Sign In

Tác phẩm dự thi Giải báo chí về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) tỉnh Quảng Ninh năm 2023Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị: Nhìn từ lịch sử và thực tiễn tại Cô Tô

10:28 09/10/2023

Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược quốc phòng Việt Nam, lần đầu tiên cụm từ “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy” được chính thức sử dụng. Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”. Với vị trí là huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, công cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo ở Cô Tô đã để lại nhiều bài học thực tiễn quý báu.

Di tích Đồn Cao Cô Tô nhìn từ trên cao.
Diện mạo Cô Tô ngày một đổi thay.

Trận đánh quả cảm

Sự kiện Đại Đội Ký Con tấn công đồn Cao Cô Tô do quân Pháp chiếm giữ đêm 13/11/1945 là một minh chứng rõ nét nhất về ý chí và quyết tâm bảo vệ biển đảo của cha ông ta từ những năm 40 của thế kỷ trước. Thời gian lùi quá xa cho nên cuộc hành trình đi tìm nhân chứng trận đánh của chúng tôi tựa như "mò kim đáy bể". Nhưng rất may mắn, trong quá trình sưu tầm tư liệu, chúng tôi đã tìm được cụ Lê Phú, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Ký Con, người chỉ huy trận đánh bi hùng năm xưa - cũng là người duy nhất của Đại đội còn tại thế. Cụ Lê Phú đang sống tại số nhà 27, ngõ 517, đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Cụ Lê Phú trao tư liệu liên quan đến Đại đội Ký Con cho lãnh đạo huyện Cô Tô.
Cụ Lê Phú trao tư liệu liên quan đến Đại đội Ký Con cho đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô.

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, cụ Phú đã gần 100 tuổi nhưng rất còn minh mẫn, lật dở những kỷ vật thời tham gia cách mạng như chạm vào miền ký ức xa xăm thuở nào. Từng câu chuyện cụ kể cho chúng tôi nghe hệt như những thước phim quay chậm.

Theo lời kể, chúng tôi được biết cụ Lê Phú sinh năm 1925 tại Hải Phòng, quê ngoại ở phường Cộng Hoà (thị xã Quảng Yên). Tháng 4/1945, Lê Phú bắt liên lạc được với Nguyễn Bình và được Nguyễn Bình giao tháo hai khẩu đại liên trên tàu để đưa về trang bị cho nghĩa quân Chiến khu Đông Triều.

Lê Phú đã trực tiếp chỉ huy các trận đánh đồn Bí Chợ (Uông Bí) ngày 1/7/1945, giành chính quyền ở tỉnh lỵ Quảng Yên và ở Hải Phòng tháng 7/1945, bảo vệ giành chính quyền cách mạng ở Hòn Gai tháng 9/1945. Đặc biệt, Lê Phú làm Đại đội trưởng Đại đội Ký Con - đơn vị vinh dự mang bí danh của lãnh tụ Quốc dân đảng Đoàn Trần Nghiệp - một trong những đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của Chiến khu Trần Hưng Đạo, đã chỉ huy trận tấn công quân Pháp trên đảo Cô Tô. 

Trước khi trở thành Đại đội Ký Con đánh đồn Cao Cô Tô, Trung đội Ký Con là đơn vị chủ lực Chiến khu Trần Hưng Đạo. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh.
Trước khi phát triển thành Đại đội Ký Con đánh đồn Cao Cô Tô, Trung đội Ký Con là đơn vị chủ lực của Chiến khu Đông Triều. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh.

Khoảng 10 giờ sáng ngày 10/11/1945, nhóm trưởng điện đài giao bức điện nhận từ Cẩm Phả về đảo Cát Bà cho Đại đội trưởng Lê Phú. Bức điện ngắn gọn: “Cử một trung đội đánh quân xâm lược Pháp trên đảo Cô Tô ngay trong đêm nay”.

Sau khi thống nhất với chỉ huy đại đội và chuẩn bị quân xong, Lê Phú lặng lẽ ra bến tìm con thuyền buồm vẫn dùng để chở đá nay trưng dụng để chở đủ một trung đội. May sao chủ thuyền vui vẻ nhận lời.

Trời vừa sập tối, trung đội 1 thuộc Đại đội Ký Con đứng đợi ở ngay mũi thuyền chờ lệnh xuất phát. Chủ thuyền đã lên bờ từ chiều để mua sắm mấy thứ cho chuyến đi. Lê Phú rất sốt ruột vì đã hẹn với chủ thuyền là xẩm tối sẽ lên đường. Nhưng giờ đến rồi chưa thấy bóng dáng chủ thuyền quay về. Nếu đêm nay không đổ bộ được lên đảo để trời sáng rồi thì rất khó khăn cho trận đánh. Theo kế hoạch đêm nay có một đơn vị khác sẽ đánh đồn Vạn Hoa. Ngày mai địch sẽ tăng cường phòng thủ chặt chẽ hơn cho Cô Tô.

