏa sáng hết mình vì dân”.

 

PGS, TS DƯƠNG TRUNG Ý
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: Nhandan.vn
Trình bày: L.H

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

  

 

Tag:

File đính kèm