Tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Với vai trò quan trọng đó, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn xác định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện phải bắt đầu từ việc xây dựng, củng cố các TCCSĐ và không ngừng giáo dục, rèn luyện đảng viên. Đây là nhân tố cơ bản quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh.
Nhìn lại thực tiễn công tác xây dựng TCCSĐ và đảng viên thời gian qua cho thấy, cấp ủy các địa phương trong tỉnh đã có những giải pháp, cách thức triển khai rất cụ thể, sâu sát, phát huy vai trò của tổ chức đảng, đảng viên và được nhân dân tin tưởng, đồng thuận. Đây chính là tiền đề để Đảng bộ tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Theo đó, tiêu chí TCCSĐ trong sạch có nhiều, nhưng tiêu chí quan trọng nhất là phải được người dân tin tưởng, yêu quý. Khi trao đổi tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2023, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đã chỉ rõ: Nhân dân chỉ tin, chỉ yêu khi cán bộ, đảng viên là những người luôn tiên phong, gương mẫu, có bản lĩnh, ý chí hành động vì dân, có khát vọng cống hiến, vươn lên...
Từ thực tế này, thời gian qua Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh từ cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Trong đó đặc biệt nêu cao việc giáo dục đạo đức, lối sống cũng như vai trò nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy tích cực nắm tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội để tuyên truyền định hướng, động viên tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn. Đồng thời, bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao ý thức về tinh thần tự giác, sửa đổi lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo hướng “sát dân, gần dân”; tăng cường đấu tranh với những trường hợp thoái hóa, biến chất; siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết loại bỏ những phần tử đã biến chất, làm trong sạch đội ngũ của Đảng, chính quyền.
Cách làm này thể hiện rõ từ việc tỉnh chủ động đổi mới cách thức giao nhiệm vụ cho tập thể, cán bộ, đảng viên, gắn với cơ chế giám sát tiến độ, chất lượng, hiệu quả công tác, ràng buộc trách nhiệm và quyền hạn; nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong các cơ quan, đơn vị; phát hiện những vấn đề mới phát sinh để đề ra kế hoạch, lộ trình, giải pháp khắc phục...
Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cấp ủy đảng chú trọng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Các cấp ủy đảng đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp và chương trình công tác hằng năm, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu, như: Tổ chức quán triệt học tập chuyên đề và đăng ký làm theo Bác; xây dựng, nhân rộng các mô hình học và làm theo Bác thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội...
Cùng với đó, Đảng bộ tỉnh cũng kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở. Công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh được quan tâm chỉ đạo. Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị được nâng lên. Các cấp ủy đảng cũng đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức đảng và tạo nguồn phát triển đảng viên xóa thôn, bản trắng chưa có đảng viên, chưa có chi bộ. Điển hình như BTV Huyện ủy Đầm Hà ban hành nghị quyết riêng về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tổ chức giao ban định kỳ hằng quý với các bí thư chi bộ - trưởng thôn, khu phố. Hằng tháng, các đồng chí trong Thường trực, BTV Huyện ủy thường xuyên dự sinh hoạt tại các chi bộ để kịp thời chỉ đạo giải đáp những vướng mắc ngay tại cơ sở... Tương tự, nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển Đảng ở thôn, khu dân cư, BTV Thành ủy Móng Cái chỉ đạo Đảng ủy các xã, phường xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển đảng viên, trong đó đẩy mạnh phát triển đảng viên ở chi bộ thôn, khu phố; giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên đối với các chi bộ thôn, khu phố. Đồng thời chú trọng quy hoạch, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ; giao nhiệm vụ cụ thể cho tổ chức đoàn thanh niên về chỉ tiêu giới thiệu đoàn viên thanh niên ưu tú cho chi bộ để bồi dưỡng, xem xét kết nạp Đảng.
Nhờ áp dụng giải pháp đồng bộ, chất lượng hoạt động của các chi bộ đảng, đội ngũ đảng viên không ngừng được nâng lên, công tác phát triển đảng viên trong toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, số đảng viên tăng mạnh, đến nay toàn tỉnh có trên 107.000 đảng viên. Chất lượng đội ngũ đảng viên cũng được nâng lên cả về trình độ học vấn, chuyên môn và lý luận chính trị, bản thân từng đảng viên đã nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, nhất là luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình, tiên phong, gương mẫu, xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Theo kết quả đánh giá, xếp loại năm 2022, toàn tỉnh có 726 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm 14,92%; 3.621 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm 74,4%; đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 14,29%, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm trên 80%.