Bỗng mưa giông đổ xuống như trút nước. Khi trời tạnh thì đêm đã khuya. Chủ thuyền vẫn chưa thấy tăm hơi đâu. Thời gian không còn đủ để tập kích địch trong đêm nữa. Chỉ huy tập hợp trung đội trở về doanh trại.

Cụ Lê Phú ôn tồn kể: “Qua đêm 10/11/1945, chuẩn bị mà không đánh được; đến 11/11/1945, mới đánh được nên chúng tôi mượn một thuyền của ngư dân khác đi qua đảo Vân Hải rồi đổ bộ lên Minh Châu. Chúng tôi ngủ đêm lại ở Minh Châu đến chiều hôm sau mới đi được nhưng thuyền mắc cạn. Vì thế, chúng tôi mượn thêm thuyền của dân Minh Châu. Mãi mới mượn được 3 cái thuyền thuận đường ra Cô Tô. Trên cũng điều thêm một tiểu đội từ Cát Bà ra thẳng Minh Châu”.

Sáng ngày 12/11/1945, thuyền cập bến làng Vân thuộc đảo Quan Lạn. Con thuyền khác chạy lạch ven đảo cũng kịp thời đến Minh Châu. Chính quyền cách mạng và nhân dân địa phương nhiệt tình đón tiếp và sẵn sàng giúp đỡ.

Tối ngày 12/11/1945, dưới ánh sáng ngọn đèn dầu leo lét đủ soi sáng tấm bản đồ, tại nhà một đồng chí trong Ủy ban Nhân dân cách mạng làng Minh Châu, chỉ huy đơn vị cùng tập trung vào bản đồ Cô Tô. Kế hoạch cụ thể đánh đồn Cô Tô đã dần dần được phác thảo. Lãnh đạo làng Minh Châu cử 4 ngư dân dẫn đường cho Đại đội. Thời gian xuất quân dự kiến vào chiều 13 đảm bảo đổ bộ lên Cô Tô vào giữa đêm.

Đúng 14 giờ ngày 13/11/1945, 4 con thuyền chở chiến sĩ Ký Con xuất phát từ đảo Minh Châu nhằm thẳng hướng Cửa Đối. Mưa to lạnh buốt thịt da. Sóng biển như muốn nuốt chửng những con thuyền nhỏ nhoi. 

Từ lời kể của cụ Lê Phú, đêm 13/11/1945, cán bộ, chiến sĩ Đại đội Ký Con đi trên các thuyền bí mật tiếp cận đảo Cô Tô thì thấy trên biển gần đảo có một cụm đèn rực sáng. 

Hai mũi đánh Đồn Cao gặp nhau ở gần đồn địch, dàn quân vào vị trí. Đại đội trưởng Lê Phú lệnh cho chiến sĩ Bùi Văn Ngoạn khai hỏa. Địch bắn trả, lúc đầu có phần rời rạc, sau dồn dập, đèn pha từ tàu chiến chiếu tập trung vào các vị trí quanh Đồn Cao, rồi những quả pháo sáng rực soi sáng khắp cả khu vực xung quanh đồn. Các chiến sĩ được lệnh giãn ra. Có những đồng chí hy sinh và một số khác bị thương.

Mỗi lần ánh sáng đèn pha trên chiến hạm quét một lần và pháo sáng bắn vào vùng quân ta tấn công, tức thì những tràng đạn tiểu liên ở lô cốt góc phải đồn bắn ra dữ dội. Hai tiểu đội tăng cường hỗ trợ cùng đánh Đồn Cao vẫn không có tín hiệu phối hợp. Trời chuẩn bị sáng, Đại đội trưởng Lê Phú lệnh cho từng tổ rút nhanh ra khỏi dốc Đồn Cao, tìm nơi ẩn nấp để tìm thuyền vượt biển trở về.

Tiểu đội của Đinh Như Tâm tiến công ngôi nhà lá là kho chứa quân trang, quân dụng phía dưới chân đồi gần con đường đất dẫn lên Đồn Cao. Nghe thấy tiếng súng hiệu trên Đồn Cao nổ, tất cả cùng nổ súng và ném lựu đạn đồng loạt. Địch bị tấn công bất ngờ dẫn đến hoảng loạn. Khi không chiếm giữ được Đồn Cao, quân ta đốt nhà kho bốc cháy và tìm đường rút lui.

Tiểu đội của Nguyễn Hòa do Trung đội phó Lê Hai chỉ huy, khi nghe tiếng súng nổ trên Đồn Cao, cũng nổ súng, đồng loạt bắn và ném lựu đạn vào đền thờ Mã Viện. Địch bị tấn công bất ngờ, bỏ chạy tán loạn ra khỏi đền. Cả tiểu đội vội xông vào trong đền nhưng không còn bóng tên địch nào cả. Quân ta vội quay ra bắn theo tiếng động của địch trên đường tháo chạy.

Trong trận đánh Đồn Cao, ngoài 22 đồng chí và 4 người dân lái thuyền bị địch bắt sống, Đại đội Ký Con đã hy sinh 17 đồng chí và 1 ngư dân Minh Châu dẫn đường. Một trong số những đồng chí trốn thoát là Ngô Huy Bỉnh, chính trị viên một trung đội. Sau này, ông về làm Báo Quảng Ninh, lấy bút danh Như Mai. Từ sau trận đánh Đồn Cao đến lúc giã từ cõi thế, nhà báo Như Mai vẫn luôn khắc khoải canh cánh nhớ về Đại đội Ký Con anh hùng.

Tập kích Đồn Cao Cô Tô là trận đánh mà Đại đội Ký Con tổn thất lớn nhưng thể hiện tinh thần chiến đấu quả cảm của cán bộ, chiến sĩ đơn vị những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945. “Trận đánh có ý nghĩa là mình chống quân xâm lược từ xa không để cho vào đất nước mình được. Ngay khi nó ở ngoài đảo mình đã đưa quân ra đánh rồi. Đánh cho nó biết Việt Nam ta có quân đội bảo vệ Tổ quốc tận ngoài đảo. Nếu bị chiếm, ta cũng đưa lực lượng ra. Pháp muốn vào thì cũng không dám vào đất liền được” - cụ Lê Phú khẳng định.

Năm 2000, Đại đội Ký Con đã được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. 

Những ngôi mộ gió ở đảo tiền tiêu

Chia tay Hà Nội, chúng tôi trở về Quảng Ninh để ra Cô Tô thăm lại chiến trường nơi mà cụ Lê Phú và đồng đội của mình đã chiến đấu anh dũng năm xưa. Nơi đây giờ đã trở thành khu di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Khu di tích lịch sử trận đánh Đồn Cao thuộc khu 2, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô (gần khu vực đài tiếp hình và đồi khí tượng).

Con đường mà chúng tôi đi lên khu di tích đã được sửa sang đẹp đẽ, hai bên đường cây cối xanh tốt. Tại Đồn Cao, có thể quan sát được toàn cảnh Cô Tô. Sau những bụi mờ của thời gian, dấu tích Đồn Cao giờ đây chỉ còn lại nền móng của những viên gạch cũ rêu phong, bể nước, hầm ngầm, bờ kè đá dưới lớp cỏ dại và cây bụi um tùm che phủ.

Để thể hiện lòng thành kính tri ân các anh hùng liệt sĩ, trong mỗi dịp lễ đoàn viên thanh niên và lực lượng vũ trang huyện lại tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường và chỉnh trang Di tích lịch sử Đồn Cao Cô Tô. Ngành giáo dục huyện Cô Tô cũng đã chủ động đưa học sinh đi dã ngoại tại Đồn Cao để tìm hiểu lịch sử quê hương. Nhiều giáo viên say mê lịch sử địa phương cũng tổ chức giờ dạy với những nội dung liên quan đến di tích Đồn Cao.

Ở quy mô lớn hơn, tỉnh Quảng Ninh và huyện Cô Tô cũng đã có nhiều việc làm thể hiện sự tri ân các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Đồn Cao. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cô Tô nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra những đề án, chương trình trọng điểm, trong đó xây dựng khu di tích văn hóa cấp tỉnh “Trận đánh Đồn Cao của Đại đội Ký Con”.

Không chỉ ở Cô Tô, tại thành phố Hạ Long và thành phố Hồ Chí Minh đều có đường Ký Con. Trong đó, tại Cô Tô, đường Ký Con là phố đi bộ của người dân và du khách, là một trong các con đường đẹp nhất của huyện.

“Cô Tô giờ khác hẳn, đã thành chỗ du lịch biển đảo. Cô Tô có điều kiện nên phát triển du lịch là chính, du lịch là mũi nhọn. Vì Cô Tô, chúng tôi có hy sinh cũng không tiếc” - Cụ Lê Phú bày tỏ.

Những hiện vật mà Đại đội Ký Con để lại quả là quá ít ỏi. Chỉ có một bức ảnh chụp chung trước khi tiến đánh Đồn Cao Cô Tô, một chi tiết trên chiếc tàu sắt hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng. Và đến cả trên tấm bia tưởng niệm cũng như tại mộ chí của các chiến sĩ Ký Con tại Nghĩa trang liệt sĩ Cô Tô chỉ có những dòng ngắn ngủi. Nhưng tất cả đều có chung một ngày hy sinh: ngày 13/11/1945. Và đặc biệt, tất cả đều là mộ gió.

Thắp hương lên những mộ phần đó, chúng tôi ai nấy đều cảm khái trước sự hy sinh của cha ông. Không ai trong số các liệt sĩ bị lãng quên cả. Họ đã nằm lại với Cô Tô, nằm lại bên nhau giữa trời nước biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trừ cụ Lê Phú ra, không ai trong chúng ta hôm nay biết mặt họ nhưng họ là những người anh hùng đã làm nên chiến công bất khuất. Họ, những chiến sĩ Đại đội Ký Con anh dũng, đã bất tử giữa lòng đất mẹ bao la, giữa biển trời sóng nước Cô Tô vĩnh hằng.

Lá chắn thép giữa trùng khơi

Thượng tá Trương Thế Dũng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cô Tô, Quảng Ninh, khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ cơ sở là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta. Phát huy truyền thống giữ nước khi nước còn chưa nguy của Đại đội Ký Con trong trận đánh Đồn Cao, lực lượng vũ trang huyện Cô Tô xác định phải chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa, đây là tư tưởng nhất quán xuyên suốt của Đảng, là định hướng chiến lược nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa là sự nghiệp của toàn dân trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của Đảng sự quản lý tập trung thống nhất của nhà nước. Chúng tôi luôn tích cực, chủ động nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược giữ vững thế chủ động chiến lược không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao thế và lực cũng như uy tín của đất nước”.

Cô Tô hôm nay không những đã trở thành huyện đảo vững vàng trước sóng gió trùng khơi mà còn là trọng điểm du lịch, một thiên đường nghỉ dưỡng biển đảo thu hút hàng triệu du khách.

Phát huy những giá trị di sản quý báu mà cha ông để lại, trong những năm qua, huyện đảo Cô Tô đã thực hiện hiệu quả việc kết hợp kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững an ninh biển, đảo; nhiều công trình lưỡng dụng được triển khai xây dựng đưa vào sử dụng; góp phần giữ vững chủ quyền biên giới biển đảo hòa bình, ổn định, phát triển.

Diện mạo của huyện đảo Cô Tô ngày càng khởi sắc.
Diện mạo của huyện đảo Cô Tô ngày càng khởi sắc.

Đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô chia sẻ: Trận đánh Đồn Cao của Đại đội Ký Con trên đảo Cô Tô đã để lại bài học lịch sử sâu sắc không chỉ cho huyện, cho tỉnh mà cho cả nước về chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ xa từ sớm, không để Tổ quốc bị bất ngờ. Phát huy tinh thần anh dũng, bất khuất của Đại đội Ký Con, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và thực hiện thắng lợi chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng tôi tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác quân sự, quốc phòng; trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, tỉnh về nhiệm vụ quốc phòng an ninh.

Huyện thường xuyên quan tâm đến công tác chính trị, tư tưởng; tuyên truyền về truyền thống lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước, về chủ quyền biên giới, biển đảo để mỗi người dân, mỗi cán bộ, chiến sỹ luôn vinh dự, tự hào khi được công tác, rèn luyện tại các đảo tiền tiêu trong đó có Cô Tô. Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp, không để bị động bất ngờ.

Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Cô Tô quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Cô Tô quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Huyện Cô Tô cũng tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao khả năng chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Trong suốt hành trình năm đã qua, có thể khẳng định, Cô Tô thật sự trở thành phên giậu của vùng biển đảo Đông Bắc Tổ quốc, chính là nhờ sự kiên cường bám trụ của mỗi công dân trên đảo. Mỗi người dân trên đảo Cô Tô chính là một chiến sĩ. Và mỗi chiến sĩ là một lá chắn thép giữa trùng khơi đầy sóng gió.

Chúng tôi có mặt trong một buổi lễ chào cờ thường kỳ của lực lượng vũ trang huyện Cô Tô dưới chân tượng đài Bác Hồ. Những chiến sĩ với quân phục màu xanh của biển cả nghiêm trang dưới quốc kỳ. Cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên trời biển Cô Tô. Lá cờ thấm máu đào của biết bao liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do cho Tổ quốc thiêng liêng, trong đó có những liệt sĩ của Đại đội Ký Con năm xưa. Thành kính hướng về lá cờ đỏ sao vàng, mỗi chiến sĩ, mỗi người dân Cô Tô hôm nay như thầm hứa sẽ bảo vệ vững chắc hòn đảo tiền tiêu này, xứng đáng với thế hệ cha ông đã anh dũng, kiên cường bám đảo dù cho phải hy sinh cả thân mình.

Phạm Học

Tag:

File đính kèm